Vietravel Airlines vừa có kiến nghị gửi Thủ tướng loạt giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các hãng bay, trong đó có miễn thuế nhập khẩu nhiên liệu hàng không.
Theo đó, hãng bay đã gửi Chính phủ 5 kiến nghị nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho ngành hàng không, để có thể dần hồi phục trong năm 2022. Vietravel đề xuất Bộ Tài chính, Bộ giao thông Vận tải cùng các cơ quan chức năng xem xét giảm mức thuế nhập khẩu với nhiên liệu hàng không xuống 0%, thay vì 7% như hiện nay.
Đồng thời hãng cũng kiến nghị giảm thuế môi trường về 1.000 đồng mỗi lít đến hết năm nay. Hiện tại, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 1.500 đồng/lít. Đây là mức đã được giảm 50% từ đầu năm nay đến hết 31/12 để hỗ trợ doanh nghiệp hàng không theo Nghị quyết của Quốc hội cuối năm ngoái.
Theo doanh nghiệp, chi phí nhiên liệu chiếm hơn 30% trên tổng chi phí hoạt động của hãng bay. Trong khi đó, giá nhiên liệu bay Jet-A1 đang có xu hướng tăng cao (hiện tại khoảng 94,5 USD một thùng). Do đó, Vietravel Airlines cũng đề nghị bổ sung điều khoản cho phép hãng hàng không được chủ động áp dụng phụ thu nhiên liệu với các đường bay nội địa nếu giá Jet-A1 tăng từ 100 USD/thùng trở lên.
Vietravel Airlines kiến nghị miễn thuế nhập khẩu nhiên liệu bay cũng như đề xuất việc được vay ưu đãi 0% tương tự như trường hợp của Vietnam Airlines. Ảnh: Hoàng Hà.
Bên cạnh đó, Vietravel Airlines cũng cho biết hiện dòng tiền của ngành hàng không đang bị cạn kiệt sau thời gian dài “ngủ đông”. Nếu không có sự hỗ trợ, giải cứu của Nhà nước, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ gặp rủi ro thanh khoản như nợ ngắn hạn, nợ nhà cung cấp, trả lương cho người lao động. "Chính vì thế, Vietravel Airlines kiến nghị Chính phủ tung gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp Hàng không vay với mức lãi suất 0% hoặc lãi suất ưu đãi với thời gian trả nợ dài hạn 3-5 năm", hãng bay nêu rõ mong muốn được tiếp cận gói vay ưu đãi.
Cũng theo Vietravel Airlines, từ đầu tháng 1 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam duy trì ở mức cao, thậm chí có thời điểm tăng 425% so với cùng kỳ 2021, theo dữ liệu từ Google Destination Insights. Tuy nhiên, doanh nghiệp này nhận định, những khó khăn với ngành hàng không chưa sớm kết thúc.
"Ngành hàng không sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn khác như chi phí nhiên liệu tăng, lạm phát, cũng như kinh tế có khả năng phục hồi chậm khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn", Vietravel Airlines cho hay.
Trước đó, Vietnam Airlines vừa gửi Bộ GTVT và Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng giá trần vé máy bay từ 1/4 và cho phép hãng phụ thu nguyên liệu. Hãng hàng không quốc gia cho rằng mức giá trần khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không quy định tại Thông tư 17/2019 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Giá dịch vụ vận chuyển khách nội địa đang được thực hiện theo cơ chế giá linh hoạt, gồm dải giá với nhiều mức từ thấp đến cao tùy theo điều kiện vé, thời điểm xuất vé và tình hình thị trường.
TIN KHÁC
Bộ Công Thương tổ chức hội nghị rà soát, đánh giá thực hiện lộ trình phối trộn nhiên liệu sinh học(20/09/2024)
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long làm việc với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam(20/09/2024)
Một số thông tin về việc điều hành giá xăng dầu ngày 19/9/2024(19/09/2024)
Bộ Công Thương: Đảm bảo cung ứng xăng dầu trong năm 2024(19/09/2024)
5 tháng cuối năm sẽ sản xuất và nhập khẩu 10,6 triệu tấn xăng dầu(18/09/2024)