CPI tháng 10/2024 đạt mức tăng 0,33% so với tháng trước; trong đó, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Theo tin từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bình quân 10 tháng trong năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,78% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,69%. Riêng CPI tháng 10/2024 đạt mức tăng 0,33% so với tháng trước; trong đó, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Giá lương thực, thực phẩm tiếp tục tăng do ảnh hưởng bởi mưa bão, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, giá nhà ở thuê tăng là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 10/2024 tăng 0,33% so với tháng trước. CPI tháng 10 tăng 2,52% so với tháng 12/2023 và tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, nhóm giao thông tăng mạnh nhất với 0,66%, chủ yếu do giá dầu diezen tăng 2,27%; giá xăng trong nước tăng 0,98% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng. Giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 32,75% do nhu cầu của người tiêu dùng tăng... Bên cạnh đó, có một số mặt hàng giảm giá là giá xe ô tô mới và giá vận tải hành khách bằng đường bộ cùng giảm 0,1%; xe ô tô đã qua sử dụng giảm 0,23%.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,55%; trong đó, lương thực tăng 0,77%; thực phẩm tăng 0,66%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,19%.
Nhóm giáo dục tăng 0,48%; trong đó, giá dịch vụ giáo dục tăng 0,53% do một số trường mầm non tư thục, cao đẳng, nghề, trung cấp, đại học, sau đại học tăng học phí. Bên cạnh đó, một số địa phương cũng có chính sách miễn giảm học phí nhằm hỗ trợ cho người dân chịu ảnh hưởng của bão, lũ như Quảng Ninh, Hà Giang, Yên Bái... Ngoài ra, giá bút viết tăng 0,13%; giá văn phòng phẩm, đồ dùng học tập khác tăng 0,09%; giá sản phẩm từ giấy và sách giáo khoa cùng tăng 0,07%.
Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,26%; trong đó, giá đồ trang sức tăng 4,67% theo giá vàng trong nước.
Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,2% do nhu cầu tiêu dùng tăng và nhiều chương trình khuyến mại tại một số địa phương đã kết thúc.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,11% do chi phí nhân công và tỷ giá tăng, cụ thể như giá nước khoáng tăng 0,27%; thuốc hút tăng 0,23%; nước quả ép tăng 0,15%; bia chai tăng 0,13%; rượu các loại tăng 0,06%.
Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,11% chủ yếu do các nguyên nhân như giá gas tăng 1,17% là vì từ ngày 01/10/2024, giá gas trong nước điều chỉnh tăng theo giá gas thế giới; giá dầu hỏa tăng 1% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng; giá thuê nhà tăng 0,73%; nước sinh hoạt tăng 0,24%. Ở chiều ngược lại, giá điện sinh hoạt giảm 2,02% do thời tiết mát nên nhu cầu tiêu dùng giảm.
Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,09% do nhu cầu mua sắm tăng khi thời tiết chuyển mùa. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,09% do trong tháng có ngày Phụ nữ Việt Nam nên nhu cầu tăng cao.
Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02% do thời tiết chuyển giao giữa hai mùa, bệnh cảm cúm, đường hô hấp gia tăng nên nhu cầu tiêu dùng các loại thuốc về giảm đau, hạ sốt, đường hô hấp, vitamin và khoáng chất tăng.
Riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,05%; trong đó, phụ kiện máy điện thoại thông minh và máy tính bảng giảm 0,46%; giá máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng giảm 0,28%; giá máy điện thoại di động thông thường giảm 0,17%. Ngược lại, giá sửa chữa điện thoại tăng 0,4% do chi phí nhân công tăng.
Song song với chỉ số CPI, lạm phát cơ bản tháng 10/2024 tăng 0,23% so với tháng trước, tăng 2,68% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mười tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,69% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung là 3,78%, chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 27/10/2024, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.693,44 USD/ounce, tăng 4,0% so với tháng 9/2024 do tình hình căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông ngày càng nghiêm trọng. Ngoài ra, xung đột kéo dài giữa Nga - Ukraine và những biến động ở bán đảo Triều Tiên đã làm gia tăng lo ngại về bất ổn chính trị toàn cầu. Cùng với đó, việc các ngân hàng trung ương lớn như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục thực hiện các chính sách nới lỏng tiền tệ đã góp phần thúc đẩy đà tăng của giá vàng. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 10/2024 tăng 5,96% so với tháng trước; tăng 29,97% so với tháng 12/2023; tăng 38,88% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mười tháng năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 27,48%.
Cũng đến ngày 27/10/2024, chỉ số giá đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 102,88 điểm, tăng 1,91% so với tháng trước do dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan hơn dự báo, cùng với rủi ro địa chính trị leo thang ở các điểm nóng trên toàn cầu cũng là nhân tố thúc đẩy sự tăng giá của đồng USD. Trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 25.050 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 10/2024 tăng 0,7% so với tháng trước; tăng 2,41% so với tháng 12/2023; tăng 1,89% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mười tháng năm 2024, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 5,1%./.
TIN KHÁC
Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học(22/11/2024)
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024(21/11/2024)
BSR hoàn thành chỉ tiêu sản lượng sản xuất năm 2024(21/11/2024)
Nghệ An: Đến năm 2030 sẽ có khoảng 7 kho dự trữ, cung ứng xăng dầu, nhiên liệu(21/11/2024)
Kinh doanh xăng dầu giai đoạn 2020-2024: Nhiều gian lận, xử phạt gần 1.000 vụ vi phạm(20/11/2024)