Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã kêu gọi các thành viên và đồng minh phản đối mọi nỗ lực trong các cuộc đàm phán tại COP28 để hướng tới loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trong văn bản thỏa thuận cuối cùng.
Theo hãng tin Reuters, ngôn từ mô tả tương lai của nhiên liệu hóa thạch được sử dụng trong văn bản thỏa thuận cuối cùng đã trở thành vấn đề gây tranh cãi nhất tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28).
Các thành viên của OPEC kiểm soát gần 80% trữ lượng dầu của thế giới và khoảng 1/3 sản lượng dầu hàng ngày trên toàn cầu. Bên cạnh đó, nhóm OPEC+, bao gồm các đồng minh như Nga và Kazakhstan, thậm chí còn kiểm soát thị phần lớn hơn trong trữ lượng và sản xuất dầu thô toàn cầu, lần lượt là khoảng 90% và 40%.
Các thành viên phụ thuộc rất nhiều vào doanh thu từ dầu khí và đây cũng là nguồn thu nhập chính của họ.
Doanh thu từ dầu mỏ chiếm trung bình 75% tổng doanh thu ngân sách của Saudi Arabia, nước dẫn đầu OPEC, và chiếm khoảng 40-45% GDP của nước này. Đối với các thành viên OPEC+ khác, tỷ trọng dầu khí trong GDP dao động từ 16% đến 50%. Doanh thu xuất khẩu dầu ròng của OPEC đạt 888 tỷ USD vào năm 2022, tăng 43% so với năm 2021.
Do đó, bất kỳ văn bản nào kêu gọi loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch đều đe dọa đến mô hình xây dựng nền kinh tế của các quốc gia sản xuất dầu khí trên.
Quan điểm của OPEC trong cuộc tranh luận về chuyển đổi năng lượng
Trong một bức thư gửi ngày 6/12 tới các thành viên OPEC và các đồng minh trong khuôn khổ COP28, Tổng thư ký OPEC Haitham Al Ghais cho biết thế giới nên nhắm mục tiêu vào lượng khí thải thay vì nhiên liệu hóa thạch. Ngày 8/12, ông cho hay các nước đang phát triển nên được phép khai thác trữ lượng nhiên liệu hóa thạch. “Việc chuyển đổi năng lượng phải công bằng và toàn diện”, ông Al Ghais nhấn mạnh.
OPEC tin rằng nhu cầu dầu sẽ tăng từ mức 102 triệu thùng/ngày hiện nay lên 116 triệu thùng/ngày vào năm 2045. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế nhận thấy nhu cầu dầu sẽ giảm xuống 93 triệu thùng/ngày vào năm 2030 và 55 triệu thùng/ngày vào năm 2050.
Khác biệt lớn giữa hai dự báo cho thấy các bên không đồng thuận về quan điểm liên quan mức đầu tư cần thiết vào nhiên liệu hóa thạch để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai. Nhu cầu dầu giảm sẽ làm giảm thu nhập trong tương lai của các nước sản xuất dầu và ảnh hưởng đến nền kinh tế của họ.
OPEC cảnh báo cần có một khoản đầu tư khổng lồ để đáp ứng nhu cầu dầu khí hiện tại và tương lai, đồng thời việc gửi các tín hiệu chính sách không khuyến khích đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt và tăng giá năng lượng, ảnh hưởng đến các quốc gia nghèo còn đang phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.
Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) là quốc gia Arab thứ hai tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí hậu sau Ai Cập vào năm 2022 và là thành viên OPEC. UAE đã nói rằng việc giảm dần nhiên liệu hóa thạch là không thể tránh khỏi và cần thiết, nhưng phải là một phần của kế hoạch chuyển đổi năng lượng toàn diện, được cân nhắc kỹ lưỡng, phù hợp với hoàn cảnh của từng quốc gia và khu vực.
OPEC+ gặp phải thách thức gì?
Một số thành viên OPEC+, như UAE, đã đạt được tiến bộ trong việc đa dạng hóa hoạt động ngoài dầu mỏ bằng cách phát triển du lịch và dịch vụ tài chính. Nhưng UAE vẫn sẽ mất một nửa thu nhập ngân sách nếu không có dầu mỏ.
Đối với những quốc gia này, việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch cũng sẽ gây rủi ro cho giá trị trữ lượng dầu. Nhu cầu sụt giảm nhanh chóng có thể dẫn đến trữ lượng dầu khí lớn nhất trở thành “tài sản mắc kẹt”.
Các thành viên OPEC+ nhỏ như Nigeria, Algeria, Angola và Libya có trữ lượng chất lượng thấp hơn. Họ cũng phụ thuộc nhiều vào các công ty năng lượng lớn của phương Tây để sản xuất dầu, khiến các quốc gia này gián tiếp phụ thuộc vào mức độ sẵn lòng tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch mới của các ngân hàng lớn trên toàn cầu.
Helima Croft, nhà phân tích của RBC Capital Markets, đánh giá: “Vai trò tương lai của dầu và khí đốt trong cơ cấu năng lượng vẫn chưa được giải quyết. Các cuộc tranh luận về giai đoạn loại bỏ hoàn toàn/giảm dần đã được chứng minh là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong hội nghị toàn cầu”.
TIN KHÁC
Nghệ An: Đến năm 2030 sẽ có khoảng 7 kho dự trữ, cung ứng xăng dầu, nhiên liệu(21/11/2024)
Ba lỗ hổng lớn trong chính sách dầu mỏ của G7 giúp Nga lách lệnh trừng phạt(20/11/2024)
Giá dầu tăng hơn 3% do hoạt động sản xuất gián đoạn(19/11/2024)
Bộ Công Thương làm việc với Trung tâm Nhiên liệu Xanh Toàn cầu về phát triển nhiên liệu sinh học(14/11/2024)
Ông Lương Hồ Anh được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex(13/11/2024)