Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) vừa có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết việc truy thu thuế nhập khẩu xăng dầu năm 2012 của Bộ Tài chính.
Theo Vinpa, thời gian qua cơ quan này đã nhận được nhiều công văn kiến nghị của các hội viên về việc Bộ Tài chính gửi Thông báo số 17060 về việc truy thu thuế nhập khẩu xăng dầu đối với các lô hàng tạm nhập tái xuất chuyển sang tiêu thụ nội địa trong năm 2012. Cụ thể, Bộ Tài chính đã quyết định truy thu đối với các “đại gia” xăng dầu đầu mối số tiền thuế lên tới gần 500 tỷ đồng liên quan đến nghiệp vụ kinh doanh tạm nhập tái xuất mặt hàng xăng dầu năm 2012.
"Ông lớn" Petrolimex bị truy thu 170 tỷ đồng tiền thuế trong năm 2012
Trong đó Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là 170 tỷ đồng, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) là 66 tỷ đồng, Xăng dầu Đồng Tháp (Petimex) là 56,5 tỷ đồng, Lọc hóa dầu Nam Việt (NamViet Oil) là 26 tỷ đồng, Xăng dầu quân đội 19,7 tỷ đồng… Tổng số thuế truy thu của các doanh nghiệp là 350 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu hệ thống văn bản hiện hành có liên quan, Vinpa đã gửi công văn đến Cục Kiểm tra VBQPPL Bộ Tư pháp đề nghị kiểm tra căn cứ pháp lý của việc truy thu thuế đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Ngày 16/7/2013, Cục Kiểm tra VBQPPL Bộ Tư pháp có công văn gửi Bộ Tài chính khẳng định nội dung Thông báo số 17060 của Bộ Tài chính về việc truy thu thuế nhập khẩu xăng dầu năm 2012 đối với các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này là trái với luật hiện hành và yêu cầu Bộ Tài chính phải hủy thông báo này. Tuy nhiên, trong công văn số 13656/BTC-TCHQ ngày 14/10/2013 trả lời Vinpa, Bộ Tài chính khẳng định Thông báo số 17060 là hoàn toàn đúng với các quy định pháp luật hiện hành.
Song, theo ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Vinpa, thì về căn cứ pháp lý của thủ tục hải quan và chính sách thuế, Bộ Tài chính không đưa ra được một căn cứ pháp lý nào chứng minh cho quyết định truy thu thuế của mình là đúng với quy định của Nghị định 154 và Thông tư 194. Thông báo số 1760/BTC-VP yêu cầu Tổng cục Hải quan các tỉnh, thành phố phải thay tờ khai hải quan mới để xác định thời điểm tính thuế đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất nhưng không tái xuất hết chuyển sang tiêu thụ nội địa... yêu cầu phải thay tờ khai hải quan là trái với Khoản 9 Điều 10 và Điểm b.3 Khoản 2 Điều 18 Thông tư 194/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính... Bản chất của Thông báo 17060 là xác định lại thời điểm tính thuế ở mức cao hơn thời điểm khai hải quan ban đầu để truy thu thuế nhập khẩu của các doanh nghiệp.
“Mặc dù việc quyết định truy thu thuế của các Chi cục Hải quan tỉnh/thành phố theo Thông báo số 17060/BTC-VP của Bộ Tài chính không đủ căn cứ pháp lý, nhưng với ý thức tôn trọng quyết định của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp đầu mối, một mặt vẫn nộp thuế, mặt khác, các doanh nghiệp này vẫn gửi nhiều công văn kiến nghị lên Chính phủ, các cơ quan chức năng và Vinpa.” – ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội trình bày. Chủ tịch Vinpa cũng cho rằng, từ ý kiến của Cục Kiểm tra VBQPPL của Bộ Tư pháp đến những kiến nghị của các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu thì Thông báo 17060 của Bộ Tài chính thể hiện cách hành xử trong điều hành thu thuế nhập khẩu không minh bạch, trái với Thông tư 194 hiện còn nguyên hiệu lực, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp xăng dầu trong điều kiện khó khăn chung hiện nay.
Thực tế, tranh cãi quanh việc truy thu thuế của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã kéo dài cả năm nay. Một mặt các doanh nghiệp xăng dầu chấp hành nộp thuế truy thu, một mặt vẫn "kêu" lên các cơ quan chức năng và tỏ ra không "tâm phục khẩu phục" với án thuế này.
Lãnh đạo Vinpa cho rằng, việc truy thu thuế của Bộ Tài chính sẽ khiến người dân hiểu lầm doanh nghiệp cố tình trốn thuế. Bên cạnh đó, quyết định truy thu của cơ quan quản lý đưa ra sau khi doanh nghiệp đã quyết tón xong các chỉ tiêu tài chính năm 2012 nên chi phí sẽ được "cộng dồn" sang năm 2013.
Vì thế, Vinpa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, đề nghị Bộ Tài chính thu hồi Thông báo 17060 ngày 7/12/2012 và thực hiện đúng với Nghị định 154 và Thông tư 194 của Bộ Tài chính. Đồng thời, số tiền truy thu thuế mà các doanh nghiệp xăng dầu đã nộp sẽ được khấu trừ cho các doanh nghiệp trong năm tiếp theo.
Quan điểm của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam:
Rất cảm ơn bài viết của tác giả Nguyễn Hoài vì nội dung của bài báo đã nêu rất chính xác những căn cứ pháp lý cũng như quan điểm của Hiệp hội về quyết định truy thu thuế nhập khẩu của Bộ Tài chính đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất những không tái xuất hết chuyển sang tiêu thụ nội địa.
Tuy vậy, để tránh những phản cảm của độc giả đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, tác giả không nên sử dụng thuật ngữ “đại gia đầu mối” và “ông lớn Petrolimex” … vì có ở trong chăn mới biết cái gọi là “đại gia” và “ ông lớn” đó cũng phải “khóc thầm” (xin tham khảo thêm bài viết “Bên ngoài bức xúc bên trong khóc thầm” trên trang thông tin điện tử của Hiệp hội) khi phải triển khai hoạt động kinh doanh của mình trong một cơ chế quản lý còn quá nhiều bất hợp lý của tệ nạn quan liêu bao cấp như hiện nay.
TIN KHÁC
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu: VCCI vạch ra nhiều bất cập(31/07/2024)