Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024 của Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR) cho thấy công ty đã giải quyết xong vướng mắc cuối cùng trong lộ trình niêm yết cổ phiếu tại HoSE.
Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR - sàn UPCoM) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2024 với doanh thu đạt 24.400 tỷ đồng và lãi ròng đạt 768 tỷ đồng, lần lượt giảm 27% và 43% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chủ yếu là do Lọc hóa dầu Bình Sơn đã tạm ngưng hoạt động Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để tiến hành bảo dưỡng tổng thể lần 5 (TA 5) trong tháng 3 - 4 /2024 nên sản lượng sản xuất và tiêu thụ đều giảm so cùng kỳ năm trước. Mặc dù lợi nhuận trong quý 2/2024 giảm mạnh nhưng đây vẫn được xem là tích cực hơn so với dự kiến ban đầu là lợi nhuận âm.
Đại diện Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng cho biết, kết quả kinh doanh suy giảm phần nào còn đến từ việc giá dầu thô và sản phẩm từ dầu biến động phức tạp trong quý 2/2024.
Cụ thể, giá dầu thô thế giới đã giảm từ mức trung bình 90,15 USD/thùng trong tháng 4/2024 xuống còn 82,61 USD/thùng trong tháng 6/2024. Đồng thời, chênh lệch giữa giá dầu thô và giá sản phẩm từ dầu (crack spread) trong quý 2/2024 cũng giảm so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, trên báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024 của Lọc hóa dầu Bình Sơn cho thấy khoản đầu tư vào công ty con - Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung (BSR-BF) đã được chuyển thành khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác. Động thái này diễn ra sau khi Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 01/2024/QĐ-MTTPS mở thủ tục phá sản đối với BSR-BF vào ngày 27/5/2024. Qua đó, Lọc hóa dầu Bình Sơn đã xóa thành công khoản nợ quá hạn 1.127 tỷ đồng của BSR-BF.
Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, khoản nợ quá hạn của BSR-BF là vướng mắc cuối cùng trong lộ trình niêm yết cổ phiếu BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE).
Theo đánh giá sơ bộ của một số hãng chứng khoán với việc xử lý xong khoản nợ quá hạn của BSR-BF, cổ phiếu BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ được công nhận đủ điều kiện niêm yết tại HoSE trong đợt nộp hồ sơ tháng 8 tới đây.
Ngoài ra, theo đánh giá của hãng Chứng khoán Vietcap, Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng kỳ vọng sẽ được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước chấp thuận việc tăng mạnh vốn điều lệ thêm khoảng 61% thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Trong nửa đầu năm 2024, tổng doanh thu của Lọc hóa dầu Bình Sơn đạt 55.100 tỷ đồng và lãi ròng đạt 1.900 tỷ đồng, lần lượt giảm 19% và 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến cuối quý 2/2024, tổng tài sản của Lọc hóa dầu Bình Sơn gần như tương đương hồi đầu năm nay. Trong đó, lượng tiền mặt tăng mạnh lên mức 26.140 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng giảm xuống mức 13.820 tỷ đồng.
Ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Lọc hóa dầu Bình Sơn là 29.410 tỷ đồng. Trong đó, toàn bộ nợ vay tài chính là nợ ngắn hạn với 14.880 tỷ đồng.
Về triển vọng kinh doanh nửa cuối năm nay, hãng Chứng khoán Vietcap nhận định lợi nhuận của Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ tăng đáng kể so với nửa đầu năm, nhờ vào sản lượng cao hơn 21% khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoạt động với hiệu suất ở mức 114%. Đồng thời, biên lợi nhuận gộp dự báo sẽ được cải thiện sau khi crack spread chạm đáy vào tháng 6/2024.
Trong tháng 7/2024, crack spread đối với mặt hàng xăng và dầu diesel trên thị trường Singapore (thị trường tham khảo đối với giá xăng dầu tại Việt Nam) đã tăng trung bình lần lượt là 38% và 23% so với hồi tháng 6/2024.
TIN KHÁC
Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học(22/11/2024)
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024(21/11/2024)
BSR hoàn thành chỉ tiêu sản lượng sản xuất năm 2024(21/11/2024)
Nghệ An: Đến năm 2030 sẽ có khoảng 7 kho dự trữ, cung ứng xăng dầu, nhiên liệu(21/11/2024)
Kinh doanh xăng dầu giai đoạn 2020-2024: Nhiều gian lận, xử phạt gần 1.000 vụ vi phạm(20/11/2024)