Ngày 12/10, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với 31 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn và bảo đảm nguồn cung xăng dầu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì cuộc họp. Tham dự buổi họp có lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn, Nghi Sơn và đại diện 31 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, không phải lúc này mới có khó khăn về cung ứng xăng dầu mà vấn đề này đã diễn ra từ đầu năm, thậm chí là từ cuối năm 2021. Để đảm bảo việc cung ứng mặt hàng quan trọng này, cuộc họp nhằm đánh giá đúng thực trạng hiện nay trong việc cung ứng xăng dầu; khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đầu mối và đưa ra những kiến nghị giải pháp phù hợp để xử lý tốt nhất trong bối cảnh hiện nay. Bởi vì, các doanh nghiệp đầu mối là mắt xích quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung, vai trò của các doanh nghiệp đầu mối rất quan trọng.
“Chúng tôi ghi nhận trong thời gian qua, các doanh nghiệp đầu mối đã có nỗ lực góp phần trong công tác bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu của người dân. Thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức bởi tình hình thế giới, khu vực có những biến động khó lường… Chúng tôi chia sẻ với những khó khăn vừa qua của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tuy nhiên nhiệm vụ quan trọng của chúng ta vẫn phải là đảm bảo nguồn cung xăng dầu” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu.
Thị trường xăng dầu gặp khó khăn do đâu?
Thẳng thắn nêu những khó khăn của doanh nghiệp, ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam – cho hay, theo Nghị định 95, trong kết cấu về tính giá cơ sở có việc tách bạch khá kỹ phần nhập khẩu từ nước ngoài và kết cấu với các mặt hàng trong nước.
Ông Bùi Ngọc Bảo thẳng thắn nói về những khó khăn của thị trường xăng dầu
"Hiện quy định cũng rút ngắn lại việc xác định giá theo chu kỳ 15 ngày xuống còn 10 ngày, đây cũng đã là một bước tiến nhằm điều hành giá trong nước phù hợp với giá của thị trường thế giới. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố chúng ta chưa đánh giá được hết trong khi giá thế giới có nhiều biến động, thay đổi lớn, liên tục trong năm 2022” -ông Bùi Ngọc Bảo nhấn mạnh và cho rằng: năm 2022 là năm "dị biệt" nhất trong thời gian vừa qua và là năm rất khó khăn với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh lỗ. Do lỗ triền miên, tâm lý của doanh nghiệp đảm bảo nguồn ở mức chỉ đủ hệ thống phân phối, những đại lý, thương nhân nhượng quyền, tổng đại lý có cam kết mang tính chất có hợp đồng chặt chẽ. Đâu đó, cục bộ ở những cửa hàng có hợp đồng lỏng lẻo thì khan hàng.
Đại diện doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, bà Phạm Thị Băng Trang – Tổng giám đốc Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ - cũng chia sẻ, thời gian qua, các doanh nghiệp đầu mối đều gặp khó khăn. Tại Bình Dương, các cây xăng đóng cửa có nhiều nguyên nhân, trong đó không phải chỉ có nguyên nhân do thiếu hụt xăng dầu mà còn do một số cây xăng đã đóng cửa từ trước hoặc không đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu nên không được cấp lại giấy phép.
“Cùng với đó, mấy ngày nay, xảy ra tình trạng khan hiếm, nên người dân đổ dồn vào những cây xăng trên trục đường chính. Còn cây xăng trên trục đường nhỏ không xảy ra tình trạng ùn ứ, khan hàng. Tại Bình Phước, Công ty vẫn cung cấp các mặt hàng đầy đủ. Các đại lý, cửa hàng phân phối của các thương nhân phân phối khác thì Thanh Lễ có ký hợp đồng và vẫn cung cấp hàng” - bà Phạm Thị Băng Trang chia sẻ.
Các doanh nghiệp xăng dầu kiến nghị
Bà Trần Thị Tuyết Mai - Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà - chia sẻ thêm, thực sự nguồn cung xăng dầu không thiếu mà do doanh nghiệp đang lỗ lớn do chi phí thực tăng cao nên không thể nhập khẩu về được. Đề nghị liên Bộ, Chính phủ, Thủ tướng xem xét, cân đối lại, chấp nhận các chi phí thực tế mà doanh nghiệp bỏ ra. Bởi công thức tính giá đã được quy định từ năm 2014 và hiện nay đang biến động rất lớn.
“2 Nhà máy Nghi Sơn và Bình Sơn đang cung cấp 70-80% lượng xăng dầu cho thị trường trong nước và 20% còn lại là nhập khẩu. Ngoài ra, do rủi ro bất khả kháng từ các nhà máy dẫn đến có thời điểm thị trường thiếu cục bộ khoảng 30-40%, buộc phải nhập khẩu. Nhưng chi phí nhập khẩu đang tăng cao. Đơn cử, quý 1, chi phí là 306 đồng/lít, quý 2 là 450 đồng/lít; quý 3 là 967 đồng/lít, tức là bình quân, doanh nghiệp đang lỗ 667 đồng/lít. Sang quý 4, doanh nghiệp lỗ 1.100 đồng/lít. Khoản lỗ này ai gánh cho doanh nghiệp?” – bà Mai nêu rõ.
Do đó, bà Trần Thị Tuyến Mai đề nghị các cơ quan chức năng nên điều chỉnh 6 tháng/1 lần chi phí thực tế của doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong quá trình kiểm tra, nếu có sơ suất thì tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục.
Ông Phạm Văn Thoại – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc nhà máy lọc dầu Cát Lái - Saigon Petro - chia sẻ thêm, Saigon Petro là doanh nghiệp trực thuộc Thành ủy TP HCM. Thời gian qua, xung đột giữa Nga và Ukraine cùng tác động từ cơn bão số 5 khiến việc nhập khẩu hàng không dễ. Mặc dù doanh nghiệp vẫn nỗ lực cố gắng tìm cách để nhập hàng nhưng hiện mức premium nước ngoài về và chi phí đưa hàng từ nước ngoài về cảng Việt Nam quá cao, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.
“Thời điểm đầu năm đến quý 2, nhờ giá tăng nên doanh nghiệp có lãi nhưng từ quý 3 vừa rồi, đặc biệt là giai đoạn tháng 7, tháng 8, doanh nghiệp nào cũng lỗ mà không dám nói, vẫn phải thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thành ủy là dù thế nào cũng phải đảm bảo được nguồn hàng. Lãi của chúng tôi trong 6 tháng đầu năm không đủ bù lỗ trong 2 tháng vừa rồi, song vì trách nhiệm nên vẫn phải thực hiện nhiệm vụ của đầu mối kinh doanh xăng dầu. Nhưng đến tháng 10, doanh nghiệp không thể nhập khẩu được nữa, mà chỉ dám “cắn răng” nhập khẩu 1 chuyến từ nước ngoài về để đáp ứng nhu cầu trong nước, thêm lượng hàng nhập từ Bình Sơn và Nghi Sơn để bán” –ông Phạm Văn Thoại chỉ rõ. Đồng thời đề xuất, cần phải tính đúng, tính đủ chi phí cho doanh nghiệp. Mặc dù vừa rồi, Liên bộ Tài chính – Công Thương đã đồng ý tăng chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước, nhưng doanh nghiệp đã lỗ quá nặng, rất khó khăn cho việc vay vốn ngân hàng. Hiện nay, Sài Gòn Petro đã phải rút tiền vốn của mình ra để đáp ứng được việc mua hàng.
“Hiện nay ở các cây xăng có tình trạng có cây xăng đổ được, có cây xăng không thể đổ được. Tình trạng này là tình hình sớm muộn cũng phải xảy ra, không phải do doanh nghiệp mà là do thị trường. Do đó, Liên Bộ cần hỗ trợ doanh nghiệp để làm sao tính đúng tính đủ mặt bằng chi phí để doanh nghiệp “sống được” – ông Phạm Văn Thoại đề xuất.
Là 1 trong 7 doanh nghiệp bị tạm giữ giấy phép trong 45 ngày, ông Nguyễn Văn Thắng – Phó Giám đốc Công ty Xuyên Việt OIL - chia sẻ, sau 45 ngày tạm giữ giấy phép, việc đứt gãy nguồn cung cục bộ sẽ xảy ra.
Năm ngoái, Xuyên Việt OIL là doanh nghiệp đứng thứ 2 về mức đóng thuế ở TP HCM. Do đó, việc tạm giữ giấy phép gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp mất hết uy tín. Công ty đã có giải trình rất kỹ với lực lượng quản lý thị trường về những khó khăn của việc tước giấy phép sẽ xảy ra đối với doanh nghiệp, kể cả trong việc vay vốn và ký kết các hợp đồng nước ngoài.
Doanh nghiệp đã nỗ lực đảm bảo nguồn cung
Dù khó khăn như vậy, nhưng các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đã nỗ lực đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Ông Huỳnh Nguyễn Bạch Tuyên – Phó Giám đốc Chi nhánh phân phối sản phẩm Lọc dầu Nghi Sơn - ngoài quý I có 1 số diễn biến bất thường, sản lượng bị hụt so với phần cam kết với các đầu mối. Song Quý II, III nhà máy đã sản xuất tương đối tốt, đảm bảo các yêu cầu của khách hàng đã cam kết, thậm chí quý III lượng xăng đã vượt so với ký kết. Quý IV sản lượng của nhà máy cam kết sản xuất đều vượt mức so với thời gian trước đây. “Với sản lượng này đảm bảo cung cấp sản lượng đã cam kết với hợp đồng thương nhân đầu mối”- ông Huỳnh Nguyễn Bạch Tuyên chia sẻ.
Trong khi đó, ông Bùi Ngọc Dương – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn – cho hay, trung bình 9 tháng nhà máy sản xuất vượt kế hoạch 106% mặc dù những tháng đầu năm còn thấp do nhu cầu sản phẩm trong nước rất cao. Hiện tại, nhà máy đã sản xuất 5,4 triệu, đáp ứng 83% kế hoạch. Nhà máy cũng cam kết đảm bảo cung cấp tối đa nguồn cung trong nước.
Ông Nguyễn Đăng Trình - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Tín Nghĩa – cho biết, trên địa bàn Đồng Nai có tình trạng hơn 70 cửa hàng xăng dầu đóng cửa, lượng khách hàng đổ dồn vào hệ thống Tín Nghĩa rất lớn, sản lượng bán lẻ có thời điểm tăng 50-60%, gây ra thiếu trong việc nhập hàng, chứ không để xảy ra tình trạng đóng cửa hàng. Hệ thống xăng dầu của Công ty Tín Nghĩa cam kết không xảy ra tình trạng đóng cửa.
Doanh nghiệp kiến nghị rà soát lại chi phí
Để tháo gỡ khó khăn, cũng như đảm bảo nguồn cung xăng dầu thị trường, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều cho rằng cần phải rà soát lại chi phí.
Ông Nguyễn Văn Tuấn Quỳnh – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng – kiến nghị, Bộ Tài chính cần nghiên cứu định mức chi phí. Đối với định mức premium nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài về, nên điều chỉnh hàng tháng để sát tình hình thị trường. Chi phí định mức trong nước đề nghị điều chỉnh 6 tháng, mặc dù đã điều chỉnh nhưng chưa đúng với thực tế. Vì đây là nền tảng cho việc tạo nguồn.
“Định mức chi phí xăng dầu đã có từ năm 2014 đến bây giờ, nhưng các chi phí khác như thuê đất, lương đều tăng, gây ra bất cập. Do vậy, mỗi năm cần phải xem xét chi phí định mức cho các cửa hàng xăng dầu, ít nhất phải tính theo CPI. Tôi đề nghị Cục giá và Bộ Tài chính hết sức lưu ý, việc này là nền tảng cho việc tạo nguồn” - ông Nguyễn Văn Tuấn Quỳnh đề nghị.
Cũng liên quan đến chi phí, ông Trần Ngọc Năm – Phó Tổng giám đốc Petrolimex - cho hay, chi phí vận chuyển của các thương nhân đầu mối năm nay rất cao gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp mong muốn liên Bộ Công Thương – Tài chính chia sẻ với khó khăn này của doanh nghiệp để có phương án tháo gỡ. Bên cạnh đó, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, ông cũng đề nghị các Bộ cần tăng cường quản lý hệ thống, quản trị ứng dụng công nghệ thông tin để nắm được vùng thị trường hàng hóa, có căn cứ điều hành. Đồng thời, cần có định hướng truyền thông tốt để tránh việc nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng không tốt đến thị trường.
Ông Nguyễn Đăng Trình cũng kiến nghị Liên Bộ Công Thương – Tài chính về công thức tính giá cơ sở. Cần xem xét tính đúng, tính đủ các chi phí trong thời điểm hiện tại vào giá cơ sở để doanh nghiệp không bị lỗ, có điều kiện vay vốn để nhập hàng.
Không chỉ rà soát lại chi phí, ông Bùi Ngọc Bảo cũng đề nghị cần xem xét lại cho đúng việc định giá. Với việc định giá như thế này, vô hình chung, đây vừa là giá sàn, vừa là giá trần. Doanh nghiệp trong Nghị định chỉ được quyền bán buôn nhưng không được vượt giá cơ sở nhà nước đề ra.
“Đề nghị rà soát lại 1 Quyết định và 5 Nghị định liên quan đến xăng dầu. Cụ thể, Quyết định 187/2003/QĐ-TTg ngày 15/9/2003 về việc ban hành quy chế quản lý xăng dầu cho phép Nhà nước đưa ra giá định hướng đối với mặt hàng xăng cho phép doanh nghiệp điều chỉnh xăng +-1%, dầu +- 5%. Sau đó, năm 2007 đưa ra Nghị định 55/2007/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, có nhiều chế tài hơn nhưng giá vẫn theo tư tưởng thị trường hóa, cho phép doanh nghiệp điều chỉnh, xăng thả nổi và dầu bù lỗ. Đến năm 2009, ra Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu – đây là Nghị định tính toán kỹ và tương đối tiên tiến, đã đưa ra giá định hướng, doanh nghiệp được quyền tăng, giảm từ 7% - 13% và được quyền quyết định 60%, còn lại lấy từ Quỹ bình ổn. Tuy nhiên, đến năm 2014 bắt đầu ra Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, coi như giá cứng, doanh nghiệp không được quyền quyết định. Vô hình chung, xuyên suốt thị trường giai đoạn này là giá bình ổn. Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 83 cũng tương tự” - ông Bùi Ngọc Bảo nhấn mạnh và tiếp tục đề nghị Bộ Tài chính nên rà soát tất cả chi phí, cùng Liên Bộ Công Thương – Tài chính đưa ra báo cáo đặt ra giá trần, trên cơ sở đó, doanh nghiệp tự điều chỉnh mức giá dưới giá trần.
Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, ông Nguyễn Văn Truyền – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) – cho rằng, việc kinh doanh xăng dầu nằm trong Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014, Bộ Tài chính có vai trò phối hợp cùng với Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu. Về nguyên tắc, xăng dầu không phải là mặt hàng do Nhà nước định giá mà vận hành theo cơ chế thị trường, do doanh nghiệp quyết định nhưng có sự quản lý của Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Truyền – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) phát biểu tại cuộc họp
Trong cơ cấu giá cơ sở, giá thế giới chiếm 60%, giá này phụ thuộc hoàn toàn giá thế giới. Nếu doanh nghiệp nhập khẩu nào dự báo, dự đoán giỏi, mua vào thời điểm giá phù hợp thì sẽ có lợi nhuận nhất định.
Về chi phí, theo quy định hiện hành, tại mỗi kỳ điều hành, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá phù hợp nhất, cân đối lợi ích doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Về mặt trách nhiệm, theo pháp luật, Bộ Tài chính thực hiện tương đối đầy đủ, như hướng dẫn cơ cấu giá, phân tích trích lập Quỹ bình ổn giá và thông báo các chi phí định mức.
Đối với chi phí định mức đưa xăng dầu từ nước ngoài về, định kỳ hàng năm, Bộ Tài chính thông báo 2 lần vào ngày 10/1 và ngày 10/7. Trong thời gian qua, từ khi Nghị định 95 ra đời, Bộ Tài chính có thông báo, điều chỉnh đúng thực tế. Tuy nhiên từ ngày 10/7 đến nay, thị trường xăng dầu diễn biến quá bất thường, dẫn đến chi phí thay đổi, không đáp ứng được thực tế, ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Còn chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về cảng và premium trong nước vừa được điều chỉnh ngày 11/10.
Thời gian vừa qua, Bộ Tài chính cũng đưa ra một số chính sách nhất định, như giảm thuế từ ngày 1/4 và giảm thuế môi trường từ ngày 1/7. Và trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 11/10, Bộ Tài chính cũng rà soát căn cứ con số thực tế của doanh nghiệp. Với chi phí kinh doanh, một năm điều chỉnh 1 lần. Bộ Tài chính đã có thông báo điều chỉnh từ ngày 4/6 và áp dụng luôn từ ngày 1/7. Trên con số rà soát thực tế của các công ty kinh doanh lớn - chiếm đến 70% thị phần, có hệ thống phân phối rộng, thì chi phí tính đủ, đảm bảo.
“Tuy nhiên trên thực tế có phát sinh thêm như tiền thuê đất, nhân công,… vì vậy, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cùng Vụ Thị trường trong nước nghiên cứu những đề xuất và thời hạn điều chỉnh để có biện pháp tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp” - ông Nguyễn Văn Truyền nhấn mạnh.
Liên quan đến việc nhập khẩu xăng dầu, ông Nguyễn Văn Truyền cho biết, do nhập khẩu xăng dầu khó khăn, Bộ Tài chính cũng có chỉ đạo quyết liệt về việc nhập khẩu xăng dầu, tạo điều kiện thuận lợi nhất, nhanh nhất trong giải quyết thủ tục nhập khẩu xăng dầu. Đối với thuế, Bộ Tài chính sẽ có phương án, chuẩn bị sẵn trong trường hợp giá xăng dầu có biến động bất thường khác để có sự chủ động hơn.
Ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Tổng hợp, tiếp thu những ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – cho biết, trong thời gian tới, cần có các nhóm giải pháp chính trong điều hành xăng dầu để đảm bảo nguồn cung, cũng như hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, Bộ Tài chính rà soát, kiến nghị, đề xuất giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng xăng dầu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt); đồng thời sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành để khuyến khích các doanh nghiệp tăng lượng nhập hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố (đầu mối là Sở Công Thương) chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu; duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp; chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về duy trì bán lẻ xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu theo đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Theo đó nhiều địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước, tỉnh Ninh Thuận... đã triển khai công tác chỉ đạo và giám sát việc cung ứng xăng dầu trên địa bàn.
"Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Tài chính, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận"- ông Trần Duy Đông chỉ rõ.
Thêm vào đó, Bộ Công Thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối hỗ trợ để điều phối nguồn hàng, tăng cường cung ứng xăng dầu tại một số địa phương có hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ. Đồng thời, Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường trên toàn quốc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn (đầu mối là Sở Công Thương) tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Ngoài ra, hiện nay mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tiếp tục tăng cao, để bảo đảm duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và sớm điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam trong công thức tính giá cơ sở để bảo đảm tính đúng, tính đủ các chi phí phát sinh thực tế cho doanh nghiệp (mặc dù chi phí đưa xăng dầu từ Nhà máy về cảng và premium trong nước đã được Bộ Tài chính thông báo điều chỉnh tăng và được áp dụng từ ngày 11/10/2022 trong giá cơ sở).
Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục đề nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường, đặc biệt là các DN tước giấy phép hoặc tạm tước giấy phép.
"Đề nghị các nhà máy lọc đầu cần có biện pháp hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho doanh nghiệp đã đặt mua hàng theo các hợp đồng đã ký, sử dụng nguồn hàng dự trữ để hỗ trợ cung ứng cho các đầu mối (không có hợp đồng dài hạn với nhà máy) bán hàng dự trữ để hỗ trợ cung ứng cho các đầu mối (không có hợp đồng dài hạn với nhà máy) bán hàng tại các khu vực bị thiếu cục bộ để kịp thời bổ sung nguồn hàng cho các cửa hàng bán lẻ" - ông Đông đề nghị. Đồng thời, các nhà máy lọc dầu cũng cần điều chỉnh cơ cấu sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, tăng lượng sản xuất để cung ứng cho thị trường trong nước. Trên cơ sở cuộc họp sáng nay, rà soát để phân giao tổng nguồn phù hợp, gồm nguồn nhập khẩu và trong nước để đảm bảo đủ nguồn cho quý 4.
Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan ra soát và sửa đổi, bổ sung quy định trong điều hành và kinh doanh xăng dầu như công thức và hướng điều hành giá (các yếu tố cấu thành); thời điểm điều hành, thời gian điều chỉnh premium...
Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn cho phép các xe vận chuyển xăng dầu được đi trong thành phố vào giờ cao điểm để kịp cấp hàng cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước: bên cạnh việc theo dõi, giám sát hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu theo quy định cần có các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì hoạt động kinh doanh và vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay, tránh tình trạng xử lý vi phạm không đúng quy định hoặc gây khó dễ cho doanh nghiệp để bảo đảm cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường, giữ vững an ninh năng lượng quốc gia.
Đặc biệt, Bộ Công Thương nhấn mạnh, công tác thông tin truyền thông là đặc biệt quan trọng với hoạt động kinh doanh xăng dầu. Do đó, Bộ Công Thương đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng cần đưa tin theo hướng tích cực, đa chiều để cung cấp đủ thông tin cho người đọc, hạn chế tâm lý hoang mang gây hỗn loạn thị trường và lo ngại hết xăng dầu, đi mua tích trữ gây mất cân đối cung cầu và mất an toàn phòng cháy chữa cháy.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nêu rõ, hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là nguồn cung
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cơ bản thống nhất với những giải pháp, kiến nghị do Vụ Thị trường trong nước trình bày qua tổng hợp các ý kiến đại biểu tham dự cuộc họp. Trong bối cảnh hiện nay của cả thế giới, khu vực, Việt Nam là một trong những nước có kết quả đáng ghi nhận trong việc đảm bảo cân đối lớn về năng lượng, trong đó có lĩnh vực xăng dầu và điện. Đây là sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp, trong đó có vai trò của doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Đặc biệt là một số doanh nghiệp như Petrolimex, PV Oil đã khẳng định vai trò chủ đạo dẫn dắt thị trường.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nêu rõ, hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là nguồn cung. "Hiện nguồn trong nước đang chiếm 70-80%, tức là vẫn phải nhập khẩu 20-30% nhưng nguồn cung từ nước ngoài về Việt Nam lại gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã thua lỗ trong thời gian dài nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động nhập khẩu. Vì vậy, phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong đó có việc phải tính đúng, tính đủ chi phí thực tế của doanh nghiệp, có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước cũng như nước ngoài, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường…” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Tại kỳ điều hành gần nhất ngày 11/10/2022, Bộ Công Thương đã đề xuất và Bộ Tài chính đã đồng ý tăng chi phí đưa xăng dầu từ Nhà máy về cảng và premium trong nước. Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói cần phải tiếp tục rà soát các chi phí thực tế, hợp lý khác của doanh nghiệp để điều chỉnh như: chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam mới được điều chỉnh ngày 10/7/2022 nhưng chi phí này hiện đã tăng rất cao nên vẫn cần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc nhập khẩu mặt hàng xăng dầu…
Trên tin thần cuộc họp, Thứ trưởng giao cho Vụ Thị trường trong nước xem xét các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp trên tinh thần nếu trong phạm vi giải quyết của Bộ Công Thương thì cần sớm xử lý. Những nội dung không thuộc quyền hạn, chức năng của Bộ thì phối hợp với các bộ, ban ngành, địa phương có liên quan để giải quyết. Đối với những nội dung vượt quá thẩm quyền, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ và có những tham mưu, đề xuất cụ thể.
TIN KHÁC
Một số thông tin về việc điều hành giá xăng dầu ngày 28/11/2024(28/11/2024)
Ngân hàng PVcomBank tham gia tư vấn thu xếp vốn cho Dự án NCMR NMLD Dung Quất(28/11/2024)
Chính thức thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)(27/11/2024)
Buôn lậu xăng dầu diễn biến phức tạp trên biển Tây(27/11/2024)
29 cửa hàng xăng dầu TP.HCM tạm ngưng hoạt động vì nhiều lý do(26/11/2024)