Kỳ điều hành lần này, do giá các mặt hàng xăng dầu đều có xu hướng tăng, nhất là dầu điêzen và dầu hỏa có biến động tăng mạnh, mặc dù Quỹ BOG đang ở mức khá thấp nhưng Liên Bộ Công Thương – Tài chính vẫn quyết định tiếp tục sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ BOG nhằm hạn chế mức tăng của giá một số mặt hàng xăng dầu.
Thị trường xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá vừa qua tiếp tục có biến động mạnh. Nhu cầu xăng dầu được kỳ vọng tăng thêm khi các hoạt động sản xuất kinh doanh tại các nước trên thế giới tiếp tục hồi phục sau dịch bệnh, đặc biệt là sau khi Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trong khi đó, nguồn cung cho thị trường bị cản trở bởi việc thống nhất trong liên minh Châu Âu về việc tiếp tục gia tăng trừng phạt lên mức 90% sản lượng xăng dầu từ Liên bang Nga; tồn kho dầu tại Mỹ vẫn ở mức thấp; OPEC+ gia tăng sản lượng nhưng ở mức thấp, không đủ bù đắp nguồn cung giảm từ Liên bang Nga. Giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm trong hơn 10 ngày qua đã tăng mạnh, nhất là các mặt hàng dầu điêzen và dầu hỏa. Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 01/6/2022 và kỳ điều hành ngày 13/6/2022 là: 149,287 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 5,272 USD/thùng, tương đương tăng 3,66% so với kỳ trước); 154,745 USD/thùng xăng RON95 (tăng 2,798 USD/thùng, tương đương tăng 1,84% so với kỳ trước; 162,946 USD/thùng dầu hỏa (tăng 18,261 USD/thùng, tương đương tăng 12,62% so với kỳ trước); 166,591 USD/thùng dầu điêzen (tăng 19,628 USD/thùng, tương đương tăng 13,36% so với kỳ trước); 635,931 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 20,367 USD/tấn, tương đương giảm 3,09% so với kỳ trước).
Tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước bắt đầu có xu hướng giảm. Theo chủ trương mới của Chính phủ về việc thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu sinh hoạt của người dân đang phục hồi trở lại. Nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, trong các kỳ điều hành giá xăng dầu thời gian vừa qua, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thực hiện chi sử dụng Quỹ BOG liên tục cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi từ 100-1.500 đồng/lít.
Kỳ điều hành lần này, do giá các mặt hàng xăng dầu đều có xu hướng tăng, nhất là dầu điêzen và dầu hỏa có biến động tăng mạnh, mặc dù Quỹ BOG đang ở mức khá thấp nhưng Liên Bộ Công Thương – Tài chính vẫn quyết định tiếp tục sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ BOG nhằm hạn chế mức tăng của giá một số mặt hàng xăng dầu. Theo đó, Liên Bộ quyết định tiếp tục không trích lập Quỹ BOG và tiếp tục chi sử dụng Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng, ngừng trích lập Quỹ BOG đối với dầu điêzen và dầu hỏa, chi sử dụng Quỹ BOG đối với dầu điêzen và dầu hỏa để giá xăng dầu trong nước có mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng thế giới. Việc điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước; có tính đến việc hạn chế âm Quỹ BOG để điều hành giá trong thời gian tới khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều bất ổn; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Thực hiện các quy định, hướng dẫn, chỉ đạo điều hành của Chính phủ và các cấp có thẩm quyền, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính quyết định:
- Trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Tiếp tục không thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng, không thực hiện trích lập đối với dầu điêzen và dầu hỏa (kỳ trước trích 100 đồng/lít), tiếp tục thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu mazut ở mức 300 đồng/kg.
- Chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu: Thực hiện chi Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 ở mức 100 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 200 đồng/lít, dầu điêzen ở mức 400 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít, dầu mazut không chi.
Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại Mục 1 nêu trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
- Xăng E5RON92: không cao hơn 31.117 đồng/lít (tăng 882 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 1.259 đồng/lít, nếu không chi quỹ BOG ở mức 100 đồng/lít thì giá bán sẽ là 31.217 đồng/lít, tăng 982 đồng/lít;
- Xăng RON95-III: không cao hơn 32.375 đồng/lít (tăng 797 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), nếu không chi quỹ BOG ở mức 200 đồng/lít thì giá bán sẽ là 32.575 đồng/lít, tăng 997 đồng/lít;
- Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 29.020 đồng/lít (tăng 2.626 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), nếu thực hiện trích lập 100 đồng/lít và không chi quỹ BOG ở mức 400 đồng/lít thì giá bán sẽ là 29.530 đồng/lít, tăng 3.136 đồng/lít;
- Dầu hỏa: không cao hơn 27.839 đồng/lít (tăng 2.493 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), nếu thực hiện trích lập 100 đồng/lít và không chi quỹ BOG ở mức 300 đồng/lít thì giá bán sẽ là 28.249 đồng/lít, tăng 2.903 đồng/lít;
- Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 20.357 đồng/kg (giảm 544 đồng/kg so với giá bán hiện hành).
- Trích lập và chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu: áp dụng từ 15 giờ 00’ ngày 13 tháng 6 năm 2022.
- Áp dụng mức giá bán đối với các mặt hàng xăng dầu: do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu quy định nhưng không sớm hơn 15 giờ 00’ ngày 13 tháng 6 năm 2022 đối với các mặt hàng tăng giá và không muộn hơn 15 giờ 00’ ngày 13 tháng 6 năm 2022 đối với các mặt hàng giảm giá.
- Kể từ 15 giờ 00’ ngày 13 tháng 6 năm 2022, là thời điểm Bộ Công Thương công bố giá cơ sở kỳ công bố tại Công văn này cho đến trước ngày Bộ Công Thương công bố giá cơ sở kỳ kế tiếp, việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu quyết định phù hợp với các quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Thông tư số 104/2021/TT-BTC ngày 18 tháng 11 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu, Thông tư số 103/2021/TT-BTC ngày 18 tháng 11 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
TIN KHÁC
Một số thông tin về việc điều hành giá xăng dầu ngày 19/12/2024(19/12/2024)
Hà Nội lập vùng phát thải thấp ở 2 quận, cấm nhiều loại ô tô, xe máy lưu thông từ 2025(13/12/2024)
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 12/12/2024(12/12/2024)
Hội nghị sơ kết Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự Nhà máy Lọc dầu Dung Quất năm 2024(12/12/2024)
Hà Nội tăng cường kiểm tra và giám sát hóa đơn điện tử trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu(11/12/2024)