Nếu phải tuân thủ đúng các quy định về khoảng cách an toàn giao thông, an toàn PCCC, tiêu chuẩn xây dựng thì mạng lưới cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội có nguy cơ bị thu hẹp, thậm chí có thể “vỡ trận” cung không đáp ứng được cầu.
Người tiêu dùng mua xăng trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Nếu phải tuân thủ đúng các quy định về khoảng cách an toàn giao thông, an toàn PCCC, tiêu chuẩn xây dựng đối với cửa hàng xăng, dầu thì mạng lưới cửa hàng xăng, dầu tại Hà Nội có nguy cơ bị thu hẹp, thậm chí có thể “vỡ trận”, cung không đáp ứng được cầu.
Hiện trên địa bàn TP Hà Nội có 493 cửa hàng xăng, dầu, trong đó có 461 cửa hàng đã được cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng, dầu, đang hoạt động; 32 cửa hàng đang tạm dừng hoạt động do đang thực hiện cải tạo, sửa chữa, trong giai đoạn chuyển giao cho đơn vị khác, giải quyết tranh chấp, không đảm bảo điều kiện về phòng cháy chữa cháy... So với hiện trạng hệ thống cửa hàng xăng, dầu năm 2012 khi Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng, dầu được phê duyệt, số lượng cửa hàng xăng, dầu hiện nay chỉ nhiều hơn năm 2012 là 2 cửa hàng.
Thực tế cho thấy, hiện nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu của người dân Thủ đô không giảm mà đang có chiều hướng gia tăng. Nếu như giai đoạn 2016 - 2021, nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu trên địa bàn Hà Nội khoảng 1,2 triệu m3/năm, nhưng dự báo, giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu đạt khoảng 1,5 triệu m3/năm, đến năm 2025 đạt khoảng 2.000.000m3/năm, trong đó khu vực nội thành chiếm trên 50%. Nhu cầu tiêu thụ tăng cao đòi hỏi ngành công thương Hà Nội phải mở rộng hệ thống cửa hàng xăng, dầu.
Tuy nhiên để làm được điều này DN lại phải đáp ứng những quy định thiết kế cửa hàng xăng, dầu. Cụ thể ngày 18/6/2013 Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 11/2013/TT-BCT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng, dầu. Cụ thể đường và bãi đỗ xe dành cho xe ra vào mua hàng và nhập hàng phải bảo đảm chiều rộng một làn xe đi trong bãi đỗ xe không nhỏ hơn 3,5 m; đường hai làn xe đi không nhỏ hơn 6,5 m; Bãi đỗ xe để xuất nhập xăng, dầu không được phủ bằng vật liệu có nhựa đường...
Cửa hàng xăng, dầu tiếp giáp với công trình xây dựng khác phải có tường bao kín có chiều cao không nhỏ hơn 2,2m bằng vật liệu không cháy...
Như vậy, nếu chiếu theo những quy định này hệ thống cửa hàng xăng, dầu tại khu vực các quận nội thành Hà Nội không những không thể xây thêm mà còn phải dỡ bỏ dừng hoạt động không đáp ứng quy định.
Điều này sẽ gây ra tình trạng quá tải trầm trọng đối với những cửa hàng được phép hoạt động, lúc đó người tiêu dùng phải di chuyển rất xa mới mua được xăng. Khi cung không đáp ứng được cầu sẽ rất dễ xảy ra tình trạng các loại chai, lọ bán lẻ xăng, dầu mọc lên nhan nhản trên đường phố. Đồng thời người dân tích trữ xăng để sử dụng dần cũng sẽ tạo ra những nguy cơ cháy nổ khó lường.
Rõ ràng, việc xây dựng phát triển hệ thống cửa hàng xăng, dầu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ là vấn đề cấp bách trong thời gian tới. Tuy nhiên đây là bài toán khó, bởi trong khu vực các quận nội thành quỹ đất ngày càng hạn hẹp tìm được địa điểm rộng cả nghìn mét vuông với đáp ứng quy định của Bộ Công Thương là điều không dễ dàng, khó có thể thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực này.
Vì vậy để hài hòa lợi ích người dân, DN và Nhà nước đòi hỏi Bộ KH&CN, Công Thương, Xây dựng, GTVT xem xét, phê duyệt cho TP Hà Nội được áp dụng tiêu chí đặc thù về các khoảng cách an toàn giao thông, an toàn phòng cháy chữa cháy, tiêu chuẩn xây dựng đối với cửa hàng xăng, dầu trong đô thị, trạm nạp khí. Điều này là phù hợp với các quy định đang áp dụng tại nhiều quốc gia và phù hợp với điều kiện công nghệ phát triển hiện nay.
TIN KHÁC
Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học(22/11/2024)
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024(21/11/2024)
BSR hoàn thành chỉ tiêu sản lượng sản xuất năm 2024(21/11/2024)
Nghệ An: Đến năm 2030 sẽ có khoảng 7 kho dự trữ, cung ứng xăng dầu, nhiên liệu(21/11/2024)
Kinh doanh xăng dầu giai đoạn 2020-2024: Nhiều gian lận, xử phạt gần 1.000 vụ vi phạm(20/11/2024)