CEO Vietsovpetro: “Giá dầu thô xuống thấp phải chấp nhận đóng một số mỏ, giếng”
02:28 SA @ Thứ Ba - 23 Tháng Hai, 2016

“Đối với những giàn, những giếng có chi phí vận hành quá cao, giá hòa vốn quá cao thì cũng nên đóng cửa. Trong điều kiện như thế này thì cũng không nên đặt nặng vấn đề sản lượng, bởi có những tấn dầu chúng ta đã khai thác với giá thành rất cao”, ông Từ Thành Nghĩa, Tổng giám đốc Vietsovpetro nói.

CEO Vietsovpetro:“Giá dầu thô xuống thấp phải chấp nhận đóng một số mỏ, giếng”Ảnh minh họa. Nguồn: Bizlive

Giá dầu suy giảm khiến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lâm vào tình cảnh khó khăn chưa từng thấy. Theo đó, hàng loạt các biện pháp được nêu ra như đóng cửa một số giàn khoan có chi phí vận hành quá cao, tái cơ cấu bộ máy, tiết giảm chi phí sản xuất... được đưa ra.

Thông tin trên tờ Năng lượng mới, ông Từ Thành Nghĩa, Tổng giám đốc (CEO) Vietsovpetro thừa nhận rằng tình hình tài chính của doanh nghiệp hiện đang khó khăn và cho rằng trong điều kiện giá dầu giảm, giá dịch vụ đang giảm, nên tăng cường hoạt động tìm kiếm, thăm dò.

Ông Nghĩa cũng cho biết, ông ủng hộ ý kiến nên đóng cửa một số mỏ, giếng. Về vấn đề này, Vietsovpetro cũng đã trình Hội đồng, nhưng phía ta không xem xét, phía Nga cũng không xem xét.

"Tôi nghĩ là đối với những giàn, những giếng có chi phí vận hành quá cao, giá hòa vốn quá cao thì cũng nên đóng cửa. Trong điều kiện như thế này thì cũng không nên đặt nặng vấn đề sản lượng, bởi có những tấn dầu chúng ta đã khai thác với giá thành rất cao. Nếu giá dầu tiếp tục xuống thấp nữa thì phải chấp nhận việc đóng giếng, đóng mỏ bởi nếu không càng làm sẽ càng lỗ", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Thông tin về vấn đề tái cơ cấu ở Vietsovpetro, theo ông Nghĩa, Vietsovpetro đã thực hiện trong mấy năm qua, nhưng không ghi thành văn bản. Trong 2 năm vừa qua, Vietsovpetro đã cắt giảm 600 chức danh, năm 2015 là 400 và trước đó là 200 chức danh.

Ông Nghĩa thông tin thêm, trong buổi làm việc sơ bộ với phía Nga yêu cầu trong 5 năm tới Vietsovpetro phải giảm xuống dưới 5.000 người, trong điều kiện hiện nay Vietsovpetro đang có 7.200 nhân viên. Việc giảm trên 2.000 nhân viên trong vòng 5 năm tới cũng là một thách thức, tuy nhiên Vietsovpetro đã chuẩn bị phương án và sẽ trình Tập đoàn.

"Về việc cân đối dòng tiền trong năm 2016, hiện nay Vietsovpetro đang vướng 75 triệu USD nếu không giải ngân được thì đến hết tháng 4 là Vietsovpetro không còn tiền tiêu", ông Nghĩa nói.

Chỉ ra những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, Tổng giám đốc PVEP Ngô Hữu Hải cũng cho biết, hiện có một vài dự án mà khoản chi phí tàu dịch vụ FSO quá căng, đến mức 75% như Lam Sơn JOC, mỗi ngày liên doanh này lỗ đến 65.000 USD, trong đó cấu thành lên giá thành hiện nay là 75% từ tàu FPSO. Mỏ Sông Đốc, ban đầu chi phí là 120.000 USD/ngày, sau một quá trình đàm phán thì bây giờ không có xu nào.

"Hiện nay chúng tôi có 3 tàu, đề nghị nội bộ chúng ta phải xử lý trước. Đó là FSO Đại Hùng Queen của PV Trans, tàu Bumi Amanda TGT 01 và tàu PV TRANS. Như ở Đại Hùng, giá tàu FSO chiếm đến 62% giá thành. Do đó ở Đại Hùng càng khai thác càng lỗ. Thứ hai là tàu Amanda Tê Giác Trắng của Liên doanh Vietsovpetro và Amanda của Hoàng Long JOC, mặc dù khá thành công, nhưng giá thành vẫn còn cao.

Đặc biệt là Lam Sơn JOC với tàu PV TRANS, chiếm đến 74% giá thành. Nếu không có biện pháp xử lý thì PVEP xin phép đóng mỏ Lam Sơn đầu tiên, ít nhất là 3-6 tháng vì một đồng bỏ vào bây giờ là mất trắng và không có đồng nào đi ra", ông Hải nêu.

Vị đại diện này cũng đưa ra đề xuất, xin Chính phủ một cơ chế xử lý nguồn vốn hoạt động cho tìm kiếm, thăm dò bằng cách trích tối đa 30% lợi nhuận sau thuế của PVN và PVEP.

Nguồn: