Những ngày tới NSH Petro tiếp tục chia sẻ xăng dầu nhằm giải quyết khó khăn để các cửa hàng bán lẻ không đóng cửa.
Chiều 9/11, ông Phan Văn Quang, Phó tổng giám đốc Công ty CP Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro) cho biết tàu chở 3,5 triệu lít dầu D.O đã cập Tổng kho Trà Nóc của NSH Petro (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) để nhanh chóng phục vụ thị trường.
Tàu chở dầu của NSH Petro xuống hàng tại Tổng kho Trà Nóc.
Trước đó, ngày 24/10, NSH Petro đã cung ứng cho khu vực TP.HCM 3 triệu lít xăng với mức thù lao 350 đồng/lít. Khu vực ĐBSCL, NSH Petro chuyển đến thương nhân 910.000 lít xăng, 355.000 lít dầu với mức thù lao 250 đồng/lít.
Bên cạnh đó, NSH Petro đáp ứng cho đại lý, thương nhân nhượng quyền bán lẻ khu vực ĐBSCL 306.000 lít xăng, 335.000 lít dầu với mức thù lao 200 đồng/lít.
Những ngày tới NSH Petro tiếp tục chia sẻ xăng dầu nhằm giải quyết phần khó khăn lớn nhất để nhiều cửa hàng bán lẻ không đóng cửa. NSH Petro sẵn sàng chịu lỗ khi nâng mức chiết khấu bán hàng mỗi lít từ 200 - 350 đồng cho khách hàng.
Hiện tại, tình trạng khan hiếm xăng dầu vẫn đang diễn ra tại các tỉnh ĐBSCL. Theo các thương nhân phân phối xăng dầu ở Cần Thơ, trong giai đoạn hiện nay mặc dù đã chủ động liên hệ, đặt mua nhiều nguồn cung ứng trong và ngoài TP, nhưng vẫn không đủ lượng bán.
Các cửa hàng luôn trong tình trạng không đủ hàng để cung ứng cho người tiêu dùng, thường hết xăng sớm trong ngày. Thậm chí một số cửa hàng ở vị trí trọng điểm hết cả xăng và dầu và đang phải chịu lỗ từ 150-250 đồng/lít.
Tổng kho Trà Nóc của NSH Petro.
Ông Phan Văn Quang, Phó Tổng giám đốc NSH PETRO cho biết: "Doanh nghiệp hiện có 9 kho cầu cảng với tổng sức chứa hơn 500.000m3, hệ thống phân phối và đại lý nhượng quyền bán lẻ lớn ở khu vực ĐBSCL, với 67 cửa hàng và 550 đại lý.
Trong quý 4/2022, Công ty sẽ nhập khẩu theo đúng theo hạn mức tối thiểu mà Bộ Công thương giao và đảm bảo đủ lượng hàng trong hệ thống phân phối".
Mới đây, Văn phòng Chính phủ có thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng - Lê Minh Khái gửi Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Công thương về việc rà soát, điều chỉnh các loại chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu.
Theo đó, xét đề nghị của Bộ Tài chính tại văn bản số 11423/BTC-QLG ngày 5/11/2022 về việc rà soát, điều chỉnh chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, quy định tại các nghị định về kinh doanh xăng dầu và các quy định pháp luật, chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan liên quan.
Theo đó, bám sát diễn biến thị trường để chủ động tính toán, xem xét, quyết định điều chỉnh các loại chi phí liên quan trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu theo thẩm quyền và quy định hiện hành.
Các loại chi phí này gồm: chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam; premium (phần trả lãi cho người bán) trong nước; chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng và chi phí kinh doanh định mức...
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu cần đảm bảo không đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong nước. Chặt chẽ, hiệu quả, khả thi, kịp thời và sát với diễn biến thị trường, không để xảy ra trục lợi, buôn lậu, vi phạm pháp luật; hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
TIN KHÁC
Một số thông tin về việc điều hành giá xăng dầu ngày 28/11/2024(28/11/2024)
Ngân hàng PVcomBank tham gia tư vấn thu xếp vốn cho Dự án NCMR NMLD Dung Quất(28/11/2024)
Chính thức thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)(27/11/2024)
Buôn lậu xăng dầu diễn biến phức tạp trên biển Tây(27/11/2024)
29 cửa hàng xăng dầu TP.HCM tạm ngưng hoạt động vì nhiều lý do(26/11/2024)