Các vấn đề về giá, điều kiện tổ chức kinh doanh, lượng hàng tồn kho bắt buộc... đã được doanh nghiệp góp ý với Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu.
Thông tin được đưa ra tại Hội nghị lấy ý kiến xây dựng Nghị định về kinh doanh xăng dầu do Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) tổ chức sáng 7/5, tại Hà Nội
Xây dựng nghị định mới phù hợp xu thế phát triển
Phát biểu gợi mở tại Hội nghị, ông Trịnh Quang Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam – cho hay, Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2014.
Kể từ khi Nghị định có hiệu lực thi hành đến nay, Nghị định 83 đã được sửa đổi, bổ sung với các Nghị định: 08/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 sửa đổi một số điều liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu; Nghị định 80/2023/NĐ-CP ngày 17/11/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Trong thời gian 10 năm thực hiện Nghị định 83, thị trường xăng dầu cơ bản vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước, giá xăng dầu tại thị trường trong nước vận hành theo xu hướng giá xăng dầu thế giới; hệ thống phân phối xăng dầu được mở rộng với nhiều đối tượng tham gia, bước đầu tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường; nguồn cung xăng dầu cho thị trường nhìn tổng thể đã được bảo đảm cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, nhiều quy định về kinh doanh cần được xem xét, sửa đổi, bổ sung, thay thế để đáp ứng thực tiễn hiện nay cũng như xu thế phát triển trong thời gian tới.
Cũng theo ông Trịnh Quang Khanh, từ năm 2014 đến nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến kinh doanh xăng dầu được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung như Luật Quy hoạch, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Cạnh tranh,… dẫn tới căn cứ pháp lý, một số quy định điều hành thị trường xăng dầu cũng có nhiều thay đổi.
Việt Nam hiện nay đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới thông qua việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương cũng như đa phương dẫn đến thuế nhập khẩu đối với nhiều loại hàng hóa, trong đó có xăng dầu được giảm theo lộ trình cam kết tại Hiệp định thương mại. Nguồn cung xăng dầu phục vụ cho nhu cầu trong nước đã thay đổi đáng kể về cơ cấu nguồn khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn cũng đã cung ứng ra thị trường được khoảng 70%.
Công tác “số hóa” trong kinh doanh xăng dầu mặc dù đã được một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu triển khai thực hiện nhưng chưa đáp ứng theo xu hướng của cuộc cách mạng 4.0.
Từ những vấn đề nêu trên, việc cần có cơ chế mới thay thế cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay là cần thiết, vừa đáp ứng được mục tiêu, quan điểm của nhà nước về an ninh năng lượng quốc gia, nhưng cũng đáp ứng yêu cầu nội tại của doanh nghiệp về phát triển kinh doanh.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc góp ý dự thảo thay thế Nghị định 83 và các Nghị định sửa đổi, bổ sung, Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Hiệp hội đã gửi xin ý kiến của các hội viên và đề nghị các hội viên nghiên cứu, xây dựng báo cáo gửi Hiệp hội để Hiệp hội tổng hợp báo cáo Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, theo ông Trịnh Quang Khanh, có rất ít hội viên gửi báo cáo và cùng một nội dung có nhiều ý kiến khác nhau. Do đó, việc tổ chức Hội nghị nhằm tạo được sự thống nhất và có tiếng nói chung, kiến nghị với cơ quan quản lý để việc xây dựng Nghị định mới phù hợp với thực tiễn kinh doanh hiện nay cũng như xu thế phát triển trong tương lai.
Doanh nghiệp kiến nghị nhiều nội dung quan trọng
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp đầu mối và các thương nhân phân phối, đại lý bán lẻ xăng dầu đã cùng nhau góp ý vào Dự thảo Nghị định. Trong đó, các ý kiến chủ yếu tập trung nhiều vào các vấn đề về giá, quyền của doanh nghiệp trong xác định giá, các khoản chi phí phản ánh trong công thức giá, các điều kiện tổ chức kinh doanh, lượng hàng tồn kho bắt buộc…
Góp ý vào Dự thảo Nghị định, ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đề nghị làm rõ điều kiện để cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đối với các doanh nghiệp theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con. Đồng thời đề nghị làm rõ khái niệm doanh nghiệp thành viên bởi Luật Doanh nghiệp không có khái niệm này.
Ở góc độ thương nhân bán lẻ, ông Phan Văn Thoại – Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (SaiGon Petro Co.,LTD) – đề nghị xem xét Mục D, Khoản 9, Điều 3 và Khoản 3 Điều 15 về thương nhân bán lẻ xăng dầu được thỏa thuận mua hàng theo 3 hình thức, trong đó, hình thức thứ 3 quy định: Mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu để bán lẻ tại hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu của thương nhân.
Theo doanh nghiệp, hình thức này rất khó cho thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối trong việc quản lý hệ thống, quản lý chất lượng, công bố giá bán lẻ, cũng như dự trữ nguồn hàng để bán hàng theo hình thức nêu trên.
Vì vậy, SaiGon Petro đề nghị thương nhân bán lẻ mua hàng với 2 hình thức: Nhận làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu; nhận quyền bán lẻ xăng dầu cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu.
Về dự trữ lưu thông xăng dầu, ông Phan Văn Thoại cho rằng, lượng hàng dự trữ lưu thông tối thiểu bằng 30 ngày, điều này làm ảnh hưởng khá lớn đến nguồn tài chính cũng như rủi ro về giá của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp đề nghị rút ngắn lượng hàng dự trữ lưu thông tối thiểu bằng 20 ngày cung ứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân 1 ngày (không bao gồm lượng hàng thương nhân đầu mối bán cho thương nhân đầu mối) của năm liền kề, cả về cơ cấu chủng loại hoặc dự trữ lưu thông tối thiểu bằng 30 ngày cung ứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội bình quân 1 ngày (không bao gồm lượng hàng thương nhân đầu mối bán cho thương nhân đầu mối) của năm trước liền kề, cả về cơ cấu chủng loại.
Ông Thoại cũng kiến nghị về thời gian điều chỉnh giá bán xăng dầu theo kỳ là 10 ngày/lần bởi tình hình diễn biến xăng dầu trồi sụt, khoảng cách tăng giảm với biên độ khá rộng. Vì vậy, thời gian điều chỉnh giá bán xăng dầu theo kỳ 10 ngày một lần. Bổ sung góp ý, giá xăng dầu đầu mối, lợi nhuận định mức và chi phí định mức. Chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức từ 2.400 - 2.500 đồng/lít. Mức chi phí này không phù hợp, cách tính chi phí và khoản phụ phí rất sai thực tiễn, giữ nguyên công thức giá.
Ghi nhận các ý kiến của các doanh nghiệp, ông Phan Văn Chinh – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) – cho hay, thay mặt Tổ biên tập ban soạn thảo, Vụ Thị trường trong nước sẽ ghi nhận, tiếp thu, tổng hợp các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, các đại lý bán lẻ xăng dầu tại Hội nghị. Đồng thời, giải trình và tiếp tục xin ý kiến từ các Bộ, ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp để từ đó hoàn thiện nội dung nhằm xây dựng Nghị định mới phù hợp với thực tiễn kinh doanh hiện nay cũng như xu thế phát triển trong tương lai và khi Nghị định được ban hành sẽ giải quyết các vấn đề căn cơ nhất, lớn nhất trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
TIN KHÁC
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu(04/11/2024)
Sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu(04/11/2024)
Một số thông tin về việc điều hành giá xăng dầu ngày 31/10/2024(31/10/2024)
9 tháng đầu năm, BSR đạt doanh thu hơn 87 nghìn tỷ đồng(31/10/2024)
Quản lý thị trường phía Nam đẩy mạnh kiểm tra việc kinh doanh xăng dầu(31/10/2024)