Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định giảm thuế giá trị gia tăng theo Tờ trình của Chính phủ.
Tiếp tục duy trì chính sách giảm 2% thuế VAT
Sáng 13/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.
Cụ thể, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% trong 6 tháng cuối năm 2024 (từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024) và giao Chính phủ tổ chức, thực hiện.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng là phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi, còn nhiều khó khăn, do đó việc tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng sẽ giúp các đối tượng tiêu dùng có động lực chi tiêu, tạo dư địa cho phục hồi sản xuất, kinh doanh.
"Qua đó, cũng tạo động lực cho doanh nghiệp duy trì và đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh để đóng góp trở lại cho ngân sách Nhà nước, cũng như nền kinh tế", bà Thanh nhấn mạnh.
Sáng 13/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, các đại biểu Quốc hội đồng tình cao với tiếp tục duy trì chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng cuối năm.
Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định giảm thuế giá trị gia tăng theo Tờ trình của Chính phủ. "Đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của cơ quan thẩm tra để báo cáo bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, tăng sự thuyết phục của việc giảm thuế trình Quốc hội xem xét, quyết định", ông Hải nêu rõ.
Giảm thu khoảng 24.000 tỷ đồng
Trong giai đoạn 2020 - 2023, các giải pháp chính sách tài chính để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đã được ban hành với tổng trị giá trị của các giải pháp miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, phí, lệ phí và tiền thuê đất) đã lên đến khoảng 700 nghìn tỷ đồng và dự kiến đối.
Đáng chú ý, những giải pháp đã ban hành và thực hiện từ đầu năm 2024 là khoảng 68 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giảm 2% thuế GTGT theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024 khoảng 25 nghìn tỷ đồng; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 theo Nghị quyết số 42/2023/UBTVQH15 ngày 18/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoảng 42,5 nghìn tỷ đồng; Giảm phí, lệ phí khoảng 100 tỷ đồng.
Theo Chính phủ, việc tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về chính sách tài chính thời gian qua đã có tác động tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân được trở lại bình thường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, với mục tiêu đề ra là tốc độ tăng trưởng GDP đạt từ 6 - 6,5%.
Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó dự báo; sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu... Ở trong nước, mặc dù nhiều ngành, lĩnh vực tiếp tục xu hướng phục hồi và có triển vọng tích cực; nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã và đang phát huy hiệu quả nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do vậy, cần tiếp tục có giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước.
Để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, Chính phủ cho rằng, cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành trong năm 2023 và nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho năm 2024 như: tiếp tục xem xét giảm thuế GTGT 2%; gia hạn thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí và giảm tiền thuê đất như đã áp dụng trong năm 2023 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chính phủ cho biết, theo tính toán, việc áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT cho 6 tháng cuối năm 2024 giảm thu khoảng 24 nghìn tỷ đồng (khoảng 4 nghìn tỷ đồng/tháng; trong đó giảm ở khâu nội địa dự kiến là 2,5 nghìn tỷ đồng/tháng và giảm ở khâu nhập khẩu khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng/tháng).
TIN KHÁC
Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học(22/11/2024)
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024(21/11/2024)
BSR hoàn thành chỉ tiêu sản lượng sản xuất năm 2024(21/11/2024)
Nghệ An: Đến năm 2030 sẽ có khoảng 7 kho dự trữ, cung ứng xăng dầu, nhiên liệu(21/11/2024)
Kinh doanh xăng dầu giai đoạn 2020-2024: Nhiều gian lận, xử phạt gần 1.000 vụ vi phạm(20/11/2024)