Sáng 14/5 tại Hà Nội, Ban Pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức hội thảo 'Góp ý dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu'.
Khai mạc hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế, Phó Tổng thư ký VCCI cho biết, hiện tại, Bộ Công Thương đang chủ trì soạn thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu để thay thế Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP. Nội dung được sửa đổi, bổ sung quy định lần này là về:nguyên tắc điều hành, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu; giá bán xăng dầu tối đa; quỹ bình ổn giá xăng dầu; hệ thống kinh doanh xăng dầu; tỷ lệ sở hữu vật chất kinh doanh; điều kiện đối với thương nhân đầu mối kinh doanh (kinh nghiệm, năng lực thực hiện tổng nguồn xăng dầu, kho chứa);…
Để bảo đảm tính hợp lý, khả thi của văn bản, bảo đảm quyền và lợi ích của doanh nghiệp là lý do tổ chức buổi hội thảo nhằm ghi nhận và tổng hợp các ý kiến, phản biện từ cộng đồng xã hội đối với những văn bản quy phạm pháp luật có ảnh hưởng và tác động to lớn tới đời sống người dân và nền kinh tế.
Tại hội thảo, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho hay, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; đáp ứng cho nhu cầu sử dụng trong nước, Bộ Công Thương đã và đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng Nghị định mới thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu trước đây và dự kiến trình Chính phủ trong Quý II năm 2024.
Dựa trên nguyên tắc, đảm bảo hài hòa lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; gắn trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu tiêu thụ nội địa; giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp và xây dựng môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; đồng thời, kế thừa những quy định của cơ chế kinh doanh xăng dầu hiện hành và bổ sung mới các quy định phù hợp với tình hình thực tiễn kinh doanh xăng dầu nên dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lần này đã có sự điều chỉnh, bổ sung một số nội dung mới như về công thức và cơ chế xăng dầu, quỹ bình ổn giá xăng dầu, hệ thống kinh doanh xăng dầu, các điều kiện kinh doanh như kho chứa xăng dầu, kế nối dữ liệu, kinh nghiệm tham gia thị trường xăng dầu và bổ sung quy định về năng lực thực hiện tổng nguồn xăng dầu của thương nhân đầu mối mới tham gia thị trường xăng dầu cùng các điều kiện khác....
Tại sự kiện, PGS,TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế cho biết, về cơ bản những quy định mới và bổ sung khá rõ ràng, khắc phục những tồn tại bất cập trong quản lý kinh doanh xăng dầu. Cụ thể như đã giao quyền quyết định cho doanh nghiệp; nâng mức dự trữ thương nhân đầu mối lên 30 ngày; nâng các quy định liên quan đến điều kiện như 3 năm là thương nhân phân phối mới chuyển sang thương nhân nhượng quyền; tiêu chí xác định hạn mức tối thiểu của thương nhân đầu mối cần phải đảm bảo có 100.000 m3/tấn, tiêu chí đồng sở hữu cửa hàng; xác định thêm 1 loại kênh phân phối bán lẻ hay còn gọi là mua bán trực tiếp; các thương nhân đầu mối không mua bán xăng, dầu lẫn nhau và việc số hóa, kết nối dữ liệu kinh doanh xăng dầu giưa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Long, quy định cần xem xét lại và làm rõ 1 số điểm như hướng dẫn cụ thể loại hình thương nhân bán lẻ xăng dầu và đối tượng này có được mua xăng dầu từ nhiều nguồn hay không? Quản lý Thương hiệu thế nào? Nhà cung cấp có chịu trách nhiệm về chất lượng, số lượng xăng dầu như các hàng hóa khác không, khi có hữu sự ?
Về điều kiện đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, ông Trí Long đề xuất, làm rõ năng lực của các phương tiện vận tải như loại hình, số lượng, dung tích vận tải,..
Về đối tượng được thực hiện dự trữ lưu thông xăng dầu là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân sản xuất xăng dầu, theo ông Trí Long, cần bổ sung thêm thương nhân phân phối xăng dầu cũng là đối tượng phải tham gia dự trữ. Bởi, thương nhân phân phối được phép ký với nhiều thương nhân đầu mối và có dung tích kho tối thiểu 2000 m3. Do vậy, cần phải có nguồn hàng dự trữ tối thiểu để đảm bảo ổn định nguồn cung cho hệ thống phân phối của mình trong mọi tình huống, nhất là trong bối cảnh chưa có kho dự trữ lớn xăng dầu quốc gia, đồng thời chia sẻ bớt cho dự trữ của thương nhân đầu mối.
Đại diện tiếng nói doanh nghiệp, bà Trần Thụy Thùy Trâm, Giám đốc Công ty TNHH TM Đoan Việt cho biết, cùng với nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh và cả nước nói chung, đã nhiều lần gửi kiến nghị lên Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Liên Bộ và Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, nêu những bất cập khó khăn, gây gián đoạn nguồn cung trong kinh doanh xăng dầu; đồng thời, góp ý để sửa đổi, bổ sung nghị định mới, nhằm phù hợp với tình hình kinh doanh theo cơ chế thị trường, không để gián đoạn nguồn cung, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân.
Trên cơ sở dự thảo, doanh nghiệp cho rằng, cần thiết phải đưa “định mức kinh doanh” hay còn gọi là “chiết khấu” vào dự thảo Nghị định mới và phân rõ định mức ở các khâu như đầu mối, thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Hiện nay, định mức kinh doanh có thể thấy, nằm ở cơ sở tính giá từ phía đầu mối. Nhưng, về đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu lại không có phần này. Trong khi đây là doanh nghiệp trực tiếp đưa sản phẩm thiết yếu tới tay người tiêu dùng. Mặc dù là quy mô bán lẻ, nhưng các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng chịu đủ tất cả các chi phí như doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối.
Đại diện Công ty TNHH TM Đoan Việt cũng kiến nghị, chiết khấu tối thiểu ở khâu doanh nghiệp bán lẻ là 5.6% để đạt điểm hòa vốn và có lợi nhuận là từ 6-7%. Chi phí này tách rõ rạch ròi 3 khâu; trong đó, chi phí cho doanh nghiệp bán lẻ từ 6-7% và không thấp hơn 5%.
Tương tự, ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Nai cho hay, đại diện cho cộng đồng 150 doanh nghiệp là thương nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu theo danh sách gửi kèm muốn bày tỏ sự hoan nghênh với những nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc soạn thảo một Nghị định mới để trình Chính phủ ban hành về quản lý kinh doanh xăng dầu nhằm thay thế các văn bản pháp luật hiện hành cho dù hiện tại đã không còn phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế cũng như tình hình thực tế của thị trường.
Thực tế, trong nhiều năm qua đã có nhiều bất cập về thể chế pháp luật và cơ chế quản lý, thậm chí đã có thời điểm khan hiếm xăng dầu đến mức độ khủng hoảng, gây nhiều hậu quả tiêu cực. Đó là các thiệt hại cho nền kinh tế, an ninh xăng dầu của đất nước không được bảo đảm, đặc biệt các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không được tạo điều kiện và môi trường kinh doanh thuận lợi để cùng cạnh tranh bình đẳng, cùng tồn tại và phát triển bền vững trên thương trường nhằm phục vụ tốt nhất lợi ích của xã hội và người tiêu dùng.
Chính vì thế, việc sửa đổi các văn bản pháp luật không còn phù hợp để ban hành các quy định và khung pháp luật mới cho hoạt động kinh doanh xăng dầu là cần thiết. Hơn bao giờ hết, cộng đồng doanh nghiệp cũng như cả xã hội và người tiêu dùng đều trông đợi và hy vọng các đổi mới căn bản có tính đột phát từ Nghị định mới đang được Bộ Công Thương soạn thảo để trình Chính phủ ban hành.
Căn cứ vào nội dung dự thảo Nghị định mới, ông Tấn Phụng cho rằng, dự thảo vẫn giữ cách tiếp cận và phương pháp cũ đã không còn phù hợp từ bối cảnh thực tế cách đây hơn mười năm của Nghị định 83/2014. Thứ nhất, không xác định đúng tính chất hàng hóa của xăng dầu không phải là hàng cấm, hàng hạn chế kinh doanh, hàng nhà nước độc quyền sản xuất, kinh doanh mà chỉ là hàng hóa đặc thù thuộc diện “kinh doanh có điều kiện” theo thị trường.
Thứ hai, thị trường sản xuất, kinh doanh xăng dầu đã trở nên tự do và mở cửa cho doanh nghiệp mọi thành phần, trong đó có cả đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, bởi vì xác định cả tính chất mặt hàng lẫn thị trường không đúng và phù hợp nên dự thảo nghị định tiếp tục phân chia thị trường, phân loại các doanh nghiệp bao gồm thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và thương nhân bán lẻ, đi kèm theo đó là các địa vị pháp lý, quyền, nghĩa vụ, lợi ích và chế độ đối xử, quản lý từ phía Nhà nước khác nhau. Đáng lưu ý là thương nhân đầu mối (thuộc thiểu số trong số lượng hàng nghìn doanh nghiệp) được xếp hạng cao nhất có vị trí riêng với nhiều đặc quyền, tiếp đến là thương nhân phân phối và cuối cùng là thương nhân bán lẻ. Quan điểm và cách tiếp cận về chính sách và quản lý như trên rõ ràng là sự áp đặt duy ý chí và mang tính phân biệt đối xử, hạn chế các quyền tự do, chủ động kinh doanh của doanh nghiệp. Điều đó hoàn toàn trái với tình thần cơ bản của Luật Doanh nghiệp...
TIN KHÁC
Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học(22/11/2024)
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024(21/11/2024)
BSR hoàn thành chỉ tiêu sản lượng sản xuất năm 2024(21/11/2024)
Nghệ An: Đến năm 2030 sẽ có khoảng 7 kho dự trữ, cung ứng xăng dầu, nhiên liệu(21/11/2024)
Kinh doanh xăng dầu giai đoạn 2020-2024: Nhiều gian lận, xử phạt gần 1.000 vụ vi phạm(20/11/2024)