Theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng là cần thiết lúc này, để giảm tác động đến đời sống người dân.
Khả thi nhất là giảm thuế
Giá xăng RON 95-III lập đỉnh mức 30.657 đồng/lít kể từ phiên điều hành ngày 23/5; E5 RON92 cũng lên mức kỷ lục mới, ngưỡng 29.633 đồng/lít.
Dự báo, mức đỉnh còn bị “thủng” khi giá dầu thế giới liên tiếp tăng trong những ngày qua.
Các chuyên gia cho rằng, cách khả thi nhất hiện nay là giảm thuế để giữ đà tăng không tác động mạnh đến mục tiêu kiềm chế lạm phát và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
“Giá xăng dầu tăng và đứng ở mức cao sẽ gây nên áp lực lạm phát, có thể tạo mặt bằng giá mới cao hơn của nền kinh tế.
Với nhiều người dân, những ngày này có lẽ phần nào đã cảm nhận được áp lực của tăng giá, nhất là các bà nội trợ, từ chi phí đi lại cho đến sinh hoạt trong gia đình”, theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Giá xăng trong nước liên tiếp lập đỉnh lịch sử, khiến cuộc sống người dân phần nào bị đảo lộn
Hiện, mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng phải “cõng” hơn 40% thuế và được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON 95, xăng sinh học E5 RON92 là 8%), thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng - VAT 10%, thuế bảo vệ môi trường 1.900-2.000 đồng. Ngoài ra, còn các khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển... chiếm 5-8%.
TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, cách khả thi nhất để giữ cho giá của mặt hàng chiến lược này không vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít là giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT.
“Khi giá dầu thế giới chững lại, chúng ta có thể áp dụng trở lại như bình thường”, ông Lâm nói và nhận định, việc giảm thuế đối với xăng dầu không làm giảm thu ngân sách nhà nước mà chỉ thay đổi cơ cấu thu.
Ông Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, đề nghị cần có lộ trình tăng giá xăng dầu hợp lý.
Theo ông Lộc, giá xăng dầu tăng dù là do tác động của thị trường thế giới nhưng cần có giải pháp kiềm chế thông qua lộ trình tăng giá xăng dầu. Nếu để tăng quá mạnh sẽ ảnh hưởng đến kinh tế quốc dân.
“Theo tôi, cần có nỗ lực của ngành kinh doanh xăng dầu và sự trợ giúp của Nhà nước, cần có nguồn lực để yểm trợ cho ngành này nếu quỹ bình ổn không đảm bảo được nữa.
Đây là bước đệm để giãn nhịp độ tăng giá, góp phần đảm bảo đời sống và sản xuất cho người dân”, ông Lộc nói.
Cũng cho rằng "tiếp tục giảm thuế là khả thi", ông Lộc bày tỏ: “Đừng sợ giảm nguồn thu trước mắt do giảm thuế để kiểm soát giá....bởi, để xảy ra lạm phát cao, nguồn thu ngân sách cũng sẽ giảm trầm trọng hơn.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhận định, trong các sắc thuế trên, việc giảm thuế sẽ tương ứng với từng mục tiêu, từng mức độ tăng giá.
Tuy nhiên, theo ông Bảo, trong thời điểm giá xăng dầu tăng mạnh như hiện nay, nếu lấy mục tiêu kiềm chế lạm phát và mục tiêu để ít tác động đời sống người dân, thì việc xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng (dầu không có sắc thuế này) là cần thiết.
Bên cạnh đó, cũng nên cân đối giảm thuế nhập khẩu. Song, cần tính toán việc “ảnh hưởng đến bù giá cho nhà máy lọc dầu Nghi Sơn”.
"Có nên giảm hết 50% thuế bảo vệ môi trường còn lại và thuế VAT?", ông Bảo nói: “Không nên!. Nhưng cũng có thể cân nhắc khi đã sử dụng hết công cụ thuế tiêu thụ đặc biệt và nhập khẩu...”.
Các nước khác “kìm” giá xăng dầu thế nào?
Theo Bộ Công thương, nguyên tắc chung, các nước giàu hơn có giá xăng dầu cao hơn; Trong khi các nước nghèo hơn và các nước sản xuất và xuất khẩu dầu có giá thấp hơn đáng kể.
Sự khác biệt về giá giữa các quốc gia chủ yếu là do các loại thuế và trợ cấp xăng dầu khác nhau. Tất cả các quốc gia đều được tiếp cận với giá xăng dầu như nhau trên thị trường quốc tế nhưng sau đó quyết định áp các loại thuế khác nhau.
Ở nước ta, Bộ Tài chính hiện đang áp dụng cơ cấu tính giá xăng dầu đưa vào các loại thuế, phí quá cao so với các nước khác. Tổng cộng các loại thuế phí chiếm trên 60% giá xăng dầu, dẫn đến giá xăng dầu trong nước ở mức cao...
Với diễn biến giá xăng dầu tăng cao thời gian qua, nhiều nước cũng đã có các chính sách để hạ nhiệt giá xăng dầu.
Chẳng hạn, Chính phủ Hà Lan đã giảm 12% thuế giá trị gia tăng với năng lượng, xuống còn 9%; Mức thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu cũng giảm 21%. Ngoài ra, Hà Lan còn tăng khoản trợ cấp năng lượng một lần cho các gia đình có thu nhập thấp lên gấp 4 lần, từ 200 euro lên 800 euro.
Giảm thuế cũng là cách mà Hàn Quốc, Thái Lan đang chọn để kìm đà tăng của giá xăng dầu.
Tại Hàn Quốc, thuế với xăng, dầu diesel và LPG giảm 20% trong 6 tháng. Còn Thái Lan, đã cắt giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel trong 3 tháng, sử dụng Quỹ dầu để bình ổn mặt hàng này ở mức 30 baht/lít.
Tại Bồ Đào Nha, Canada hay Anh cũng đều tính tới phương án giảm thuế VAT hoặc tiêu thụ đặc biệt.
Còn tại Ấn Độ - nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai châu Á, cũng thực hiện cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt liên bang đối với xăng và dầu diesel...
TIN KHÁC
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024(21/11/2024)
BSR hoàn thành chỉ tiêu sản lượng sản xuất năm 2024(21/11/2024)
Nghệ An: Đến năm 2030 sẽ có khoảng 7 kho dự trữ, cung ứng xăng dầu, nhiên liệu(21/11/2024)
Kinh doanh xăng dầu giai đoạn 2020-2024: Nhiều gian lận, xử phạt gần 1.000 vụ vi phạm(20/11/2024)
Bộ Tài chính đề xuất giảm tiếp thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2025(20/11/2024)