Mới đây, Chính phủ Singapore có kế hoạch yêu cầu tất cả chuyến bay khởi hành từ Singapore phải sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) từ năm 2026, nhằm thúc đẩy nỗ lực chuyển sang dùng nhiên liệu xanh của ngành hàng không toàn cầu.
Cục Hàng không dân dụng Singapore cũng đã có kế hoạch áp dụng thuế SAF để bảo đảm chi phí cho các hãng hàng không và khách du lịch. Việc này được dự báo có thể khiến giá vé các chuyến bay từ Singapore đến các điểm đến khác trên toàn thế giới tăng lên.
SAF hiện chiếm 0,2% thị trường nhiên liệu máy bay, có giá cao gấp 2 - 3 lần, tùy thời điểm có thể cao hơn đến 5 - 6 lần so với nhiên liệu máy bay truyền thống. Để nâng mức sử dụng SAF lên 65% vào năm 2050, sẽ đòi hỏi khoản chi ước tính từ 1.450 tỉ USD đến 3.200 tỉ USD. Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) mà Vietnam Airlines là thành viên cũng cam kết Net Zero vào năm 2050.
Tuy nhiên, thách thức lớn hơn cả của ngành hàng không để đạt được Net Zero chính là sử dụng nhiên liệu sạch. Theo các chuyên gia, trên thế giới hiện mới sản xuất 0,1% nhu cầu của các hãng hàng không sử dụng. "Đây là một thách thức đối với ngành hàng không và cũng sẽ là một phần cấu thành của giá vé trong tương lai nếu như không có các hỗ trợ và tham gia của tất cả các bên… để tìm ra phương pháp và cách làm phù hợp giảm được chi phí và tăng được sản lượng của SAF. Có như vậy, chúng ta sẽ tiến tới thực hiện mục tiêu này sớm và tốt nhất" - Tổng Giám đốc Lê Hồng Hà chia sẻ.
Cuối tuần qua, ông Koshio Katsuhiko, Chủ tịch Tập đoàn Toyo, cùng các cộng sự của Tập đoàn JGC Holdings (Nhật Bản) đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng. Ông Koshio cho biết tập đoàn này đã làm việc với Cục Hàng không Việt Nam và trao đổi các vấn đề hợp tác, trong đó có năng lượng bền vững của ngành hàng không.
Đại diện JGC Holdings cho biết tập đoàn này đang là chủ đầu tư dự án SAF tại Nhật Bản (dự kiến hoàn thành năm 2025). Với đề xuất triển khai dự án tại Việt Nam, JCG Holdings cho rằng có 3 vấn đề cần quan tâm là nguyên liệu, công nghệ và chi phí. Trong đó, công tác nghiên cứu để xác định các vấn đề này sẽ mất khoảng 4 - 6 tháng với mức vốn đầu tư từ 200.000 - 300.000 USD. Sau đó, tập đoàn sẽ lập kế hoạch tổng thể để xác định từng vấn đề cụ thể trong thời gian hơn 1 năm với chi phí khoảng 1 triệu USD.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, giá thành của SAF hiện vẫn còn khá cao là thách thức của các hãng hàng không khi triển khai sử dụng SAF, gián tiếp làm tăng giá vé máy bay. Bộ trưởng đánh giá cao kế hoạch sản xuất SAF tại Việt Nam sử dụng nguồn nguyên vật liệu trong nước.
Bộ trưởng giao Cục Hàng không làm đầu mối phối hợp với Tập đoàn Toyo và JGC Holdings trong quá trình triển khai dự án sản xuất nhiên liệu SAF tại Việt Nam, thúc đẩy hợp tác với các hãng hàng không Việt Nam như Vietnam Airlines, Vietjet Air.
TIN KHÁC
Một số nội dung còn có ý kiến khác nhau tại Dự thảo nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu(25/11/2024)
Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học(22/11/2024)
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024(21/11/2024)
BSR hoàn thành chỉ tiêu sản lượng sản xuất năm 2024(21/11/2024)
Nghệ An: Đến năm 2030 sẽ có khoảng 7 kho dự trữ, cung ứng xăng dầu, nhiên liệu(21/11/2024)