Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo Điều hành giá cho biết, tình hình kiểm soát chỉ số giá 9 tháng rất tốt, CPI bình quân 9 tháng tăng 3,16%, còn rất nhiều dư địa.
Mua bán xăng, dầu tại điểm kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Theo nhận định của Phó Thủ tướng tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Điều hành giá sáng 11/10, từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả.
Cuối tháng 9, đầu tháng 10, tình hình giá xăng dầu, năng lượng có xu hướng tăng, giá cả lương thực… có tác động trực tiếp đến CPI. Nhờ thực hiện chính sách tài khóa mạnh, có các giải pháp giảm thuế, gia hạn thuế…, chúng ta đã kiểm soát được. Trong dư địa còn lại, cùng với những giải pháp điều hành phù hợp, sẽ tạo dư địa cho năm 2024.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong 9 tháng năm 2023, giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, lạm phát đang được kiểm soát và theo xu hướng giảm dần. Năm nay, thời tiết ổn định, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên nguồn cung lương thực, thực phẩm, rau, quả dồi dào, giá cả không có biến động lớn.
Riêng mặt hàng thóc gạo giá tăng do ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu. Giá thịt lợn tăng, giảm đan xen theo nguồn cung và nhu cầu từng giai đoạn. Giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như xăng dầu, khí hóa lỏng có diễn biến tăng, giảm đan xen do tác động của giá thế giới.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2023 tăng 3,66% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2023, CPI tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,49%.
Từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá Lê Minh Khái đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp về quản lý, điều hành để bình ổn giá, hạn chế những biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân đầu tư công; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sớm ổn định lại và hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm an sinh xã hội.
Theo đó, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường. Nguồn cung được bảo đảm. Giá cả hàng hóa cơ bản ổn định, diễn biến theo đúng với kịch bản điều hành giá của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.
Phân tích nguyên nhân làm tăng CPI trong 9 tháng qua, Bộ Tài chính cho biết, chỉ số giá nhóm vé máy bay bình quân tăng 71,56% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá nhiên liệu bay ở mức cao, tỷ giá, lãi suất đều tăng khiến chi phí của các hãng tăng, cùng với đó nhu cầu đi lại tăng cao, đặc biệt trong dịp Lễ, Tết, nghỉ hè đã tác động đến giá vận tải hàng không; giá vé tàu hỏa tăng 31,26%; giá vé ô tô khách tăng 8,33%.
Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,28% so với cùng kỳ năm trước, do một số địa phương tăng học phí năm học 2023 - 2024 theo lộ trình của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, tác động làm CPI chung tăng 0,45%.
Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,73% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,27%, do giá xi măng, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, cùng với đó giá thuê nhà ở tăng cao.
Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm lương thực, điện sinh hoạt, đồ uống và thuốc lá, hàng hóa và dịch vụ khác tăng, tác động làm CPI chung tăng lên.
Ở chiều ngược lại, một số nhóm hàng hóa tác động làm giảm CPI như: chỉ số giá nhóm xăng dầu trong nước giảm 15,26% so với cùng kỳ năm trước theo biến động của giá thế giới, tác động làm CPI chung giảm 0,55 điểm phần trăm; giá dầu hỏa giảm 11,26%.
Để kịp thời, chủ động trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách của năm 2023, ngay từ cuối năm 2022, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023 với tổng giá trị hỗ trợ dự kiến khoảng 196 nghìn tỷ đồng; trong đó, số tiền được gia hạn khoảng 121 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm khoảng 75 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, Bộ đã trình Chính phủ trình Quốc hội giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 đối với hầu hết các mặt hàng đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%. Dự kiến thực hiện giải pháp này, số tiền thuế được giảm khoảng 24 nghìn tỷ đồng.
Để giải pháp này nhanh chóng đi vào cuộc sống, đến ngay với các đối tượng gặp khó khăn cần hỗ trợ, Bộ Tài chính cũng đã khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 và có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Dự kiến thực hiện Nghị quyết này sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 38 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 đối với doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (dự kiến số tiền thuế, tiền thuê đất được xem xét gia hạn là hơn 110 nghìn tỷ đồng); Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, 7, 8, 9/2023 đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (dự kiến thực hiện giải pháp này sẽ gia hạn khoảng 10,4 nghìn tỷ - 11,2 nghìn tỷ đồng); giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 8.000 - 9.000 tỷ đồng)…
Trong thời gian tới, cùng với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ đã được ban hành, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp áp dụng cho năm 2024 như: Tiếp tục xem xét việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường, mức thuế suất thuế giá trị gia tăng như đã áp dụng của năm 2023; tiếp tục rà soát giảm mức thuế suất thuế xuất khẩu, nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm khuyến khích việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến...
Về điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng và các chính sách khác. Trong 9 tháng năm 2023, trái với xu hướng tiếp tục thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt của Ngân hàng trung ương các nước và lãi suất thể giới giữ ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần liên tục điều chỉnh giảm lãi suất chính sách để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng bằng VND giảm xuống 4,75%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế hiện ở mức 4%/năm./.
TIN KHÁC
29 cửa hàng xăng dầu TP.HCM tạm ngưng hoạt động vì nhiều lý do(26/11/2024)
Một số nội dung còn có ý kiến khác nhau tại Dự thảo nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu(25/11/2024)
Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học(22/11/2024)
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024(21/11/2024)
BSR hoàn thành chỉ tiêu sản lượng sản xuất năm 2024(21/11/2024)