Quỹ bình ổn giá xăng dầu là vùng đệm trước khi dùng công cụ thuế
03:28 SA @ Thứ Ba - 29 Tháng Ba, 2022

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, trong dài hạn Chính phủ cần tính đến những biện pháp căn cơ, dài hơi để điều chỉnh giá xăng dầu.

Là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước; toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước, theo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.

Nhiều ý kiến trái chiều xuất hiện xung quanh sự tồn tại của quỹ này. Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, việc duy trì, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu thể hiện quan điểm về kinh tế thị trường của mỗi quốc gia.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu được Bộ Công Thương vận dụng tùy theo tình giá thị trường thế giới.

"Mặt hàng xăng dầu hiện vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý Nhà nước. Trước chỉ có 2 đầu mối, nhưng nay thị trường xăng dầu Việt Nam có đến 36 đầu mối. Nếu không quản lý, chúng ta khó có thể có môi trường cạnh tranh hoàn toàn", ông Đông nêu quan điểm.

Cũng theo ông Đông, ngoài việc góp phần kiểm soát nguồn cung và giá xăng dầu, quỹ bình ổn còn có tác dụng kiểm soát được CPI, tăng trưởng và lạm phát.

Ông nói thêm: "Tôi ủng hộ giải pháp căn cơ, dài hơi, đó là để thị trường phát triển hơn theo quy luật thị trường. Muốn vậy, chúng ta cần điều hành bằng thuế, phí, dự trữ quốc gia".

Về dự trữ, theo Nghị định 95, Việt Nam có 3 nguồn: dự trữ quốc gia, sản xuất, và lưu thông phân phối. Trong dự trữ lưu thông phân phối, Việt Nam đang xây dựng là 20 ngày của thương nhân đầu mối và 5 ngày của thương nhân phân phối; tương đương 25-30 ngày nhập khẩu dòng.

Với sản xuất, số ngày dự trữ phải từ 30-35 ngày. Tất cả đều chưa đáp ứng được khuyến cáo của Tổ chức năng lượng thế giới trong việc đảm bảo an ninh năng lượng - đó là 90 ngày nhập khẩu dòng.

Trước thực tế như vậy, Bộ Công Thương sẽ tham mưu cho Chính phủ đầu tư hơn về mặt tài chính, xây dựng các kho dự trữ chiến lược, tách dự trữ quốc ra khỏi dự trữ lưu thông phân phối, không gửi xăng dầu ở doanh nghiệp, và can thiệp bằng thuế, phí.

"Quỹ bình ổn chỉ là vùng đệm, nhưng khi giá xăng dầu biến động mạnh thì chúng ta phải có những biện pháp linh hoạt trong công cụ thuế", ông Đông nói.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương

Chia sẻ thêm về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, ông Đông cho biết, có thời điểm quỹ dôi dư rất nhiều. Tuy nhiên, với diễn biến bất thường của thị trường thế giới và thực hiện Chỉ đạo của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, kiểm soát CPI, dư địa quỹ hiện không còn nhiều.

"Khi giá thế giới biến động 40-60%, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã cố gắng giữ giá ở mức chịu đựng được của nền kinh tế. Giá xăng dầu trong nước chỉ tăng từ 24-40%, và đây là tác động của quỹ bình ổn", ông Đông nhấn mạnh.

Dù có tác dụng trong ngắn hạn, nhưng Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng cần những tính toán dài hơn. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường trong giá xăng dầu.

Để điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, ông Trần Duy Đông đề xuất công cụ thuế linh hoạt, trong đó tính tới việc giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, thuế nhập khẩu; đồng thời đề ra chiến lược tiết kiệm, chuyển đổi dần trong cơ cấu sử dụng năng lượng thân thiện hơi với môi trường.

Ông Đông lấy ví dụ trong cơ cấu về xăng, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành có thể tính tới việc giảm thuế nhập khẩu bã ngô, nhiên liệu Ethanol, khi giá các loại nhiên liệu sinh học đang thấp so với nhiên liệu hóa thạch.

"Thời gian qua, một số nước rất linh hoạt trong vấn đề này. Ví dụ, Trung Quốc đã tăng nhập khẩu và dự trữ quốc gia trong chiến lược 10 năm, nhờ mua dầu thô giá rẻ và bán ra thị trường. Qua đó, họ vừa có lợi ích về kinh tế, vừa có thêm công cụ điều tiết thị trường", ông Đông kết luận.

Nguồn: