Thời điểm cuối năm, tình trạng gian lận thương mại ở biên giới Tây Nam diễn biến rất phức tạp. Trong số các mặt hàng có truyền thống được con buôn thực hiện gian lận mang lại lợi nhuận lớn là xăng dầu. Mặc dù các cơ quan chức năng tích cực tuần tra, ngăn chặn và liên tiếp bắt giữ, nhưng việc mua bán, vận chuyển xăng dầu lậu trên vùng biển Tây Nam vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Lợi dụng giá dầu trong nước tăng cao và nhu cầu sử dụng của ngư dân, các đối tượng đã dùng mọi thủ đoạn để mua bán, vận chuyển dầu không rõ nguồn gốc nhằm thu lợi bất chính...
Hàng loạt vụ gian lận bị phát hiện
Vào lúc 13 giờ 30 ngày 22/11, tại khu vực biển Kiên Giang, tổ công tác Đoàn Trinh sát số 2 Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam chủ trì, phối hợp với Đồn Biên phòng Xẻo Nhàu (BĐBP tỉnh Kiên Giang) phát hiện 2 tàu số hiệu KG-56950 và KG- 91482-TS cập mạn, sang dầu DO mà không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Qua kiểm tra ban đầu, trên tàu KG-56950 vỏ sắt do bà Nguyễn Thị Thu Sáu (SN 1972, ngụ tại xã Nam Yên, H.An Biên, Kiên Giang) làm thuyền trưởng, chở khoảng 85.000 lít dầu DO (theo lời khai của bà Sáu). Khi đang bơm 35.000 lít dầu DO cho tàu cá vỏ gỗ KG-91482-TS do ông Phạm Hoàng Anh (SN 1980, ngụ P.An Bình, TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng thì bị lực lượng chức năng phát hiện, kiểm tra.
Tại thời điểm kiểm tra, bà Nguyễn Thị Thu Sáu và các thuyền viên chỉ xuất trình được 3 hóa đơn GTGT của doanh nghiệp tư nhân Phạm Thị Xuyên xuất bán 85.000 lít dầu DO cho bà Trương Thị Ngâm, mà không xuất trình được giấy tờ nào khác về hàng hóa; thuyền viên không có chứng chỉ.
Còn tàu KG-91482-TS thì thuyền trưởng và các thuyền viên cũng không xuất trình được giấy phép vận chuyển dầu DO, không giải thích được việc dùng tàu cá cải hoán để vận chuyển dầu. Tối 23/11, Tổ công tác của Đoàn Trinh sát số 2, CSB Việt Nam đã dẫn giải 2 tàu vi phạm về cảng Hải đội 422, Hải đoàn 42 (P.An Thới, TP.Phú Quốc, Kiên Giang) và bàn giao cho Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng CSB 4 tiếp tục điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 19/11, BTL Vùng CSB 4 (TP.Phú Quốc, Kiên Giang) cho biết đơn vị vừa phát hiện tàu vận chuyển số lượng lớn dầu DO không rõ nguồn gốc trên vùng biển Tây Nam. Cụ thể, lúc 7 giờ 10 ngày 18/11, lực lượng chức năng BTL Vùng CSB 4 phát hiện tàu KG-91844-TS có dấu hiệu nghi vấn nên đã ra hiệu lệnh dừng kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 3 thuyền viên; ông Tăng Quốc Việt (thường trú tại P.Vĩnh Lạc, TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng.
Theo lời khai ban đầu của thuyền trưởng, tàu KG-91844-TS đang vận chuyển khoảng 60.000 lít dầu DO. Toàn bộ số dầu này không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Lực lượng chức năng BTL Vùng CSB 4 đã lập hồ sơ ban đầu, niêm phong hàng hóa vi phạm và dẫn giải phương tiện, tang vật về cảng Hải đội 422 (TP.Phú Quốc) để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
BTL Vùng CSB 4 cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển Tây Nam, lực lượng chức năng Vùng CSB 4 đã phát hiện, bắt giữ tàu An Sinh 01 mang số hiệu HP 3195 vận chuyển trái phép khoảng 700.000 lít dầu DO ngày 04/11. Tại thời điểm kiểm tra trên tàu có 5 thuyền viên. Tàu do ông Mai Duy Chính (SN 1981, thường trú tại An Biên, Kiên Giang) làm thuyền trưởng. Chủ tàu là Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng An Sinh (Lãm Hà, Kiến An, Hải Phòng). Theo lời khai ban đầu của thuyền trưởng, tàu HP 3195 đang vận chuyển khoảng 700.000 lít dầu DO. Tuy nhiên, thuyền trưởng không xuất trình được đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tổng số dầu trên. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, niêm phong hàng hóa; sau đó dẫn giải phương tiện về cảng Hải đoàn 42 (tại thị trấn Năm Căn, tỉnh Cà Mau) để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình trạng mua bán xăng dầu lậu thường diễn ra tại các khu vực biển tiếp giáp với Thái Lan và Campuchia.
Nhiều thủ đoạn qua mặt cơ quan kiểm tra
Tại khu vực biển cách Đông Nam Côn Đảo khoảng 100 hải lý, hồi tháng 6/2024 tổ công tác Cục Nghiệp vụ và Pháp luật CSB phát hiện tàu cá vỏ gỗ mang số hiệu TH 92237 TS có nhiều dấu hiệu nghi vấn nên đã ra tín hiệu dừng tàu để kiểm tra hành chính. Lúc này, trên tàu cá có 5 thuyền viên do ông Nguyễn Thanh Tùng (SN 1968, trú tại P2, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) làm thuyền trưởng.
Theo lời khai của ông Tùng, tàu TH 92237 TS đang vận chuyển khoảng 80.000 lít dầu DO, đều không có hóa đơn hay chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Ngay sau đó, tổ công tác đã tiến hành lập biên bản, niêm phong hàng hóa vi phạm, dẫn giải phương tiện về cảng Hải đội 301 (tại TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bàn giao cho BTL Vùng CSB 3 tiếp tục điều tra, xử lý.
Tại khu vực cách cửa biển thuộc xã Tân Tiến, H.Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau 6 hải lý về hướng Đông Bắc, ngày 23/5, Đồn Biên phòng Tân Tiến, BĐBP Cà Mau phát hiện tàu cá mang số hiệu BT 97265 TS có dấu hiệu nghi vấn. Tiến hành kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên tàu có chứa gần 7.000 lít chất lỏng màu vàng nhạt, có mùi dầu nhưng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc; thuyền trưởng là ông Đoàn Trung Liệt (SN 1986, trú tại ấp An Thuận, xã An Thủy, H.Ba Tri, Bến Tre) không xuất trình được hóa đơn, giáy tờ hợp pháp về số dầu nói trên. Qua làm việc, ông Liệt đã thừa nhận số chất lỏng gần 7.000 lít là dầu Diesel được ông mua từ một tàu lạ (không biết số hiệu và chủ tàu) trên biển dùng để khai thác, đánh bắt thủy sản.
Lúc 10 giờ 15 ngày 19/5, tại vùng biển tỉnh Trà Vinh, Biên đội I/24, Hải đoàn Biên phòng 18 trong quá trình tuần tra, kiểm soát đã kiểm tra hành chính đối với tàu KG 91844 TS, trên tàu có 5 thuyền viên, do ông Võ Văn Nghĩa (SN 1960, trú tại TP.Rạch Giá, Kiên Giang) làm thuyền trưởng. Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện tàu KG 91844 TS vận chuyển khoảng 45.000 lít dầu DO. Thuyền trưởng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng trên. Lực lượng chức năng đã tiến hành điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó tại vùng biển tỉnh Kiên Giang, Biên đội A24 thuộc Hải đoàn Biên phòng 28 phát cũng hiện tàu cá KG 95942 TS chở khoảng 10.000 lít dầu DO. Tại thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng Trần Nhựt Thiên (46 tuổi, ngụ tại H.Châu Thành, Kiên Giang) không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số dầu trên. Sau khi điều tra, xác minh, Hải đoàn Biên phòng 28 đã tiến hành xử phạt theo quy định của pháp luật. Trước đó, cũng tại vùng biển Kiên Giang, trong hai ngày 21 và 23/02, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới chủ trì, phối hợp với Hải đội Biên phòng 2, BĐBP Kiên Giang liên tiếp phát hiện 3 chiếc tàu có chứa khoảng 50.000 lít dầu DO. Qua kiểm tra, thuyền trưởng của cả 3 tàu đều không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp số dầu nói trên.
Vùng biển Tây Nam rộng lớn, có nhiều đảo và thường xuyên có lượng tàu đánh cá lên đến hàng chục ngàn chiếc hoạt động, nên các đối tượng hay lợi dụng trà trộn để buôn bán, vận chuyển hàng lậu. Để qua mắt các cơ quan chức năng, các đối tượng sử dụng tàu cá cải hoán thành tàu dầu để phục vụ cho việc mua dầu DO từ các tàu không rõ danh tính. Ngoài ra, nhiều đối tượng còn dùng thủ đoạn như thay đổi tên và số hiệu phương tiện, tuyến hành trình, tắt thiết bị định vị. Tùy tình hình thực tế, sau khi mua lại từ các tàu không rõ nguồn gốc, số dầu trên sẽ được bán lại ngay cho các tàu cá đang hoạt động trên biển hoặc vận chuyển vào nội địa để tiêu thụ.
Theo Chỉ huy Hải đoàn Biên phòng 28, quá trình thực hiện hành vi vi phạm, các đối tượng thường tổ chức thành nhiều đường dây mua bán, vận chuyển dầu từ đất liền ra biển và ngược lại. Các phương tiện vi phạm được trang bị khá hiện đại, khi hoạt động trên biển luôn tìm mọi cách trốn tránh lực lượng chức năng. Đáng chú ý, các đối tượng thường tắt thiết bị theo dõi, giám sát, khi phát hiện lực lượng chức năng thì tăng tốc chạy trốn; nhiều trường hợp cố tình đâm, va vào tàu của lực lượng chức năng...
Để tạo sức mạnh tổng hợp, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là buôn bán, vận chuyển hàng lậu, xăng dầu lậu trên biển, bằng nhiều hình thức, biện pháp linh hoạt, sáng tạo, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động, nhạy bén, có ý chí quyết tâm cao, khắc phục mọi khó khăn, thử thách. Cùng với đó, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện và đấu tranh kiên quyết, liên tục với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong xây dựng kế hoạch và thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật...