Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Rà soát, sửa đổi các quy định về kinh doanh xăng dầu
04:23 SA @ Thứ Năm - 13 Tháng Mười, 2022

Ngày 12-10, Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về tình hình quản lý và điều hành xăng dầu cho thị trường trong nước.

Người dân đổ xăng tại Cửa hàng xăng dầu số 4 - Saigon Petro, quận 7, TPHCM, trưa 11-10. Ảnh:HOÀNG HÙNG
Người dân đổ xăng tại Cửa hàng xăng dầu số 4 - Saigon Petro, quận 7, TPHCM, trưa 11-10. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thông báo nêu rõ, thời gian vừa qua có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố phía Nam như TPHCM, Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk… Theo báo cáo của Bộ Công thương, có khoảng 200 cửa hàng đóng cửa, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân.

Trước tình trạng trên, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương, với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao thẩm quyền quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu, chủ động bám sát tình hình thực tiễn, diễn biến thị trường, khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu.

Yêu cầu Bộ Công thương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia. Phó Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu; báo cáo Chính phủ trong tháng 10.

* Chiều 12-10, tại Hà Nội, Bộ Công thương đã tổ chức họp báo thường kỳ về các vấn đề dư luận quan tâm. Trả lời câu hỏi của báo chí về giải pháp để hạ nhiệt tình hình xăng dầu, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, đã thông tin các giải pháp mà cơ quan này dự trù cũng như phương án sau khi đã họp với doanh nghiệp xăng dầu vào sáng cùng ngày.

Trong đó, theo ông Trần Duy Đông, cần rà soát các chi phí trong cơ cấu tính giá, nhất là chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam vì các chi phí này đã tăng mạnh nên cần tính đúng, tính đủ. Đồng thời, sáng 12-10, Bộ Công thương đã đề nghị 2 nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn giao hàng nhanh, nhất là các doanh nghiệp đầu mối khó mua hàng của các đối tác nước ngoài. Bộ Công thương cũng đề nghị cần dùng nguồn dự trữ cho các doanh nghiệp không có hợp đồng với nhà máy nhưng cần mua ngay.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ sửa đổi quy định về kinh doanh xăng dầu trong bối cảnh thực tiễn có nhiều biến động, nhất là tăng quyền cho doanh nghiệp đầu mối, thời gian điều hành hay thời gian điều chỉnh chi phí...

Nguồn: