Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL, mã chứng khoán: OIL) sẽ thoái toàn bộ vốn đầu tư tại Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland, mã chứng khoán: PTL).
Mua bán kinh doanh xăng dầu tại một cửa hàng của PVOIL. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN
Theo Nghị quyết vừa được Hội đồng Quản trị thông qua về việc thoái toàn bộ phần vốn này, PVOIL - đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ chuyển nhượng toàn bộ 9 triệu cổ phiếu PTL, tương đương 9% vốn điều lệ của Petroland.
Sau khi hoàn tất việc thoái vốn, PVOIL không còn sở hữu cổ phần tại Petroland.
Trước thông tin PVOIL thoái vốn, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PTL bật tăng đột biến. Khối lượng giao dịch mỗi phiên tăng vọt lên 100.000 - 250.000 đơn vị, trong khi khoảng 10 phiên liền kề, khối lượng giao dịch dưới 30.000 đơn vị/phiên.
Đặc biệt, trong 7 phiên gần nhất, PTL liên tiếp tăng kịch trần.
Chốt phiên ngày 26/8 ở mức giá 7.740 đồng/cổ phiếu, tăng hơn gấp đôi so với mức giá 3.470 đồng hồi đầu tháng 7/2020.
Nếu tính mức giá hiện nay, PVOIL có thể thu về gần 70 tỷ đồng từ thương vụ thoái vốn trên.
Hiện Petroland có vốn điều lệ hơn 1.000 tỷ đồng. Trong cơ cấu cổ đông của Petroland, Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán: PVX) đang là cổ đông lớn nhất nắm 36,43% cổ phần.
Các cổ đông lớn tiếp theo là bà Trần Thị Ngọc Cư (19,86%), ông Đoàn Văn Đức (17,67%), PVOIL (9%) và BIDV (5,77%)./.
TIN KHÁC
Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học(22/11/2024)
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024(21/11/2024)
BSR hoàn thành chỉ tiêu sản lượng sản xuất năm 2024(21/11/2024)
Nghệ An: Đến năm 2030 sẽ có khoảng 7 kho dự trữ, cung ứng xăng dầu, nhiên liệu(21/11/2024)
Kinh doanh xăng dầu giai đoạn 2020-2024: Nhiều gian lận, xử phạt gần 1.000 vụ vi phạm(20/11/2024)