Chiều 19/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long làm việc với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Chủ động tạo nguồn từ sớm, từ xa bằng các hợp đồng dài hạn
Giới thiệu tổng quan và báo cáo kết quả hoạt động của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tại buổi làm việc Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long, ông Đào Nam Hải - Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tiền thân là Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, được thành lập ngày 12/01/1956, là Tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tiên được cổ phần hóa vào năm 2011 và cũng là Tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tiên niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh năm 2017.
Hiện Tập đoàn có 51 Công ty TNHH MTV xăng dầu trong nước (Petrolimex sở hữu 100% vốn); 1 Công ty TNHH MTV tại nước Cộng hòa Singapore (Petrolimex sở hữu 100% vốn), 1 Công ty TNHH MTV tại nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (Petrolimex sở hữu 100% vốn).
Tập đoàn cũng có các Tổng Công ty gồm: Tổng công ty Vận tải thủy Petrolimex (PGT); Tổng công ty Dịch vụ xăng dầu Petrolimex (PTC); Tổng công ty Xây lắp và Thương mại Petrolimex (PGCC); Tổng Công ty Gas Petrolimex (PGC), Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC), Công ty CP Nhiên liệu hàng không Petrolimex (PA), Công ty TNHH Liên doanh Kho ngoại quan Vân Phong (VPT); Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex, Công ty TNHH Castrol BP Petco.
Trong 8 tháng năm 2024, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Công Thương, sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời các Vụ/Cục chức năng thuộc Bộ, Sở Công Thương các địa phương, Tập đoàn đã hoàn thành đảm bảo tiến độ, chất lượng, yêu cầu các công việc, nhiệm vụ trọng tâm trong 8 tháng năm 2024 về mọi mặt công tác.
Trong đó, Tập đoàn đã thực hiện tốt vai trò chủ đạo của Doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện bình ổn thị trường xăng dầu, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho hệ thống phân phối trong mọi tình huống, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Tập đoàn đã chủ động tạo nguồn từ sớm, từ xa bằng các hợp đồng dài hạn với nguồn hàng từ 2 Nhà máy lọc dầu trong nước và nhập khẩu, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng. Tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh chú trọng công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn môi trường, an toàn vệ sinh lao động, an toàn về người và tài sản, an toàn tại các cơ sở, công trình xăng dầu, an ninh mạng, an toàn tài chính, bảo vệ thương hiệu…
Tại Hội nghị Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm việc với Bộ, Tập đoàn cũng đã báo cáo tình hình thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Công Thương, các Bộ, ngành, địa phương, trong việc chủ động, quyết liệt ứng phó và nhanh chóng tổ chức khắc phục hậu quả sau bão, lũ, hạn chế tối đa rủi ro về người và tài sản, không để xảy ra gián đoạn, thiếu hụt nguồn cung trước, trong và sau sự cố thiên tai. Hầu hết các cửa hàng xăng dầu Petrolimex đã hoạt động trở lại ngay sau bão, các hoạt động tạo nguồn, cung cấp nguồn cho tuyến sau được Tập đoàn nhanh chóng khắc phục, duy trì.
Tập đoàn đã hoàn thành vượt tiến độ kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 với kết quả đạt được như sau: Tổng sản lượng xuất bán hợp nhất toàn Tập đoàn 8 tháng năm 2024 đạt 10.369.171 m3, tấn, tăng 6% so với cùng kỳ 2023 và đạt 79% kế hoạch năm. Trong đó, tổng xuất bán nội địa đạt 6.997.090 m3, tấn đạt 70% kế hoạch năm; bán lẻ đạt 4.888.942 m3,tấn tăng 4% so với cùng kỳ 2023, đạt 71% kế hoạch năm, chiếm 70% tổng sản lượng bán nội địa. Doanh thu hợp nhất đạt 197.000 tỷ đồng, bằng 105% kế hoạch năm; lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 2.950 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch năm; nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 22.850 tỷ đồng, bằng 95% kế hoạch năm.
8 nhiệm vụ trọng tâm
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 20/8/2024 về Kế hoạch thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 24/4/2024 của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 và một số định hướng cho giai đoạn mới.
Thực hiện Kết luận 76-KL/TW và Nghị quyết 38/NQ-CP, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đang tập trung xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để triển khai.
Ông Đào Nam Hải đã báo cáo sơ bộ về các nội dung dự kiến triển khai để quyết tâm thực hiện thắng lợi 8 nhiệm vụ trọng tâm được đề cập đến tại Nghị quyết 38.
Thứ nhất, tiếp tục phát huy, giữ vai trò chủ đạo của Petrolimex trong thị trường kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam; Xác định xăng dầu tiếp tục là trục kinh doanh cốt lõi để tập trung tổ chức tốt công tác tạo nguồn, đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu cho toàn xã hội trong mọi tình huống, phục vụ phát triển kinh tế và là công cụ hỗ trợ giúp Nhà nước trong việc điều tiết vĩ mô, bình ổn giá và an ninh năng lượng quốc gia.
Thứ hai, thực hiện đúng, đủ, đáp ứng yêu cầu và lộ trình các nội dung tại Đề án cơ cấu lại Tập đoàn giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2035; Chiến lược phát triển Tập đoàn đến năm 2025, tầm nhìn 2035 đã được UBQLVNN tại DN thông qua và Đại hội đồng cổ đông phê duyệt ngày 26/4/2024.
Thứ ba, định hình lại chiến lược, chiến thuật phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu bán lẻ theo các định hướng mới của Petrolimex. Coi việc đầu tư cửa hàng là một giải pháp kinh doanh được ưu tiên hàng đầu, trong đó đặc biệt quan tâm đối với các cửa hàng xăng dầu có tiềm năng, có lợi thế thương mại, có dư địa gia tăng sản lượng để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp chiều sâu theo hướng tiên tiến, hiện đại, tự động hóa cao kết hợp với chuyển dịch xanh, sạch, bảo vệ môi trường; hướng đến các mục tiêu nâng cao trải nghiệm của khách hàng, nâng cao hiệu quả công tác quản trị điều hành kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của Petrolimex.
Thứ tư, tiếp tục củng cố các giải pháp duy trì và phát triển mạnh mẽ hệ thống thương nhân nhượng quyền và thương nhân phân phối trên cơ sở bám sát các định hướng, chính sách mới, linh hoạt; Xác định mục tiêu hệ thống thương nhân nhượng quyền, thương nhân phân phối là một thành phần quan trọng trong hệ sinh thái khách hàng, đối tác của Petrolimex; coi trọng và nâng cao hoạt động marketing, nâng cao tính cạnh tranh, tính thị trường từ Công ty mẹ cho đến các đơn vị thành viên để phục vụ công tác nghiên cứu phát triển thị trường, xây dựng các chính sách chăm sóc khách hàng, chính sách phát triển các kênh bán hàng đồng bộ, toàn diện.
Thứ năm, triển khai đầy đủ, hiệu quả: Nghị quyết số 93-NQ/ĐU ngày 12/11/2021 của BCH Đảng bộ Tập đoàn về thực hiện chuyển đổi số tại Tập đoàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình hành động số 401-CTr/ĐU ngày 22/02/2022 của BCH Đảng bộ Tập đoàn về triển khai Nghị quyết 93-NQ/ĐU; Chiến lược Chuyển đổi số đã được HĐQT Tập đoàn phê duyệt tại Quyết định số 508/PLX-QĐ-HĐQT ngày 14/8/2023.
Thứ sáu,tập trung chuyển đổi số mạnh mẽ, toàn diện tại hệ thống kho, cửa hàng xăng dầu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thông minh, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí Carbon.
Đầu tư, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống cảng biển, kho, bể, tuyến ống, cửa hàng phục vụ kinh doanh xăng dầu cũng như khí, nhiên liệu hàng không… đảm bảo cập nhật quy hoạch, định hướng, xu hướng mới về năng lượng, giao thông, tuân thủ Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời đảm bảo hiệu quả công tác đầu tư, an toàn phòng chống cháy nổ, hướng đến tự động hóa, nâng cao năng suất lao động trong quá trình khai thác vận hành, kịp thời trong việc quản lý, phát hiện, ngăn ngừa rủi ro.
Thứ bảy, ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến để phục vụ công tác quản lý, quản trị, giám sát hàng hóa ở tất cả các khâu từ công tác tạo nguồn, lưu kho, điều động/vận tải nội bộ, đến công tác bán hàng tại các cửa hàng xăng dầu.
Thứ tám, bám sát Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các cam kết của Việt Nam tại COP26 và kế hoạch hành động mạnh mẽ của Chính phủ, để tiếp tục nghiên cứu các dự án năng lượng mới, xanh, sạch, thân thiện với môi trường; triển khai hiệu quả, đúng lộ trình kế hoạch hành động của Tập đoàn hướng tới mục tiêu sẽ trung hòa carbon vào năm 2025-2026 và tiên phong giảm phát thải khí nhà kính, chung tay cùng Chính phủ đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Ngoài ra, tiếp tục tích cực triển khai thực hiện theo Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 1/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định lộ trình áp dung tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới và Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống và kinh doanh nhiên liệu mức 4, mức 5; Hướng đến mục tiêu cung cấp các sản phẩm xăng dầu chất lượng cao đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 5, Euro 6 và chuyển dịch dần nguồn năng lượng hóa thạch sang dần các nguồn năng lượng phát thải thấp hơn như Biofuel, SAF, Hydrogen, amonia và năng lượng tái tạo.
TIN KHÁC
PVOIL ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số vào kinh doanh xăng dầu(11/10/2024)
Một số thông tin về việc điều hành giá xăng dầu ngày 10/10/2024(10/10/2024)
PVNDB tổ chức Hội nghị khách hàng năm 2024: Chung sức thành công(10/10/2024)
Petrolimex: Công bố Quyết định về chức danh Chủ tịch, Giám đốc Công ty Xăng dầu Nghệ An(10/10/2024)
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Duy trì nguồn cung điện, xăng dầu ổn định cho nền kinh tế(09/10/2024)