Tổ điều hành thị trường trong nước họp bàn giải pháp thúc tăng trưởng thị trường nội địa
10:47 SA @ Thứ Sáu - 11 Tháng Tư, 2025

Sáng 10/4, tại Hà Nội, Tổ điều hành thị trường trong nước đã họp phiên thường kỳ quý I/2025, nhằm bàn giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng thị trường nội địa.
Thị trường nội địa đóng vai trò quan trọng.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Hữu Linh – Tổ phó Tổ Điều hành thị trường trong nước, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước – Bộ Công Thương nhấn mạnh, với những khó khăn trên thị trường thời gian vừa qua, đặc biệt là việc Hoa Kỳ quyết định áp thuế đối ứng, tăng trưởng thị trường trong nước trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Vừa qua, Chính phủ đã yêu cầu đẩy mạnh tăng trưởng thị trường nội địa để đạt các mục tiêu tăng trưởng.

Ông Trần Hữu Linh phát biểu tại cuộc họp

“Sau cuộc họp, chúng tôi sẽ có tờ trình Chính phủ kế hoạch phát triển thị trường nội địa, tập trung vào các giải pháp, không chỉ là cơ chế chính sách quá vĩ mô mà tập trung những hành động có thể làm ngay để phát triển thị trường nội địa trong năm 2025 và 2026” – ông Trần Hữu Linh chia sẻ.

Báo cáo tại cuộc họp, bà Lê Thị Hồng – Thường trực Tổ Điều hành thị trường trong nước – Bộ Công Thương thông tin, quý I năm 2025, thị trường hàng hóa trong nước tương đối ổn định, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu vẫn luôn được bảo đảm, giá các mặt hàng không có biến động lớn, thị trường chủ yếu tập trung cho công tác phục vụ Lễ, Tết.

Trong giai đoạn Tết Nguyên đán, công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết được các địa phương, doanh nghiệp chuẩn bị khá tốt, cùng với thời tiết thuận lợi, hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp nên nguồn cung các mặt hàng nhóm thực phẩm, nhất là rau, củ, quả (những nhóm hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết) dồi dào, đa dạng, giá nhóm hàng này những ngày Tết tương đối bình ổn so với năm trước.

"Riêng mặt hàng thịt lợn, trong quý I, giá thịt lợn đã tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước (so với quý I/2024, giá thịt lợn tăng khoảng 10 - 15%)" – bà Hồng cho biết. Đồng thời lý giải, giá thịt lợn tăng là do một số nguyên nhân chính ảnh hưởng đến nguồn cung như: dịch bệnh trên lợn đang trong giai đoạn dễ bùng phát, lây lan; các đơn vị chăn nuôi tập trung xuất chuồng trong giai đoạn trước Tết để được giá tốt nên sau Tết là giai đoạn giáp vụ, nguồn cung giảm cục bộ. Bên cạnh đó là ảnh hưởng của việc nhiều trang trại phải ngừng chăn nuôi để chuyển dịch địa điểm nhằm bảo đảm thực hiện các quy định về điều kiện chăn nuôi theo quy định tại Luật Chăn nuôi (thời hạn cuối cùng bắt buộc thực hiện các điều kiện về chăn nuôi từ 01/01/2025).

Cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước thường kỳ quý I/2025

Theo số liệu của Cục Thống kê – Bộ Tài chính, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 3/2025 đạt 570.913 tỷ đồng, tăng 1,68% so với tháng trước. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa quý I năm 2025 đạt 1.708.252 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2024.

Về CPI, theo số liệu của Cục Thống kê – Bộ Tài chính, CPI tháng 3 giảm 0,03% so với tháng trước. CPI bình quân quý I năm 2025 tăng 3,22% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức tăng hợp lý, trong giới hạn chỉ tiêu Quốc hội giao về kiểm soát lạm phát.

Trước tác động của các chính sách thuế quan của Mỹ, giá cả, cung cầu một số mặt hàng thiết yếu trên thị trường thế giới sẽ có biến động; thị trường xuất khẩu một số nhóm hàng sản xuất trong nước có thể bị ảnh hưởng, theo đó tác động đến thị trường hàng hóa tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, với việc chỉ đạo sát sao của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, thị trường hàng hóa trong nước sẽ không có biến động bất thường, các chính sách kích cầu sẽ giúp hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng sản xuất trong nước, nguồn cung hàng hóa thiết yếu được bảo đảm sẽ giúp ổn định giá cả, lạm phát tiếp tục trong tầm kiểm soát.

Cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước thường kỳ quý I/2025

Kiến nghị nhiều giải pháp

Với những diễn biến trên thị trường, Tổ Điều hành thị trường trong nước đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đã đề ra về các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.

Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường; chủ động và linh hoạt triển khai các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường, thúc đẩy tiêu dùng hàng sản xuất trong nước nhằm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn bảo đảm thực hiện nhiệm vụ kiềm chế lạm phát và an sinh xã hội.

Sở Công Thương các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa nghiêm túc triển khai các nội dung được giao tại Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 04 tháng 4 năm 2025 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng năm 2025.

Về phía Bộ Công Thương, chủ trì/phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị có liên quan triển khai Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 04 tháng 4 năm 2025 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng năm 2025; đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng sản xuất trong nước; kết hợp đẩy mạnh triển khai các biện pháp khuyến khích xuất khẩu, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, hỗ trợ sản xuất hàng hóa trong nước thay thế nhập khẩu; triển khai đồng bộ, hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bên cạnh đó, theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới, chủ động thực hiện/đề xuất các biện pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong công tác điều hành giá xăng dầu theo quy định.

Tổ điều hành cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường đánh giá chính thức tình hình dịch bệnh, nguồn cung sản phẩm thịt lợn trong những tháng tới nhằm tăng nguồn cung cho thị trường nội địa, bình ổn thị trường. Đồng thời, phối hợp với các địa phương thực hiện hiệu quả các biện pháp hỗ trợ người chăn nuôi ổn định sản xuất trên đất chăn nuôi phù hợp với quy định. Bên cạnh đó, các địa phương, bộ, ban, ngành liên quan tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, tránh tình trạng găm hàng, tăng giá; giám sát chặt chẽ và hạn chế tối đa việc buôn bán qua biên giới (do tình trạng chênh lệch giá trong nước và các nước láng giềng) tránh tình trạng lây lan dịch bệnh trong nước.

Về phía doanh nghiệp, ông Trịnh Quang Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết cần đẩy mạnh sử dụng nhiên liệu sinh học, sử dụng nhiên liệu đáp ứng các yêu cầu khí thải.

Đối với vấn đề thịt lợn, ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, bộ đã có cuộc họp về vấn đề thịt lợn, trong đó đưa ra giải pháp gia tăng nguồn cung từ việc tái đàn, tăng nhập khẩu để hạ nhiệt giá thịt lợn trong nước.

Đối với các địa phương, theo chia sẻ tại cuộc họp, các địa phương đã và đang triển khai mạnh mẽ các giải pháp về xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng nhằm đạt mục tiêu về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng như Bộ Công Thương đã giao tại Chỉ thị 08 ngày 04 tháng 4 năm 2025.

Nguồn: