Giá dầu thế giới tăng nhẹ trong phiên giao dịch đầy biến động hôm 19/9, do nỗi sợ triển vọng nguồn cung thắt chặt đã vượt qua lo ngại về nhu cầu dầu toàn cầu.
Giá dầu thế giới đi lên do nỗi lo về nguồn cung. Ảnh: AFP/ TTXVN
Phiên này, giá dầu Brent giao tháng 11/2022 tăng 65 xu Mỹ (tương đương 0,7%) lên 92 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 10/2022 cũng tiến 62 xu Mỹ (0,7%) lên 85,73 USD/thùng.
Một tài liệu nội bộ cho thấy Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất dầu liên minh (được gọi là OPEC +) đã không đạt mục tiêu sản xuất 3,583 triệu thùng dầu/ngày vào tháng Tám. Vào tháng 7, OPEC+ cũng đã bỏ lỡ mục tiêu 2,892 triệu thùng/ngày.
Ông Andrew Lipow, Chủ tịch của công ty tư vấn ngành năng lượng Lipow Oil Associates (Mỹ) cho biết việc kết quả khảo sát sản lượng của OPEC+ thấp hơn rất nhiều so với hạn ngạch đề ra trong tháng Tám khiến thị trường cảm thấy khối này đơn giản là không thể tăng sản lượng theo yêu cầu.
Bên cạnh đó, nhiều nhà giao dịch một lần nữa tỏ ra thận trọng chờ đợi cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần này. Hiện thị trường đang đặt cược vào khả năng Fed tăng lãi suất thêm tới 1 điểm phần trăm trong cuộc họp kéo dài hai ngày 20 – 21/9.
Lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên, khiến các tài sản được định giá bằng đồng tiền này như dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Ngoài lãi suất, giá dầu cũng chịu áp lực đi xuống từ hy vọng cuộc khủng hoảng cung cấp khí đốt của châu Âu giảm bớt.
Thị trường cũng bị ảnh hưởng từ những dự báo về nhu cầu yếu hơn, chẳng hạn như dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vào tuần trước rằng quý IV/2022 sẽ không ghi nhận tăng trưởng trong nhu cầu năng lượng.
Dù vậy, vẫn có các yếu tố hỗ trợ giá dầu. Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ (Australia) cho biết “vàng đen” vẫn có thể tăng khi các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với dầu của Nga có hiệu lực. Do nguồn cung bị gián đoạn từ đầu tháng 12/2021, thị trường sẽ khó có thể thấy bất kỳ phản ứng nhanh chóng nào từ các nhà sản xuất Mỹ.
Ngoài ra, giới phân tích lưu ý việc Trung Quốc nới lỏng các hạn chế phòng dịch COVID-19 – yếu tố vốn đã làm giảm triển vọng nhu cầu ở nước tiêu thụ năng lượng nhiều thứ hai thế giới - cũng có thể mang lại sự lạc quan phần nào trong giai đoạn tới./.
TIN KHÁC
Xuất khẩu nhiên liệu của Nga đạt mức cao nhất trong tám tháng(29/11/2024)
Căng thẳng gia tăng ở Trung Đông đẩy giá dầu tăng(29/11/2024)
Giá dầu thế giới biến động nhẹ trong phiên 27/11(28/11/2024)
OPEC+ có thể duy trì mức cắt giảm sản lượng dầu(27/11/2024)
Giá dầu thế giới nối dài đà giảm(27/11/2024)