Chia sẻ với phóng viên TBTCVN về kinh nghiệm công tác triển khai phát hành hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, ông Lưu Văn Tuyển - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, Petrolimex đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cung cấp giải pháp để sửa đổi, nâng cấp phần mềm, tích hợp hệ thống, chuẩn hóa hạ tầng kỹ thuật tại cửa hàng xăng dầu. Đến thời điểm 30/4/2024, sau 10 tháng triển khai, Petrolimex đã phát hành trên 800 triệu hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng toàn hệ thống, trong đó phát hành trên 32 triệu hóa đơn đầy đủ.
PV: Petrolimex là doanh nghiệp (DN) tiên phong, dẫn đầu trong việc thực hiện quy định lập hóa đơn điện tử (HĐĐT) từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm cũng như giải pháp hiệu quả mà Petrolimex đã và đang triển khai?
Ông Lưu Văn Tuyển: Petrolimex là DN cổ phần, vốn nhà nước chiếm 75,8%, kinh doanh xăng dầu hạ nguồn. Trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu, Petrolimex có hệ thống phân phối tại 62/63 tỉnh, thành phố và hơn 2.760 cửa hàng xăng dầu.
Petrolimex luôn chú trọng đầu tư công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý điều hành kinh doanh như: giải pháp quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP-SAP); giải pháp phần mềm quản lý cửa hàng xăng dầu (EGAS); đầu tư hệ thống tự động hóa ghi nhận giao dịch tại cột bơm (AGAS) và đầu tư nâng cấp cột bơm xăng dầu điện tử có khả năng tích hợp với hệ thống tự động hóa để in kết quả đo, đáp ứng tiêu chuẩn tại Thông tư 08/2018/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 6 Thông tư 15/2015/TT-BKHCN về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu, có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.
Đảm bảo tính minh bạch, chính xác và hiệu quả
"Việc phát hành HĐĐT ngay sau từng lần bán khẳng định tính chuyên nghiệp của Petrolimex trong tổ chức điều hành, quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu tại gần 2.700 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc, đảm bảo tính minh bạch, chính xác, an toàn và hiệu quả" - Ông Lưu Văn Tuyển - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hóa đơn chứng từ theo các quy định của pháp luật, tiết kiệm chi phí cho DN, Petrolimex đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cung cấp giải pháp như: VNPT, FPT, Công ty CP Viễn thông tin học Petrolimex… Petrolimex là đơn vị tiên phong triển khai áp dụng thí điểm HĐĐT, ngay từ 1/1/2018 trên toàn hệ thống.
Đặc biệt, ngay sau khi Nghị định 123/2020/NĐ-CP có hiệu lực; được sự hỗ trợ của Tổng cục Thuế, đặc biệt là Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), cùng với sự quyết tâm của lãnh đạo và cán bộ người lao động trong toàn tập đoàn, sự đồng hành của người tiêu dùng, Petrolimex đã triển khai thành công giải pháp lập HĐĐT sau từng lần bán hàng theo quy định. Giải pháp HĐĐT của Petrolimex đã được Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đánh giá tuân thủ quy định pháp luật, các thông tin giao dịch hoàn toàn tự động, chính xác và độ tin tưởng rất cao.
Việc triển khai HĐĐT sau từng lần bán hàng của Petrolimex cũng đã được các DN, người tiêu dùng tin tưởng, các DN vận tải có nhiều phương tiện đánh giá cao và là cơ sở kiểm soát nhiên liệu cũng như hành trình vận chuyển.
Đến thời điểm 30/4/2024, sau 10 tháng triển khai, Petrolimex đã phát hành trên 800 triệu hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng toàn hệ thống, trong đó phát hành trên 32 triệu hóa đơn đầy đủ.
PV: Trong quá trình triển khai phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng, Petrolimex có gặp khó khăn gì, thưa ông?
Ông Lưu Văn Tuyển: Mặc dù là đơn vị dẫn đầu trong hệ thống các đơn vị kinh doanh xăng dầu triển khai thành công việc phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng tại cửa hàng, song hiện nay, trên thị trường có một số đơn vị cung cấp giải pháp lập hóa đơn không cần xuất phát từ tín hiệu truyền thông của cột bơm xăng dầu mà có thể xuất hóa đơn thủ công, hoặc tín hiệu camera… Các giải pháp này theo Petrolimex nhận định còn khoảng trống về cơ sở dữ liệu để lập HĐĐT theo từng lần bán hàng và có thể chưa chính xác theo đúng quy định tại Nghị định 123/NĐ-CP của Chính phủ.
Bên cạnh đó, việc cá nhân lấy hóa đơn mua xăng dầu mất rất nhiều thời gian đơn cử như điền thông tin cá nhân (họ tên, địa chỉ, mã số thuế cá nhân, hoặc căn cước công dân và email…) sẽ tăng khối lượng công việc rất nhiều cho hệ thống bán lẻ do số lượng hóa đơn rất lớn (khoảng hơn 1 tỷ hóa đơn/năm đối với Petrolimex) và có thể sai sót do cập nhập thông tin liên quan mã số thuế hoặc mã định danh….
PV: Từ những bất cập nêu trên, Petrolimex có kiến nghị gì để việc phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng được thuận lợi, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thưa ông?
Ông Lưu Văn Tuyển: Để việc phát hành HĐĐT cho khách hàng được thuận lợi, Petrolimex kiến nghị:
Thứ nhất, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích người tiêu dùng khi mua xăng dầu lấy hóa đơn và xây dựng chính sách như: cho phép các DN kinh doanh xăng dầu và sau này nhiều DN khác tích hợp dữ liệu khách hàng (ví dụ Vneid) để phát hành hóa đơn chính xác cho từng cá nhân mua xăng dầu; giảm trừ gia cảnh khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân nếu có hóa đơn xăng dầu; hoặc quay số trúng thưởng…
Thứ hai, Nhà nước cần quản lý và ban hành giá/phí phát hành hóa đơn hoặc hỗ trợ các đơn vị kinh doanh bán lẻ xăng dầu khi phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng vì đơn giá phí/hóa đơn hiện nay các đơn vị cung cấp dịch vụ phần mềm HĐĐT là khác nhau. Cùng với đó, Nhà nước cũng cần kiểm soát các giải pháp phần mềm phát hành hóa đơn hiện nay để đảm bảo tính chính xác của giải pháp, tránh sự can thiệp của con người.
Thứ ba, cơ quan chức năng nghiên cứu bổ sung trong nghị định kinh doanh xăng dầu việc phát hành HĐĐT sau từng lần bán hàng là điều kiện tiên quyết để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu./.
PV: Xin cảm ơn ông!
TIN KHÁC
Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học(22/11/2024)
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024(21/11/2024)
BSR hoàn thành chỉ tiêu sản lượng sản xuất năm 2024(21/11/2024)
Nghệ An: Đến năm 2030 sẽ có khoảng 7 kho dự trữ, cung ứng xăng dầu, nhiên liệu(21/11/2024)
Kinh doanh xăng dầu giai đoạn 2020-2024: Nhiều gian lận, xử phạt gần 1.000 vụ vi phạm(20/11/2024)