Nhiên liệu sinh học được coi là một trong những trụ cột năng lượng tái tạo giúp các quốc gia, trong đó có Việt Nam giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, giảm phát thải carbon gây hại cho môi trường. Nhiên liệu sinh học hình thành từ các hợp chất có nguồn gốc động, thực vật (mỡ động vật, dầu dừa...), ngũ cốc (lúa mỳ, đậu tương, sắn...), chất thải trong nông nghiệp (rơm rạ, phân...), sản phẩm thải trong công nghiệp (mùn cưa, gỗ thải, bã mía...).
Nhiên liệu sinh học được chia thành các nhóm chính: Dầu Diesel sinh học, xăng sinh học có pha trộn ethanol như một loại phụ gia thay phụ gia chì, khí sinh học… hoàn toàn có thể thay thế các loại nhiên liệu truyền thống. Sử dụng nhiên liệu sinh học không làm tăng lượng phát thải CO2, thân thiện với môi trường, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và hỗ trợ cho mục tiêu trung hòa carbon của các quốc gia trên thế giới.
Hiện nay nhiên liệu sinh học đã được sử dụng phổ biến ở hơn 50 quốc gia trên thế giới với quy mô thị trường ước tính đạt 1,89 triệu thùng dầu tương đương/ngày năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 2,44 triệu thùng dầu tương đương/ngày vào năm 2029. Nhiều nước đã có chính sách ưu tiên phát triển nhiên liệu sinh học và kế hoạch sản xuất ở quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng một cách ổn định.
Là một trong những quốc gia đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường và chống biến đổi khí hậu, Việt Nam đã sớm ban hành lộ trình cắt giảm khí thải, khí nhà kính trong nhiều lĩnh vực. Ngày 20/11/2007 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 177/2007/QÐ-TTg về việc “Phê duyệt Ðề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”; ngày 22/11/2012 ban hành Quyết định số 53/2012/QÐ-TTg về việc ban hành “Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống”; ngày 26/7/2023 ban hành Quyết định số 893/QÐ-TTg về việc “Phê duyệt Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050”. Với những chính sách này cho thấy sự thiết yếu của việc phát triển nhiên liệu sinh học đối với phát triển kinh tế bền vững.
Ðáng chú ý, sau cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26 về giảm phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050, Chính phủ đã khẩn trương rà soát lại hệ thống văn bản, quy định pháp luật có liên quan, có cơ chế chính sách đối với nhiên liệu sinh học nhằm thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.
Với diện tích 28 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó có hơn 14 triệu ha đất lâm nghiệp, Việt Nam rất giàu tiềm năng phát triển nhiên liệu sinh học từ chất thải hữu cơ của hai ngành nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, nhờ khí hậu thuận lợi và năng lượng mặt trời phong phú.
Từ năm 2015, cả nước đã có 7 nhà máy bio-ethanol được đầu tư xây dựng với tổng năng lực sản xuất dự kiến khoảng 502 nghìn tấn/năm, đủ để pha chế 8,46 triệu tấn xăng sinh học (E5) khi các nhà máy này hoạt động đủ 100% công suất thiết kế. Tuy nhiên, do diễn biến bất lợi của giá dầu thế giới, quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, chưa sử dụng nhiều loại nguyên liệu rẻ hơn, chưa tận dụng các phụ phẩm để hạ giá thành sản phẩm, cơ chế tài chính của nhiều dự án còn bất cập, cho nên giá thành xăng E5 chưa đủ hấp dẫn, khiến người dân không mặn mà, các nhà máy bio-ethanol lần lượt rơi vào cảnh đắp chiếu, không tiêu thụ được sản phẩm, hoạt động lay lắt, thậm chí buộc phải đóng cửa.
Như vậy, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để phát triển nguồn nhiên liệu sinh học một cách bền vững. Một số chuyên gia cho rằng, Chính phủ Việt Nam có tầm nhìn và chiến lược rõ ràng, mạch lạc, đặt mục tiêu tương tự các nước phát triển, tuy nhiên, việc hoạch định chiến lược, lập kế hoạch và thực thi không thực sự đi liền với nhau. Cam kết giảm phát thải khí nhà kính về “0” vào năm 2050 của Việt Nam là mục tiêu rất cao, đòi hỏi một nguồn lực rất lớn và sự đồng lòng của tất cả các cơ quan chức năng, các bộ, ban, ngành hữu quan.
Một số dự án sản xuất nhiên liệu ethanol thất bại cho thấy cần phải tổ chức đầu tư một cách bài bản từ quy hoạch ổn định vùng nguyên liệu, lựa chọn công nghệ đầu tư, có cơ chế huy động tài chính cho sản xuất nhiên liệu sinh học một cách hiệu quả, ổn định chất lượng, hạ giá thành để sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng. Ðây là những vấn đề mà các cấp, các ngành, các chủ đầu tư cũng như đơn vị cung cấp nguyên liệu tham gia chuỗi sản xuất nhiên liệu sinh học cần quan tâm, tháo gỡ để thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
TIN KHÁC
Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học(22/11/2024)
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024(21/11/2024)
BSR hoàn thành chỉ tiêu sản lượng sản xuất năm 2024(21/11/2024)
Nghệ An: Đến năm 2030 sẽ có khoảng 7 kho dự trữ, cung ứng xăng dầu, nhiên liệu(21/11/2024)
Kinh doanh xăng dầu giai đoạn 2020-2024: Nhiều gian lận, xử phạt gần 1.000 vụ vi phạm(20/11/2024)