Theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, 'nút thắt' trong tất cả các nghị định xăng dầu thời gian vừa qua, cơ bản nhất vẫn là các cơ chế điều hành mang tính chất hành chính, đặc biệt là vấn đề giá.
Nhiều "nút thắt" điều hành xăng dầu cần sửa đổi
Chia sẻ tại tọa đàm "Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả" ngày 30/7 do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) nhấn mạnh, xăng dầu là một mặt hàng hết sức nhạy cảm và Chính phủ cũng đã có những quan tâm trong 20 năm nay.
Bắt đầu từ năm 2003 với quyết định đầu tiên là Quyết định 187 về việc tổ chức kinh doanh xăng dầu. Từ đó đến nay, chúng ta đã kịp thời xây dựng 5 nghị định để hoàn thiện cơ chế quản lý về hoàn thiện tổ chức kinh doanh xăng dầu. Đó là những Nghị định 55, Nghị định 84, Nghị định 83, Nghị định 95 (sửa đổi cho Nghị định 83) và Nghị định 80 vừa qua.
"Việt Nam cũng đã vượt qua những ảnh hưởng từ các cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới và qua đó nhận ra những "nút thắt" rất lớn chúng ta cần sửa đổi. Chúng ta đã bỏ ra nhiều vốn ngân sách, áp dụng nhiều biện pháp mang tính chất về hành chính, nhiều lúc có thể nói là phi thị trường, do đó những bất cập là liên tục xảy ra khi có những biến động", ông Bảo nói.
Theo ông Bảo, xăng dầu là mặt hàng liên thông nhiều mặt hàng khác, đặc biệt liên thông cả đến thị trường quốc tế. Đúng như bên Bộ Tài chính có đánh giá, trong cơ cấu giá, giá xăng dầu thế giới chiếm tới 64-72%. "Rõ ràng chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào quốc tế", ông nói.
Chủ tịch VINPA nhấn mạnh, xăng dầu không hoàn toàn tuân thủ theo quy luật cung cầu thuần túy mà từ lâu đã thoát ly ra khỏi quy luật cung cầu, phụ thuộc nhiều vào địa chính trị như: chiến tranh, thiên tai, những sự đầu cơ quá lớn của các tổ chức tài chính bên ngoài.
"Nút thắt" trong tất cả các nghị định trong thời gian vừa qua, theo ông Bảo, cơ bản nhất vẫn là các cơ chế điều hành mang tính chất hành chính, đặc biệt là vấn đề giá.
"Chúng ta quy định kỹ quá, rõ ràng cơ quan quản lý Nhà nước vẫn 7 ngày phải xác định giá (theo Nghị định 95, 80), như vậy cơ quan quản lý Nhà nước làm thay cho doanh nghiệp. Kể cả những giai đoạn giá chỉ 15.000 đồng/lít cũng vận hành đúng như thế, chế tài cũng như thế đến khi giá giai đoạn lên đến 33.000 đồng/lit năm 2022 cũng chỉ có những cơ chế đó vận hành", ông Bảo nhắc lại.
Do vậy, việc xác định giá trong giai đoạn này là một "nút thắt" lớn nhất. "Chúng ta phải có cơ chế gì để xác định cái gì thuộc về thị trường để các doanh nghiệp quyết định", ông Bảo nói thêm.
Ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng, đối với quản lý Nhà nước, trong thời gian tới là phải bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm nguồn cung ứng cho nền kinh tế này.
Bên cạnh đó, bảo đảm quản lý về mặt bằng giá chung để làm sao không có tác động mạnh hoặc khi thế giới biến động mạnh thì sử dụng những chính sách tài khóa thông qua thuế, cơ chế về bình ổn để xử lý, còn lại để thị trường vận hành.
"Khi có cạnh tranh thì xu hướng xảy ra là đạt được mức giá mà người tiêu dùng được hưởng lợi", ông Bảo nói.
Công cụ hành chính là biện pháp cuối cùng
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lương Hoài Nam - Tổng Giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways chia sẻ: "Có một nghịch lý là xăng dầu phi hàng không có hàng chục doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối, có hệ thống bán lẻ rất đồ sộ và phức tạp, tính hành chính nhiều, tính thị trường ít. Trong khi đó, xăng dầu hàng không chỉ có 2 nhà cung cấp thì Nhà nước thả nổi hoàn toàn, không quản lý giá. Bộ Tài chính chỉ quản lý một phần nhỏ về phí".
Ông Nam cho rằng, cần sửa đổi về quản lý giá xăng dầu theo quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương để có sự hợp lý trong tiếp cận xăng dầu dân dụng bình thường và xăng dầu hàng không.
Theo ông Nam, nếu không quản lý được giá thì sẽ sinh ra nghịch lý thứ 2. Đó là hiện nay, đối với hàng không, chi phí xăng dầu đang là cao nhất. Trên đường bay nội địa, chi phí xăng dầu cao hơn chi phí còn lại. Đây là khó khăn đối với các doanh nghiệp hàng không.
Trong khi đường bay nội địa, Nhà nước đang thả nổi chi phí, giá nhiên liệu đầu vào, không theo phụ thu nhiên liệu và áp thuế nhập khẩu 7%, còn bay quốc tế thì không có áp trần, không phải trả thuế nhập khẩu.
Vấn đề thứ 3, theo ông Nam đó là công cụ để bình ổn giá xăng dầu, công cụ thị trường, không phải công cụ hành chính, tất nhiên Nhà nước vẫn phải quản lý.
"Tôi luôn có quan điểm rằng, công cụ hành chính là cuối cùng, công cụ thị trường là trước. Bao giờ hết công cụ thị trường rồi mà cần tiếp tục bình ổn giá thì áp dụng công cụ hành chính", ông Nam nói.
TIN KHÁC
Sóc Trăng đối thoại với 200 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu(30/10/2024)
Ủy ban Mặt trận Lào Xây dựng Đất nước tỉnh Sê Kông - CHDCND Lào đến thăm và làm việc tại NMLD Dung Quất(30/10/2024)
Tập đoàn dầu khí khổng lồ của Saudi Arabia muốn đầu tư tại Việt Nam(30/10/2024)
Cán bộ Petrolimex Aviation là người Việt Nam đầu tiên đạt chứng nhận chuyên gia đánh giá tiêu chuẩn JIG(29/10/2024)
Bộ Tài chính phản hồi kiến nghị cử tri về chi phí xuất hóa đơn tại cửa hàng xăng dầu(28/10/2024)