Tết Nguyên đán đẩy CPI tháng 1/2023 tăng 0,52%
04:03 SA @ Thứ Hai - 30 Tháng Giêng, 2023

Tết Nguyên đán Quý Mão rơi vào tháng 1/2023 nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, đẩy giá hàng hóa và dịch vụ tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp Tết, làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2023 tăng 0,52% so với tháng trước.

Ảnh:Quách Sơn

Ảnh: Quách Sơn

Theo thông tin được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/1, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2023 tăng khá cao so với tháng trước, mức tăng là 0,52%.

Cơ quan thống kê cho rằng, do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao trong tháng Tết đã kéo theo giá hàng hóa và dịch vụ tăng; giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới và điều chỉnh theo mức thuế bảo vệ môi trường từ 1/1/2023 là những yếu tố khiến CPI tháng này tăng cao.

Trong mức tăng 0,52% của CPI tháng 1, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và một nhóm hàng giữ giá ổn định.

Cụ thể, trong 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 1,39%, làm CPI chung tăng 0,13 điểm phần trăm.

Nguyên nhân chủ yếu khiến nhóm này tăng mạnh là do giá xăng dầu được điều chỉnh tăng vào các ngày 1/1/2023, 3/1/2023 và 11/1/2023 theo giá nhiên liệu thế giới; và điều chỉnh theo mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn được quy định tại Nghị quyết số 30 ngày 30/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội áp dụng từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023 làm cho giá xăng tăng 2,31%.

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,12% khiến giá rượu bia tăng 1,66%; thuốc hút tăng 0,71%; đồ uống không cồn tăng 0,49%.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,82%, tác động làm CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,7%, tập trung ở giá nhóm đồ trang sức tăng 0,59%; dịch vụ cắt tóc, gội đầu, chăm sóc cá nhân.

Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,62% do nhu cầu mua sắm quần áo dịp Tết Nguyên đán Quý Mão tăng. Các nhóm còn lại là văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,42%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,36%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,07%.

Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm là nhóm giáo dục giảm 0,15% và nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng giảm 0,12% do giá gas, giá dầu hỏa và giá nước sinh hoạt giảm.

So với cùng kỳ năm 2022, CPI tháng 1/2023 tăng 4,89%. Đây là mức tăng khá cao so với tháng 1 của 5 năm trở lại đây.

Cụ thể, so với cùng kỳ năm trước, nhóm giáo dục tháng 1/2023 tăng cao nhất, với 11,6%, chủ yếu do trong năm học 2021-2022 nhiều địa phương đã miễn, giảm học phí để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch. Trong khi đó, năm học 2022-2023, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng mức học phí.

Ngoài nhóm giáo dục, thì nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng tăng cao, lên tới 6,94%, do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở và nhà ở thuê tăng. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 6,08%, chủ yếu do dịch Covid-19 được kiểm soát, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 7,0%; giá lương thực tăng 3,74% và thực phẩm tăng 6,11%.

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch so với cùng kỳ năm trước tăng 5,3%, do dịch Covid-19 được kiểm soát, giá tour, khách sạn, nhà hàng tăng khi nhu cầu du lịch trong nước tăng.

Trong khi đó, nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 1/2023 tăng 4,36%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Tết, giá nguyên liệu sản xuất đồ uống, chi phí vận chuyển tăng…

Như vậy, theo Tổng cục Thống kê, sự phục hồi trở lại của các hoạt động tiêu dùng, dịch vụ, du lịch dịp Tết đã đẩy CPI tháng 1/2023 năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Đây là điều đã được cảnh báo trước, sẽ gây áp lực lên mục tiêu kiểm soát lạm phát của năm 2023. Đó cũng là lý do vì sao trong các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, mục tiêu lạm phát được đặt ra ở mức 4,5%, thay vì dưới 4% như một số năm trước đây.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 năm 2023 ước đạt 544,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,8% (cùng kỳ năm 2022 giảm 2,5%).

Mặc dù vậy, theo Tổng cục Thống kê, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 năm nay chỉ đạt 88,1% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, lạm phát cơ bản tháng 1/2023 tăng 0,46% so với tháng trước, tăng 5,21% so với cùng kỳ năm trước.

Việc lạm phát cơ bản tăng 5,21% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,89%), theo Tổng cục Thống kê, chủ yếu do lạm phát cơ bản từ tháng 7/2022 đến tháng 12/2022 có mức tăng so với tháng trước cao hơn CPI chung, do giá xăng dầu và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI trong các tháng này thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản. Lạm phát cơ bản tháng 1/2023 ở mức nền cao hơn CPI chung nên có mức tăng so với cùng kỳ năm trước cao hơn.

Nguồn: