Báo cáo Nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng điều chỉnh Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được Bộ Công thương đánh giá là cơ bản đáp ứng các yêu cầu theo quy định hiện hành, đủ điều kiện để chủ đầu tư triển khai các bước tiếp theo.
Tổng mức đầu tư tăng hơn 200 triệu USD
Bộ Công thương vừa có thông báo kết quả thẩm định Báo cáo Nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng điều chỉnh Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất do Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đệ trình.
Là dự án nhóm A, cấp I, thuộc công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng sử dụng vốn khác, việc thẩm định Báo cáo Nghiên cứu khả thi điều chỉnh được thực hiện theo khoản 15, Điều 1, Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 và Điều 58, Luật Xây dựng số 50/2014/QH13.
Liên quan sự tuân thủ quy định của pháp luật về lập dự án đầu tư xây dựng, thiết kế cơ sở; điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức, cá nhân hành nghề xây dựng, Báo cáo Thẩm định cho hay, các tổ chức, cá nhân hay nhà thầu liên quan công đoạn này đều đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật.
Thiết kế cơ sở của Dự án cũng phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt của cấp có thẩm quyền như Quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp phía Đông Dung Quất, Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045. Việc đầu tư xây dựng dự án phù hợp với định hướng/chỉ đạo tại các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển ngành dầu khí; Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Mục tiêu, quy mô của Dự án được Bộ Công thương cho là phù hợp với chủ trương đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 482/QĐ-TTg ngày 5/5/2023.
Tuy vậy, Bộ Công thương cho hay, tổng mức đầu tư Dự án là 36.397 tỷ đồng (tương đương 1,489 tỷ USD), tăng 18,55% so với tổng mức đầu tư tại Quyết định số 482/QĐ-TTg ngày 5/5/2023 (31.240 tỷ đồng, tương đương 1,257 tỷ USD).
Dù vậy, Báo cáo Thẩm định cho rằng, Dự án không thuộc trường hợp phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Bộ Công thương cũng kết luận, chủ đầu tư chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các số liệu báo cáo, chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả đầu tư Dự án; các bên Tư vấn thiết kế, Tư vấn thẩm tra chịu trách nhiệm về các số liệu tại Báo cáo Nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng điều chỉnh, Báo cáo Thẩm định. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư giải trình rõ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc lựa chọn công nghệ tối ưu cho dự án; nghiên cứu các giải pháp tối ưu chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế của Dự án; có giải phát kiểm soát và quản lý chặt chi phí đầu tư, đảm bảo tối ưu và hiệu quả kinh tế.
Cơ hội đầu tư đã đến
Ngày 29/3/2024, BSR tiến hành công bố thông tin về Quyết định phê duyệt điều chỉnh Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Mục tiêu, quy mô của Dự án được Bộ Công thương cho là phù hợp với chủ trương đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 482/QĐ-TTg ngày 5/5/2023. |
Theo đó, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ được đầu tư nâng công suất chế biến từ 148.000 thùng/ngày lên 171.000 thùng/ngày; sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn Euro V; đáp ứng tiêu chuẩn môi trường theo lộ trình bắt buộc áp dụng của Chính phủ, đồng thời nâng cao độ linh động lựa chọn dầu thô, đảm bảo nguồn dầu thô cung cấp lâu dài và có hiệu quả cho nhà máy.
Để đáp ứng các mục tiêu này, hàng loạt phân xưởng công nghệ sẽ được đầu tư mới hoặc hiệu chỉnh, cải hoán. Thời gian thực hiện việc đầu tư nâng cấp, mở rộng này là 37 tháng kể từ ngày ký hợp đồng EPC và mục tiêu đưa Dự án vào vận hành trong năm 2028.
Để thu xếp vốn, BSR cho hay, cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay là 40/60, nhưng cũng sẽ được xem xét, điều chỉnh phù hợp với thực tế khả năng cân đối nguồn.
BSR thuê tư vấn thu xếp vốn dưới hình thức tín dụng xuất khẩu và vay ngân hàng thương mại trong và ngoài nước.
Trước đó, khi báo cáo xin điều chỉnh chủ trương đầu tư, BSR cho hay, dự án sử dụng vốn chủ sở hữu được thu xếp từ nguồn nội bộ của Công ty, từ lợi nhuận sau thuế để lại hàng năm (2020-2025), sau khi trích các quỹ và chia cổ tức, nguồn khấu hao sau khi đã trả nợ vay dài hạn và phát hành cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu và cổ đông mới trong trường hợp các nguồn trên không đủ.
Khoảng 660 triệu USD trong phương án thu xếp vốn được BSR đưa ra trước khi phê duyệt Điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định 428/QĐ-TTg, kèm theo thông tin về các tổ chức tín dụng bày tỏ mối quan tâm. Đó là KooKmin Bank (100 triệu USD), BIDV (200-300 triệu USD), Bangkok Bank (200 triệu USD), OCBC Bank (75 triệu USD).
Theo Bộ Tài chính, trường hợp đáp ứng yêu cầu của các ngân hàng và các ngân hàng thực hiện theo đúng cam kết, thì BSR có thể vay được 575 - 675 triệu USD, chưa kể một số ngân hàng khác có thư quan tâm và sẽ xem xét ở giai đoạn sau.
Như vậy, đã 10 năm trôi qua kể từ khi BSR được phê duyệt Dự án Đầu tư nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, với mục tiêu chế biến đạt 192.000 thùng/ngày, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn Euro V hồi tháng 12/2014. Giờ đây, với mục tiêu hạ thấp hơn, còn 171.000 thùng/ngày, cơ hội để Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thực hiện việc nâng cấp, mở rộng đã gần hơn.
TIN KHÁC
Một số nội dung còn có ý kiến khác nhau tại Dự thảo nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu(25/11/2024)
Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học(22/11/2024)
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024(21/11/2024)
BSR hoàn thành chỉ tiêu sản lượng sản xuất năm 2024(21/11/2024)
Nghệ An: Đến năm 2030 sẽ có khoảng 7 kho dự trữ, cung ứng xăng dầu, nhiên liệu(21/11/2024)