Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng Nghị định 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu mới được Chính phủ ban hành chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài cần xây dựng nghị định mới nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia vừa vận hành theo cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu tiệm cận với kinh tế thị trường.
PV:Để khắc phục hạn chế, bất cập trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, Chính phủ ban hành Nghị định 80/2023/NĐ-CP (Nghị định 80) sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP (95) và Nghị định 83/2014/NĐ-CP (83). Sau hơn 2 tháng thực hiện, ông có đánh giá như thế nào về tác động của Nghị định 80 đến hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện nay?
Ông Bùi Ngọc Bảo:Nghị định 80 mới được ban hành, cùng với một số điều chỉnh về công thức tính giá, bãi bỏ loại hình tổng đại lý, về thời gian điều hành, công bố giá xăng dầu, bước đầu đã đi vào cuộc sống, giải quyết được một số khúc mắc trong hoạt động kinh doanh mặt hàng chiến lược này.
Điểm nổi bật nhất là quy định của Nghị định 80 cũng có một số thay đổi như: điều chỉnh rút chi phí tạo nguồn từ 6 tháng còn 3 tháng; thời gian điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu được rút xuống còn 7 ngày (ấn định vào thứ năm hàng tuần) thay cho 10 ngày trước đây. Trường hợp ngày thứ Năm trùng vào ngày đầu tiên của dịp nghỉ lễ, thời gian điều hành giá thực hiện vào ngày thứ Tư liền kề trước đó. Nếu ngày thứ Năm trùng vào các ngày nghỉ lễ còn lại, thời gian điều hành giá thực hiện vào ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ. Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng quyết định thời gian điều hành giá cho phù hợp.
Sửa đổi này giúp cho giá thị trường xăng dầu bán lẻ trong nước tiệm cận dần với giá xăng dầu thay đổi trên thị trường quốc tế hàng ngày.
Nghị định mới cũng cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được mua xăng dầu từ tối đa ba nguồn, thay vì chỉ một nguồn duy nhất như cũ. Quy định này nhằm tạo cạnh tranh về chiết khấu xăng dầu trên thị trường, đồng thời tăng tính chủ động cho các đại lý bán lẻ xăng dầu trong việc tạo nguồn, cung ứng xăng dầu.
Đáng chú ý, Nghị định 80 cũng bãi bỏ loại hình tổng đại lý bán lẻ xăng dầu nhằm giảm bớt khâu trung gian trong hệ thống phân phối xăng dầu.
Theo tôi, Nghị định 80 vừa ban hành mặc dù mới chỉ dừng lại ở việc điều chỉnh sửa đổi một số điểm, chưa khắc phục hết được các bất cập tồn tại hiện nay của thị trường xăng dầu, song theo các nội dung sửa đổi nêu trên trước mắt giúp làm tăng cơ chế thị trường của mặt hàng này. Về lâu dài cần xây dựng nghị định mới nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia vừa vận hành theo cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu tiệm cận với kinh tế thị trường.
PV:Ông có đề cập Nghị định 80 mới sửa một phần, tới đây cần sửa tổng thể hơn, toàn diện hơn, ông có thể nói rõ hơn vấn đề này?
Ông Bùi Ngọc Bảo: Bộ Công Thương vừa có Văn bản 06/BCT-TTTN đề nghị các sở công thương địa phương góp ý để xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu để trình Chính phủ trong quý II/2024.
Tại nghị định mới này, cần được tiếp cận theo hướng đã đến lúc chúng ta cho phép hoạt động kinh doanh xăng dầu tiệm cận thực sự với giá thị trường thế giới hay chưa. Muốn thực sự tiệm cận giá thị trường thế giới thì nghị định kinh doanh xăng dầu sẽ phải sửa rất nhiều.
Thứ nhất là phải sửa các quy định quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu. Đây là lĩnh vực quan trọng ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, sự phát triển kinh tế và dân sinh, vì vậy vai trò quản lý của nhà nước cần được thể hiện rõ. Vấn đề đặt ra là tiệm cận với giá thị trường thì công cụ quản lý nhà nước đến mức độ nào vừa đủ đảm bảo thị trường minh bạch, cạnh tranh vừa đảm bảo những yếu tố về an ninh năng lượng.
Thứ hai, theo tôi, cần gỡ bỏ những quy định mà trước đây kinh doanh xăng dầu được quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Những điều kiện này cần quy định lại cho sát với thực tế. Điều kiện nào mang tính chất hành chính quá cần được nghiên cứu bãi bỏ.
Thứ ba là về cơ chế để đảm bảo cho hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, các khoản đóng góp vào ngân sách nhà nước một cách hài hòa.
Việc thay thế nghị định 83, 95 và 80 hiện tại sẽ phụ thuộc nhiều vào quan điểm của Chính phủ trong việc điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu.
PV:Theo quan điểm hiện nay, xăng dầu là mặt hàng nhà nước quản lý liên quan đến an ninh năng lượng, theo ông để hoạt động kinh doanh xăng dầu tiệm cận với cơ chế thị trường chúng ta cần giải quyết vấn đề này thế nào?
Ông Bùi Ngọc Bảo: Quản lý ở đây có rất nhiều phạm trù, trong đó có quản lý nhà nước về an ninh năng lượng. Đây là vấn đề cốt lõi mà bất cứ quốc gia nào cũng phải quản lý.
Lâu nay chúng ta đã cố gắng quản lý vừa đảm bảo an ninh năng lượng vừa đảm bảo kìm giá thấp nên tại nhiều thời điểm doanh nghiệp lỗ, khó khăn dẫn đến đứt gãy nguồn cung cục bộ, không vận hành theo cơ chế thị trường. Khúc mắc này cũng chính là nguyên nhân dẫn đến đứt gãy nguồn cung, nhiều doanh nghiệp găm giữ hàng, không bán.
Như vậy, tại nghị định mới cần được nghiên cứu xây dựng các quy định làm sao để vừa đảm bảo được an ninh năng lượng vừa hài hòa được yếu tố kinh tế thị trường.
PV:Xin cảm ơn ông!
Lập hóa đơn điện tử từng lần bán xăng dầu là cần thiết
Theo ông Bùi Ngọc Bảo để nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh xăng dầu cùng với việc khẩn trưởng xây dựng nghị định mới thay thế cho Nghị định 80 và các nghị định hiện hành liên quan đến lĩnh vực này, thì việc thực hiện có hiệu quả yêu cầu lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo từng lần bán hàng (theo quy định của Chính phủ tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP) là cần thiết.
Cụ thể, Nghị định 123 yêu cầu người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Nghị định 80 về kinh doanh xăng dầu cũng quy định bán lẻ xăng dầu phải áp dụng hóa đơn điện tử.
TIN KHÁC
BSR hoàn thành chỉ tiêu sản lượng sản xuất năm 2024(21/11/2024)
Nghệ An: Đến năm 2030 sẽ có khoảng 7 kho dự trữ, cung ứng xăng dầu, nhiên liệu(21/11/2024)
Kinh doanh xăng dầu giai đoạn 2020-2024: Nhiều gian lận, xử phạt gần 1.000 vụ vi phạm(20/11/2024)
Bộ Tài chính đề xuất giảm tiếp thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2025(20/11/2024)
Petrolimex đào tạo, nâng cao kỹ năng Kiểm soát viên năm 2024(15/11/2024)