Thu ngân sách cả năm 2023 vượt 8,1% so dự toán (ngân sách trung ương vượt 5,9%; ngân sách địa phương vượt 10,6%), nhưng chỉ đạt 96,5% so với thực hiện năm 2022.
Bộ Tài chính cho biết, lũy kế thu ngân sách Nhà nước (NSNN) ước tính đến hết ngày 31/12/2023 ước đạt 1.752,5 nghìn tỷ đồng, vượt 8,1% (131,75 nghìn tỷ đồng) so dự toán (ngân sách trung ương vượt 5,9%; ngân sách địa phương vượt 10,6%), nhưng chỉ đạt 96,5% so với thực hiện năm 2022.
Thu nội địa vượt 10,1% dự toán, tăng 1,7% so với thực hiện năm 2022, trong đó không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết có 48/63 địa phương hoàn thành và vượt mức dự toán thu; 29/63 địa phương tăng thu so thực hiện năm 2022.
Có 11 khoản thu, sắc thuế vượt dự toán: Thu từ nhà, đất vượt 13,1% (23,3 nghìn tỷ đồng); thu từ hoạt động sổ xố kiến thiết vượt 22% (8,3 nghìn tỷ đồng); các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh ở 03 khu vực kinh tế vượt 5,9% (42 nghìn tỷ đồng), trong đó: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước vượt 6,4% (10,7 nghìn tỷ đồng) so dự toán; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vượt 4% (9,1 nghìn tỷ đồng); thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh vượt 7,1% (22,1 nghìn tỷ đồng) so dự toán.
Còn khoản thu thuế bảo vệ môi trường không đạt dự toán (ước đạt 58,4% dự toán, giảm 13,3% so với thực hiện năm 2022) do thực hiện chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu theo các Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 và số 30/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thu từ dầu thô vượt 47,5% (19,9 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tuy nhiên vẫn giảm 20,6% so với năm 2022. Giá dầu bình quân khoảng 88 USD/thùng, tăng 18 USD/thùng so dự toán (70 USD/thùng).
Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 91,8% (giảm 19,7 nghìn tỷ đồng) so dự toán, giảm 23,1%% so với năm 2022, chủ yếu do tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế năm 2023 ước giảm khoảng 13,9% so với thực hiện năm 2022 (kim ngạch xuất khẩu có thuế giảm khoảng 20,3%; kim ngạch nhập khẩu có thuế giảm 14%); trong đó, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu giảm mạnh làm giảm nguồn thu ngân sách.
Trong bối cảnh nền kinh tế vừa phải đối mặt với những hậu quả do dịch Covid-19 gây ra, vừa phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới phát sinh từ môi trường quốc tế cũng như nội tại của nền kinh tế, kết quả thu ngân sách đạt được như trên được đánh giá là tích cực dựa trên cơ sở triển khai đồng bộ hàng loạt các giải pháp trên nhiều phương diện.
Thứ nhất, trên cơ sở đánh giá, dự báo tình hình, với quyết tâm hoàn thành mức cao nhất nhiệm vụ thu NSNN năm 2023, phấn đấu tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực có điều kiện để bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, Bộ Tài chính đã chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các Luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2023 ngay từ đầu năm; tăng cường công tác quản lý thu, nhất là đối với các lĩnh vực, ngành hàng, địa bàn trọng điểm, kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, chuyển nhượng bất động sản, rà soát giá tính thuế bất động sản sát với giá thị trường... bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản phát sinh.
Bên cạnh đó, phát huy vai trò của chính sách tài khóa, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách miễn giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất năm 2023 với quy mô dự kiến khoảng 200 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 79 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 121 nghìn tỷ đồng), để cùng với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội và đời sống người dân.
Ngoài ra, cơ quan Thuế, Hải quan đã chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ thu NSNN được giao, thực hiện đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các giải pháp chính sách thu ngân sách hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân đã ban hành. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, gian lận trong kê khai thuế, hoàn thuế, gian lận thương mại, buôn lậu, trốn thuế,... Cơ quan Thuế đã thực hiện 74,4 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra và kiểm tra 748,4 nghìn hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế; số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 72,1 nghìn tỷ đồng (số tiền đã nộp NSNN là 13,8 nghìn tỷ đồng). Cơ quan Hải quan đã thực hiện trên 2,2 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra sau thông quan, kiến nghị nộp NSNN gần 1,4 nghìn tỷ đồng (số đã nộp 1,2 nghìn tỷ đồng); bắt giữ, xử lý gần 16 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan, với giá trị hàng hóa vi phạm khoảng 12,5 nghìn tỷ đồng; đã khởi tố 40 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 186 vụ.
Ngành Tài chính cũng tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, mở rộng triển khai cung cấp các dịch vụ thuế điện tử cho người nộp thuế, ứng dụng eTax trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile) cho cá nhân, hộ kinh doanh; quản lý thu thuế qua Cổng thanh toán điện tử xuyên biên giới cho nhà cung cấp nước ngoài (đã có 74 nhà cung cấp nước ngoài kê khai, nộp thuế trực tiếp qua Cổng với tổng số tiền khoảng trên 6,8 nghìn tỷ đồng trong năm 2023, lũy kế số đã nộp từ khi triển khai đến nay khoảng trên 12,5 nghìn tỷ đồng); tăng cường quản lý hóa đơn điện tử trong các lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, nhà hàng, khách sạn,...; triển khai cổng dữ liệu thông tin về sàn thương mại điện tử và hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng; đề án xây dựng trung tâm dữ liệu lớn về hóa đơn điện tử, ứng dụng công nghệ AI trong phân tích dữ liệu, phát hiện hóa đơn giả…
Lũy kế chi NSNN 12 tháng ước đạt 1.731,9 nghìn tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 79,8% dự toán Quốc hội quyết định, đạt 81,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chi trả nợ lãi đạt 87,6% dự toán; chi thường xuyên đạt 90,3% dự toán.
Các nhiệm vụ chi NSNN được thực hiện theo dự toán, xử lý kịp thời các nhiệm vụ đột xuất phát sinh về phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN. Ngân sách các cấp đã chủ động đảm bảo nguồn thực hiện tăng lương tối thiểu từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng cho các đối tượng hưởng lương từ NSNN và tăng lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng thuộc NSNN đảm bảo từ ngày 01/7/2023.
Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ chi được tiếp tục thanh toán đến hết ngày 31/01/2024 (thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách năm 2023) hoặc sẽ tiếp tục được chuyển nguồn sang năm 2024 thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công.
Dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 đã sử dụng đến ngày 31/12/2023 là 37,9 nghìn tỷ đồng (đạt 100% dự toán), để mua vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng; hỗ trợ các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển và các địa phương khác để phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất ở vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, và bổ sung kinh phí đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã thực hiện xuất cấp 21,57 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên Đán và giáp hạt đầu năm 2023.
Công tác điều hành chi NSNN năm 2023 đã đảm bảo chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; đã ưu tiên bố trí tăng chi đầu tư phát triển ngay từ khâu phân bổ dự toán và phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương, nhất là đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc, giao thông kết nối liên vùng.
Trong năm, Bộ Tài chính đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp chỉ đạo, điều hành, tăng cường kỷ cương, kỷ luật NSNN; cắt giảm các khoản dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương đã giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhưng đến ngày 30/6/2023 chưa phân bổ; các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia. Chủ động rà soát, báo cáo những nội dung còn bất cập trong quản lý, bố trí dự toán chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên cho một số nhiệm vụ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công,...
Năm 2023, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo, đã thực hiện phát hành 298,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,58 năm, lãi suất bình quân 3,21%/năm, đảm bảo nguồn bù đắp bội chi và thanh toán chi trả kịp thời nợ gốc các khoản vay đến hạn của ngân sách trung ương. Đến cuối năm 2023, dư nợ công dự kiến khoảng 37% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn mức trần và ngưỡng cảnh báo được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15.
TIN KHÁC
Một số nội dung còn có ý kiến khác nhau tại Dự thảo nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu(25/11/2024)
Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học(22/11/2024)
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024(21/11/2024)
BSR hoàn thành chỉ tiêu sản lượng sản xuất năm 2024(21/11/2024)
Nghệ An: Đến năm 2030 sẽ có khoảng 7 kho dự trữ, cung ứng xăng dầu, nhiên liệu(21/11/2024)