Theo PGS.TS Ngô Trí Long, Quỹ bình ổn giá xăng dầu không còn cần thiết như giai đoạn trước và về lâu dài cần nghiên cứu xóa bỏ quỹ này.
Có nên tồn tạiQuỹ bình ổn giá xăng dầu?
Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định về luật kinh doanh xăng dầu được Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức sáng 14/5, thu hút ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp. Trong đó, quan điểm giữ hay bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhận được nhiều quan tâm với nhiều ý kiến trái chiều trong thời gian qua.
Tại hội thảo, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long đưa ra quan điểm về vấn đề này và nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp tham dự.
Ông Long đưa dẫn chứng kết quả thanh tra ngày 4/1/2024 của Thanh tra Chính phủ cho thấy "Bộ Công Thương chưa có ý kiến kịp thời để sửa đổi, bổ sung về phương pháp xác định mức trích, chi quỹ tính cho một đơn vị sản lượng, khi bình ổn,... Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định mức trích, chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu thiếu cơ sở pháp luật”.
Thực tế cho thấy, có những lúc quỹ hoạt động thiếu minh bạch đã tạo kẽ hở để một số doanh nghiệp chiếm dụng vốn, sinh ra nhiều tiêu cực trong quản lý tài chính, gây bất ổn thị trường.
Nhìn về phía doanh nghiệp xăng dầu, Quỹ bình ổn giá không phát huy hiệu quả phòng ngừa rủi ro về giá trong hoạt động kinh doanh xăng dầu đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình điều hành, sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu cơ quan chức năng có những lúc có hiện tượng để cho quỹ âm ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp.
Do vậy, để phòng ngừa rủi ro về giá trong kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp không thể trông chờ hay ỉ lại vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu, mà phải sử dụng các phương thức công cụ khác, thuế, đặc biệt là công cụ hedging - một công cụ quan trọng trong lĩnh vực tài chính, nhằm mục đích giới hạn rủi ro và tối ưu hóa tỉ lệ rủi ro/tỉ lệ lợi nhuận.
Vị chuyên gia kết luận: "Do vậy, về lâu dài Nhà nước cần nghiên cứu xóa bỏ quỹ này để thị trường xăng dầu trong nước vận hành theo cơ chế thị trường và tiệm cận dần với giá xăng dầu trên thị trường thế giới".
Vai trò thực tiễn không còn cần thiết
Ông Long cho biết, về pháp lý, việc bỏ Quỹ bình ổn giá đối với xăng dầu không vi phạm quy định tại Luật Giá năm 2012, cũng như Luật Giá năm 2023 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024). Tại Luật Giá chỉ quy định về quỹ bình ổn giá nói chung, không đề cập trực tiếp đến Quỹ bình ổn giá đối với xăng dầu.
Theo quy định hiện hành, Chính phủ sẽ quyết định việc lập quỹ bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá (được quy định cụ thể tại các nghị định về kinh doanh xăng dầu).
Về thực tiễn, việc bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu vào thời điểm này là có cơ sở. Cụ thể, nếu thực hiện chu kỳ điều hành giá 7 ngày/lần như hiện nay thì mức độ biến động giá giữa các 2 lần điều chỉnh giá cơ bản không còn lớn. Chu kỳ điều hành giá được điều chỉnh xuống 7 ngày đã làm giảm được mức biến động, việc điều hành giá chủ động, linh hoạt hơn theo giá thế giới.
Qua theo dõi cho thấy, tâm lý của người tiêu dùng đã thích ứng được với việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong nước theo biến động giá thế giới. Diễn biến giá xăng dầu trong nước đã bám sát diễn biến giá thế giới, do đó những tác động của việc điều chỉnh giá bán xăng dầu lên tình hình kinh tế xã hội không lớn qua mỗi lần điều chỉnh giá bán.
Thực tiễn khi cần bình ổn giá, theo quy định tại Luật Giá năm 2023 để bình ổn giá hàng hóa, dịch vụ thì ngoài công cụ Quỹ, còn có các biện pháp như:Điều hòa cung cầu; các biện pháp về tài chính, tiền tệ phù hợp với quy định của pháp luật; định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá phù hợp với tính chất của từng hàng hóa, dịch vụ;..
Trong năm 2022, khi thị trường xăng dầu có nhiều bất ổn, giá xăng dầu thế giới có biến động tăng đột biến thì Bộ Công Thương đã phải triển khai các giải pháp để bảo đảm được nguồn cung, ổn định cung – cầu trong nước; nhất là việc Bộ Tài chính đã kịp thời trình Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường vào tháng 4/2022 và tiếp tục giảm kịch sàn trong khung thuế BVMT thực hiện từ ngày 11/7/2022 để góp phần bình ổn giá xăng dầu.
Thuế MFN nhập khẩu xăng cũng được điều chỉnh giảm từ 20% xuống 10% thực hiện từ ngày 8/8/2022 để góp phần đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu...
Trong nhiều kỳ điều hành vừa qua, cơ quan điều hành gần như không thực hiện trích, chi Quỹ. Tuy nhiên, thị trường vẫn ổn định, đồng thời thực tế “số tiền” không đổi, trích rồi lại chi nên việc tác động đến CPI không nhiều (chỉ tác động tăng/giảm tại thời điểm hoặc tác động tâm lý).
"Đánh giá từ thị trường kinh doanh xăng dầu trong nước cho thấy, hiện còn hơn 30 doanh nghiệp đầu mối, gần 400 doanh nghiệp phân phối và nhất là với sự tham gia của 2 nhà máy lọc dầu trong nước nên có thể thấy nguồn cung bước đầu được bảo đảm và hệ thống lưu thông phân phối đã được củng cố, thúc đẩy cạnh tranh, vì vậy vai trò của công cụ Quỹ không còn cần thiết như giai đoạn trước đây", ông Long nhấn mạnh.
TIN KHÁC
Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học(22/11/2024)
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024(21/11/2024)
Kinh doanh xăng dầu giai đoạn 2020-2024: Nhiều gian lận, xử phạt gần 1.000 vụ vi phạm(20/11/2024)
Bộ Tài chính đề xuất giảm tiếp thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2025(20/11/2024)
Petrolimex Aviation cung cấp nhiên liệu cho các chuyến bay phục vụ Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ(10/05/2024)