Bộ Tài chính tiếp tục lấy ý kiến dự thảo Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường mặt hàng xăng vẫn được giữ nguyên mức tối thiểu 3.000 đồng/lít, tối đa 8.000 đồng/lít.
Tại dự thảo Tờ trình lần này, trước nhiều ý kiến nói rằng thuế bảo vệ môi trường “thu nhiều – chi ít”, Bộ Tài chính giải trình rõ hơn về mức thu - chi cho bảo vệ môi trường.
Bộ Tài chính cho biết: Số thu từ thuế bảo vệ môi trường liên tục tăng qua các năm từ năm 2012 đến năm 2016.
Cụ thể tổng thu thuế bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2016 là gần 106 nghìn tỷ đồng.
Trong đó số thu thuế bảo vệ môi trường từ 2011 đến nay tăng vọt. Năm 2011 số thu chỉ là hơn 11.000 tỷ, thì đến 2016 đã tăng lên hơn 44.323 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 1,36% - 4,27% tổng thu ngân sách nhà nước.
Tại các dự thảo trước đây, Bộ Tài chính cho biết: Trong tổng số hơn 40 nghìn tỷ thu được năm 2016, ngân sách đã chi khoảng 12.290 tỷ đồng, đạt 1% tổng chi ngân sách.
Thu thuế bảo vệ môi trường với xăng chiếm tỷ trọng lớn vào ngân sách. Biểu đồ: Lương Bằng
Điều đó dấy lên quan điểm “thuế bảo vệ môi trường: Thu nhiều, chi ít”.
Tại dự thảo Tờ trình lần này, Bộ Tài chính đã giải thích rõ hơn vấn đề này.
Theo Bộ Tài chính, khoản thu từ thuế bảo vệ môi trường không phải là khoản thu mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp, không quy định sử dụng cho các nhiệm vụ chi cụ thể mà được sử dụng để bố trí, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo quy định,...
Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 quy định các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể.
“Do đó, kinh phí ngân sách nhà nước bố trí cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường có thể bằng hoặc thấp hơn so với số thu thuế bảo vệ môi trường”, Bộ Tài chính phân trần tại dự thảo.
Cụ thể hơn, theo Bộ Tài chính, tổng số chi ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường giai đoạn 2012 - 2016 là gần 132 nghìn tỷ đồng.
Đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường mặt hàng xăng vẫn được Bộ Tài chính giữ nguyên.
Đơn cử, tổng số chi thường xuyên cho bảo vệ môi trường là khoảng 89.131 tỷ đồng. Bao gồm: Chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước bố trí trực tiếp cho sự nghiệp bảo vệ môi trường (không quá 1% tổng chi NSNN) là khoảng 52.420 tỷ đồng. Chi các hoạt động kinh tế của ngân sách trung ương (gồm chi thực hiện các dự án điều tra, đánh giá về đất đai, địa chất khoáng sản, tài nguyên nước, biển và hải đảo…) là khoảng 36.711 tỷ đồng.
Bộ Tài chính khẳng định: Như vậy, trong giai đoạn 2012 - 2016, chi ngân sách nhà nước cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường bình quân là khoảng 26.371 tỷ đồng/năm, cao hơn số thu thuế bảo vệ môi trường (bình quân là khoảng 21.197 tỷ đồng/năm).
Bộ Tài chính lưu ý: Số tiền này bao gồm cả các khoản vay, viện trợ đã đưa vào ngân sách nhà nước để chi thường xuyên cho bảo vệ môi trường hoặc chi đầu tư phát triển bảo vệ môi trường. Tuy nhiên còn chưa tính chi các hoạt động kinh tế, chi đầu tư phát triển, chi dự phòng của ngân sách địa phương cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường và các khoản vay, viện trợ chi trực tiếp cho dự án về bảo vệ môi trường không đưa vào ngân sách nhà nước.
Tại dự thảo Tờ trình, đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường mặt hàng xăng vẫn được Bộ Tài chính giữ nguyên mức tối thiểu 3.000 đồng/lít, tối đa 8.000 đồng/lít (khung thuế hiện tại là 1.000-4.000 đồng/lít).
Hiện mỗi lít xăng đang gánh 3.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường.
TIN KHÁC
Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học(22/11/2024)
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024(21/11/2024)
BSR hoàn thành chỉ tiêu sản lượng sản xuất năm 2024(21/11/2024)
Nghệ An: Đến năm 2030 sẽ có khoảng 7 kho dự trữ, cung ứng xăng dầu, nhiên liệu(21/11/2024)
Kinh doanh xăng dầu giai đoạn 2020-2024: Nhiều gian lận, xử phạt gần 1.000 vụ vi phạm(20/11/2024)