Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết giá hàng hóa nguyên liệu thế giới vừa trải qua một tuần giảm sâu (2-8/9).
Lực bán rất mạnh kéo chỉ số MXV-Index rơi gần 3,5% xuống 2.061 điểm – thấp hơn cả mức đáy trong gần 4 năm đã được ghi nhận vào tháng 6/2023. Đóng cửa tuần, ngoại trừ thị trường nông sản giữ được đà phục hồi, các nhóm hàng còn lại đều sụt sâu. Trong đó, nhiều mặt hàng năng lượng và kim loại cơ bản chứng kiến giá lao dốc từ 3-10%.
Giá dầu lao xuống mức đáy trong 9 tháng
Kết thúc tuần giao dịch 2-8/9, giá dầu ghi nhận 5 phiên giảm liên tiếp dưới lo ngại tăng trưởng tiêu thụ dầu toàn cầu giảm tốc bất chấp tín hiệu gia hạn chính sách cắt giảm sản lượng trong tháng 10 và tháng 11 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+).
Kết tuần, dầu thô WTI giảm 7,99% xuống mức 67,67 USD/thùng, dầu thô Brent giảm 7,63% xuống mức 71,06 USD/thùng - mức thấp nhất trong vòng 9 tháng qua.
Báo cáo việc làm tháng 8 của Mỹ làm gia tăng mối lo về một thị trường việc làm đang suy yếu, tín hiệu của việc tăng trưởng kinh tế giảm tốc. Bộ Lao động Mỹ cho biết khu vực phi nông nghiệp của nước này chỉ có thêm 142.000 công việc mới trong tháng 8, thấp hơn nhiều so với con số dự báo 161.000 công việc mới mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Mặc dù, tỷ lệ thất nghiệp giảm 0,1 điểm phần trăm so với tháng trước, còn 4,2%, mức phù hợp với mục tiêu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng không thể xoa dịu đi đà bán tháo trên thị trường.
Những áp lực liên tiếp trên thị trường trong thời gian vừa qua cũng được Citi Bank cảnh báo. Ngân hàng này đã hạ dự báo giá dầu trung bình thế giới xuống mức 60 USD/thùng trong năm sau do nhu cầu giảm và nguồn cung tăng từ các nước ngoài OPEC.
Thêm vào đó, các vấn đề tranh chấp tại Libya dần được giải quyết với việc các cơ quan lập pháp của Libya đã đồng ý bổ nhiệm một thống đốc ngân hàng trung ương mới trong vòng 30 ngày sau các cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc bảo trợ. Điều này có thể khiến hoạt động sản xuất khoảng 700.000 thùng/ngày của nước này được khôi phục. Thông tin này đã xóa nhòa đi tuyên bố gia hạn chính sách cắt giảm sản lượng tự nguyện của nhóm xuất khẩu OPEC+ sang tháng 10 và tháng 11.
Những áp lực trên thị trường cũng khiến loạt ngân hàng hạ dự báo giá dầu trong giai đoạn cuối năm. Bank of America đã hạ dự báo đối với giá dầu Brent cho nửa cuối năm 2024 xuống 75 USD/thùng từ mức gần 90 USD trước đó trên cơ sở tính toán mức tồn kho toàn cầu, tăng trưởng nhu cầu và năng lực sản xuất dự phòng của OPEC+.
Sắc đỏ phủ kín bảng giá kim loại
Đóng cửa tuần giao dịch vừa qua, 10/10 mặt hàng kim loại đồng loại giảm giá. Đối với kim loại quý, giá cả hai mặt hàng là bạc và giá bạch kim đều hướng đến tuần giảm giá thứ hai liên tiếp, lần lượt là 3,29% và 1,45%. Nhóm kim loại quý tiếp tục trải qua một tuần biến động trước những kỳ vọng trái chiều về kịch bản lãi suất của FED.
Hiện tại, thị trường gần như đã chắc chắn rằng FED sẽ tiến hành xoay trục chính sách trong cuộc họp vào ngày 17 - 18/9 tới đây. Do vậy, điều mà giới đầu tư đang quan tâm hơn là FED sẽ giảm 25 hay 50 điểm cơ bản trong cuộc họp quan trọng này. Như các quan chức đã liên tục nhấn mạnh trong thời gian gần đây, quy mô cắt giảm lãi suất sẽ dựa vào những dữ liệu kinh tế sắp tới. Theo đó, những dự đoán về mức độ giảm lãi suất của FED cũng liên tục thay đổi trước sự trái chiều trong các số liệu kinh tế.
Trong tuần trước, kết quả Khảo sát Cơ hội việc làm và Doanh thu Lao động (JOLTS) của Bộ Lao động Mỹ cùng với báo cáo bảng lương tư nhân của ADP tiếp tục phản ánh sự suy yếu của thị trường lao động Mỹ, làm tăng kỳ vọng FED sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản. Tuy nhiên, báo cáo bảng lương từ Bộ Lao động Mỹ công bố vào cuối tuần lại cho thấy tín hiệu lạc quan hơn khi tỷ lệ thất nghiệp đã giảm 0,1 điểm phần trăm xuống còn 4,2% trong tháng 8, mặc dù số việc mới vẫn đang trên đà giảm. Trước những số liệu trái chiều này, thị trường vẫn chưa có kết luận chắc chắn về mức độ cắt giảm lãi suất của FED, đồng thời cũng làm hạn chế dòng tiền đầu tư. Điều này lý giải cho sự sụt giảm của giá kim loại quý trong tuần trước.
Đối với kim loại cơ bản, nhóm này cũng trải qua tuần lao dốc mạnh khi các mặt hàng đều ghi nhận các mức giảm từ 4 – 9%. Quặng sắt là mặt hàng dẫn dắt đà giảm của nhóm khi giảm tới 9,23% về mức 91,7 USD/tấn. Nguyên nhân chính kéo giá mặt hàng này giảm mạnh vẫn xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ yếu kém tại Trung Quốc. Hiện tồn kho quặng sắt tại các cảng Trung Quốc đã tăng lên mức cao mới kể từ tháng 4/2022 là 154,1 triệu tấn tính đến tuần kết thúc ngày 5/9, tương đương tăng 0,2% so với tuần trước đó.
Ngoài ra, triển vọng kém sắc của ngành thép nước này cũng gây áp lực nặng nề lên nhu cầu quặng sắt, nguyên liệu đầu vào trong sản xuất thép. Các nhà phân tích của ING cho biết nhu cầu thép tại nước này sẽ tiếp tục giảm khi lĩnh vực bất động sản vẫn đang suy thoái.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá dầu giảm 3 ngày liên tiếp(23/05/2024)