Trao đổi với Đại Đoàn Kết về Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng xăng, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, hiện đang có quan điểm nên giảm hoặc bỏ hẳn loại thuế này. Song quan trọng hơn khi xem xét vấn đề thuế cần phải tính đến sự cân bằng giữa lợi ích người tiêu dùng và ngân sách nhà nước.
Ông Ngô Trí Long.
Thưa ông, trong mỗi lít xăng đang cõng 4 loại thuế. Thuế giá trị gia tăng (VAT 10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%) và bảo vệ môi trường. Muốn giảm giá xăng trong nước trước bối cảnh giá xăng thế giới leo thang, nên chăng tiếp tục tác động vào thuế?
Ông Ngô Trí Long:Hiện nay đang có kiến nghị xem xét giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế MFN) với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ mức 20% hiện nay xuống còn 12%.
Cụ thể mặt hàng xăng động cơ, không pha chì dùng để sản xuất xăng RON 92, RON 95 có thuế suất MFN là 20%, thuế suất FTA tại các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (VNEAEU) là 8%, EVFTA là 20%.
Do thuế FTA thấp hơn so với thuế MFN nên phần lớn các đầu mối nhập khẩu xăng dầu đổ xô vào nhập khẩu tại các thị trường như Hàn Quốc, ASEAN.
Việc đổ xô vào thị trường này để nhập khẩu khiến cầu tăng lên nên làm giá tăng theo. Với việc giảm thuế MFN, các doanh nghiệp sẽ có nhiều lựa chọn hơn, không còn tập trung vào một vài thị trường như trước đây.
Do vậy khi giảm thuế MFN, doanh nghiệp đầu mối sẽ phân tán nguồn nhập khẩu, chuyển sang nhập khẩu khu vực khác ở nước ngoài. Qua đó làm dịu bớt căng thẳng về nguồn cung xăng dầu trong nước.
Với ý kiến đề xuất nên giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) thì sao, thưa ông?
Ông Ngô Trí Long:Thuế TTĐB là thuế đánh vào những mặt hàng nhà nước không khuyến khích tiêu dùng, mặt hàng xa xỉ, những mặt hàng có sự tác động xấu đến môi trường. Tại sao lại đánh thuế TTĐB với xăng dầu khi đây là mặt hàng thiết yếu? Chúng ta đã đánh thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu rồi thì không thể áp thuế TTĐB nữa vì lý do bảo vệ môi trường được.
Quan điểm cơ quan quản lý cho rằng, do xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nên theo thông lệ quốc tế xăng dầu thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB.
Theo tôi cần phải làm rõ quan điểm này của cơ quan quản lý. Khi mà hiện nay các nước đang hướng đến dùng năng lượng tái tạo để thay thế năng lượng khoáng thạch, nên lý do đánh thuế để tiêu dùng tiết kiệm là chưa thuyết phục.
Trong thời điểm này, chưa có mặt hàng nào có thể thay thế được xăng dầu vì nguồn năng lượng tái tạo của mình phát triển chưa mạnh, song xu hướng của thế giới là sử dụng năng lượng tái tạo.
Thưa ông, giá xăng dầu trong nước đang phụ thuộc giá thế giới nên giá xăng trong nước rất khó giảm. Song có thể kìm đà tăng bằng chính sách giảm thuế TTĐB. Có ý kiến nhấn mạnh rằng, giảm được loại thuế, phí gì hỗ trợ doanh nghiệp lúc này thì nên làm ngay?
Ông Ngô Trí Long:Nguồn thu thuế xăng dầu là nguồn thu nhiều và dễ nhất. Muốn gỡ bỏ hay giảm thuế cần phải nhìn nhận ở nhiều chiều trong đó buộc phải cân đối được ngân sách quốc gia.
Trước đó, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã được giảm 50%, giờ muốn gỡ bỏ hay giảm thuế TTĐB thì đó là sự đánh đổi giữa ngân sách và phía người tiêu dùng.
Ở vị trí người tiêu dùng, càng ít loại thuế càng tốt, giá càng thấp càng tốt nhưng người làm chính sách cũng phải đảm bảo hài hòa giữa 3 bên: nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Trân trọng cảm ơn ông!
TIN KHÁC
Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học(22/11/2024)
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024(21/11/2024)
BSR hoàn thành chỉ tiêu sản lượng sản xuất năm 2024(21/11/2024)
Nghệ An: Đến năm 2030 sẽ có khoảng 7 kho dự trữ, cung ứng xăng dầu, nhiên liệu(21/11/2024)
Kinh doanh xăng dầu giai đoạn 2020-2024: Nhiều gian lận, xử phạt gần 1.000 vụ vi phạm(20/11/2024)