Câu chuyện định mức chiết khấu xăng dầu đang tiếp tục nóng lên khi nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vừa kiến nghị lên Chính phủ về việc phân chia lại khoản chi phí và lợi nhuận định mức kinh doanh.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) Bùi Ngọc Bảo cho biết, kiến nghị của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu về việc phân chia lại khoản chi phí và lợi nhuận định mức kinh doanh (chiết khấu) là chính đáng bởi khi đã tổ chức mạng lưới phân phối xăng dầu theo mô hình như hiện nay thì cần thiết phải có chiết khấu để đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên.
Tuy nhiên, thực tế diễn biến thị trường năm 2022 vừa qua đã cho thấy hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (bao gồm từ thương nhân đầu mối đến các tổng đại lý, đại lý) đều bị thua lỗ nên các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng bị lỗ theo.
Tại Việt Nam, cho đến thời điểm này, nhà nước vẫn quản lý ngành xăng dầu. Theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; Nghị định số 95/2021/NQ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu; Thông tư số 104/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu, chi phí kinh doanh xăng dầu định mức được giữ cố định là 1.050 đồng/lít và lợi nhuận định mức được giữ cố định là 300 đồng/lít (tổng cộng 1.350 đồng/lít) kể từ năm 2014 đến nay trong công thức tính giá cơ sở. Các doanh nghiệp đầu mối sẽ tính toán trong khoản này để thỏa thuận mức chiết khấu cho các mắt xích trong hệ thống. Tuy nhiên trên thực tế, giá vốn nhập khẩu xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ cho thương nhân đầu mối nhập khẩu xăng dầu trong bối cảnh giá vốn này biến động tăng khiến các doanh nghiệp đầu mối nhiều trường hợp bị lỗ. Vì vậy, đã xảy ra tình trạng không có sự chia sẻ rõ ràng giữa thương nhân phân phối, thương nhân nhận quyền bán lẻ, tổng đại lý, đại lý xăng dầu về khoản định mức và lợi nhuận định mức 1.350 đồng/lít này, Chủ tịch VINPA Bùi Ngọc Bảo chỉ rõ.
Khách hàng đến mua xăng tại cửa hàng xăng dầu Petrolimex trên phố Trần Quang Khải. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN
Thực tế là trong kinh doanh xăng dầu theo hệ thống tổ chức như hiện nay, các doanh nghiệp tham gia phân phối kinh doanh xăng dầu đều tự bỏ vốn kinh doanh (không được hưởng lãi suất vay vốn ưu đãi) nên phải có chiết khấu đủ để lưu thông xăng dầu. Vì vậy, giải pháp cần thiết là các cơ quan quản lý phải xác lập được công thức để đảm bảo cho chuỗi cung ứng xăng dầu bao gồm thương nhân phân phối, thương nhân nhận quyền bán lẻ, tổng đại lý, đại lý bán lẻ xăng dầu có đủ chi phí để kinh doanh.
" Khi đã đủ chi phí, các doanh nghiệp trong chuỗi sẽ tự khắc áp dụng cơ chế cạnh tranh", Chủ tịch VINPA Bùi Ngọc Bảo khẳng định.
Để làm rõ hơn về việc tính đúng tính đủ giá vốn này, Chủ tịch VINPA Bùi Ngọc Bảo cũng cho biết, hiện nay các doanh nghiệp đầu mối phải thực hiện quy định dự trữ xăng dầu trong 20 ngày. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp đầu mối phải tạo nguồn xăng dầu trước nhiều tuần, nhiều tháng trước đó. Tuy nhiên, công thức tính giá cơ sở hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước vẫn chỉ dựa trên cập nhật giá cả trước một vài ngày của kỳ điều hành giá xăng dầu (chu kỳ 10 ngày/lần).
Với cách tính như vậy, các yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở chưa phản ánh đúng thực tế giá vốn nhập xăng dầu của doanh nghiệp đầu mối, dẫn tới các doanh nghiệp đầu mối bị lỗ. Vì vậy liên bộ Tài chính Công Thương cần tính toán đủ giá vốn xăng dầu cho vòng quay 20 ngày dự trữ xăng dầu của doanh nghiệp đầu mối nhất là trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới liên tục biến động như những năm gần đây, Chủ tịch VINPA Bùi Ngọc Bảo đề xuất.
Về lâu dài để giải quyết triệt để vấn đề này, giải pháp chính là thị trường hóa xăng dầu; trong đó, cơ quan quản lý nhà nước đưa ra mức giá trần giống như nhiều nước trên thế giới đang thực hiện, còn để cho doanh nghiệp xăng dầu tính toán lại chi phí và giá bán.
Đồng tình với quan điểm này, một số chuyên gia cho rằng mức chiết khấu xăng dầu nên để thị trường tự quyết định vì các đầu mối nhập khẩu đã được giao tổng nguồn và thêm tồn kho 20 ngày. Khi đó, thương nhân đầu mối đưa hàng về phải bán ra càng nhiều càng tốt và duy trì tỷ lệ tồn kho thấp nhất để kinh doanh hiệu quả.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính). Ảnh: BNEWS/TTXVN
Chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh cho biết, một mức chiết khấu cố định như đề xuất của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu là không hợp lý với đặc thù thị trường xăng dầu của Việt Nam hiện nay. Trong bối cảnh kinh doanh xăng dầu là kinh doanh có điều kiện và do nhà nước quản lý như hiện nay, các quy định về kinh doanh xăng dầu có thể tính đến mức thù lao tối thiểu cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu để hoạt động ổn định. Tuy nhiên, chiết khấu cụ thể nên được thể hiện trong hợp đồng kinh tế mua bán giữa đầu mối và thương nhân phân phối, bán lẻ, không nên đưa vào nghị định để giúp thị trường xăng dầu hướng tới thị trường cạnh tranh.
Hiện tại có 32 thương nhân đầu mối nên các đại lý phân phối, bán lẻ xăng dầu có thể lựa chọn để đàm phán hợp đồng với các điều kiện theo hoàn cảnh, sản lượng và mức chiết khấu tương ứng, ông Thịnh chỉ rõ.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch VINPA Bùi Ngọc Bảo cho biết, theo quy định hiện nay, có nhiều hình thức đảm bảo cho đại lý xăng dầu có thể hoạt động ổn định. Cụ thể, đại lý kinh doanh xăng dầu được thoải mái lựa chọn đối tác đầu mối xuất nhập khẩu, thương nhân phân phối hoặc tổng đại lý xăng dầu để làm đối tác cung cấp xăng dầu theo các điều khoản đàm phán cụ thể. Nếu đầu mối xuất nhập khẩu hoặc thương nhân phân phối, tổng đại lý xăng dầu vi phạm các cam kết hợp đồng như vậy thì các đại lý bán lẻ xăng dầu mới có căn cứ yêu cầu cơ quan chức năng xử lý.
Thực tế, các đại lý hiện nay thường chọn hình thức giá xăng dầu thả nổi khi ký hợp đồng với đầu mối xuất nhập khẩu, thương nhân phân phối hoặc tổng đại lý xăng dầu. Vì vậy, có thời điểm các đại lý có thể được hưởng chiết khấu hơn 1.035 đồng/lít (như tại thời điểm 2 tuần lại đây có lúc lên tới 1.500 đồng/lít), có thời điểm sẽ chẳng được hưởng đồng nào.
"Đây hoàn toàn là vấn đề thỏa thuận giữa các doanh nghiệp, nhà nước không can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp", ông Bảo cho hay.
Theo thông tin từ VINPA, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đang rà soát lại Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 để có thể bổ sung, sửa đổi theo hướng xác lập lại những quy định cụ thể hơn đối với hệ thống cung cấp xăng dầu, giữa trách nhiệm của đầu mối kinh doanh với thương nhân phân phối, giữa thương nhân phân phối với đại lý hoặc các nhà bán lẻ là các cửa hàng xăng dầu./.
TIN KHÁC
Bộ Công Thương tổ chức hội nghị rà soát, đánh giá thực hiện lộ trình phối trộn nhiên liệu sinh học(20/09/2024)
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long làm việc với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam(20/09/2024)
Một số thông tin về việc điều hành giá xăng dầu ngày 19/9/2024(19/09/2024)
Bộ Công Thương: Đảm bảo cung ứng xăng dầu trong năm 2024(19/09/2024)
5 tháng cuối năm sẽ sản xuất và nhập khẩu 10,6 triệu tấn xăng dầu(18/09/2024)