Dự toán thu ngân sách từ dầu thô năm 2015 được Chính phủ xây dựng trên mức giá 100 USD/thùng. Song, giá dầu thô lại liên tục giảm khiến ngân sách nước ta phải đối mặt với khả năng hụt thu khá lớn.
Nhiều năm nghiên cứu về ngân sách nhà nước, chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh phân tích: Việt Nam 2 năm gần đây luôn để dự toán dầu quanh mức 100 USD/thùng và đều thành công nhưng diễn biến giá dầu thô hiện đã khác nhiều. Nửa đầu năm 2014, giá dầu Brent ở mức trên 100 USD/thùng nhưng đến ngày 2-11 chỉ còn chưa đến 70 USD/thùng.
Kịch bản xấu: Hụt thu trên 50.000 tỉ đồng
Nhiều dự đoán cho rằng giá dầu có thể xuống tới 42 USD/thùng vì đây là mức liên quan đến chi phí bình quân sản xuất dầu mỏ. Nếu giá dầu giảm xuống mức này, các nước xuất khẩu sẽ không sản xuất nữa để tránh lỗ. Trong khi đó, xu thế chung cho rằng giá dầu giảm vì phụ thuộc vào biến động chính trị thế giới.
Biến động này sẽ tác động lớn đến thu ngân sách vì Việt Nam là quốc gia vừa xuất khẩu dầu thô vừa nhập khẩu xăng dầu để tiêu dùng trong nước. Vì thế, tác động sẽ ở cả 2 chiều là giảm giá xăng dầu và giảm thu từ thuế nhập khẩu mặt hàng này.
Giá xăng dầu giảm chỉ ảnh hưởng đến thu ngân sách, còn nhiều thành phần kinh tế khác đều có lợi. Ảnh: TẤN THẠNH
Ở góc độ xuất khẩu, nguồn thu từ dầu thô đến từ thuế tài nguyên, phân chia lợi nhuận theo hợp đồng hợp tác liên doanh của các công ty dầu khí và thuế thu nhập doanh nghiệp (DN). Bình quân mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu hơn 14 triệu tấn dầu thô. Mỗi tấn tương đương 7 thùng, như vậy sản lượng xuất khẩu trung bình mỗi năm khoảng 100 triệu thùng.
Mới đây, Chính phủ đã công bố chỉ cần giá dầu giảm 1 USD, ngân sách sẽ hụt thu trên 1.000 tỉ đồng. TS Vũ Đình Ánh đưa ra các kịch bản: Với phương án giá dầu 60 USD/thùng thì ngân sách hụt thu 40.000 tỉ đồng so với dự toán, nếu xuống mức 40 USD/thùng thì ngân sách hụt thu khoảng 60.000 tỉ đồng.
Ở góc độ nhập khẩu, khoản thu ngân sách đến từ thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT hàng nhập khẩu và hàng loạt phí nằm trong mỗi lít xăng dầu. Khoản thu này đã được tính toán đạt khoảng 11.000-15.000 tỉ đồng/năm. Khi giá dầu giảm một nửa cũng đồng nghĩa với việc thu thuế chỉ còn một nửa giá trị. Tương ứng với 2 kịch bản nêu trên, dự kiến khoản này sẽ làm ngân sách giảm thêm 5.500-7.500 tỉ đồng nữa.
Như vậy, tính chung cả hụt thu về giá xuất khẩu và thuế nhập khẩu thì giảm thu ngân sách có thể lên đến mức 50.000 tỉ đồng, tính theo mức trung bình của cả 2 phương án giá dầu đã nêu.
Nguy cơ phải tăng vay nợ
PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh nguồn thu ngân sách đang rất yếu, nền kinh tế Việt Nam chưa phục hồi hoàn toàn, thêm cú tác động trực diện của giá dầu sẽ ảnh hưởng rất nặng đến nguồn thu.
“Việt Nam phụ thuộc vào giá dầu cũng lớn, trong điều kiện ngân sách yếu thì thất thu do giá dầu giảm là không nhỏ. Chính phủ phải có phương án tìm nguồn thu bổ sung và tính toán cân đối lại ngân sách. Thậm chí, nếu khó khăn thì phải tính đến khả năng vay mượn hoặc phát hành trái phiếu bù lại” - ông Thiên đề xuất.
Đến nay, thu ngân sách năm 2014 đã bằng dự toán. Riêng thu dầu thô đã vượt dự toán 10% cả về giá và sản lượng. Như vậy, diễn biến giá dầu thô không ảnh hưởng đến ngân sách năm 2014.
Theo công bố của Bộ Tài chính thì vượt thu ngân sách cả năm 2014 đạt khoảng 10%, tương đương 60.000 tỉ đồng. Thế nhưng, khi làm dự toán ngân sách cho năm 2015 trên cơ sở giá dầu thô 100 USD/thùng, Bộ Tài chính vẫn rất khó cân đối được nguồn tăng lương theo lộ trình, phải đề xuất hoãn song không được Quốc hội chấp thuận. Thực tế này cho thấy nhiệm vụ chi năm 2015 sẽ hết sức căng thẳng vì khả năng hụt thu là rất cao, trái ngược với việc tăng thu như năm 2014.
Theo TS Vũ Đình Ánh, Chính phủ cần có kịch bản ứng phó với giá dầu. Về nguyên tắc kinh doanh, có thể tăng sản lượng khai thác hoặc giảm sản lượng chờ giá nhưng khó tăng sản lượng khai thác vì các mỏ của Việt Nam đều đã khai thác đến công suất thiết kế. Còn giảm sản lượng đợi giá lên thì ngân sách vẫn có nguy cơ hụt thu vì sản lượng xuất khẩu dầu thô giảm. Khả thi hơn là phải tìm nguồn thu khác, cơ cấu lại chi để bảo đảm không tăng thâm hụt ngân sách.
“Khó nhất là thiết kế nguồn thu để đỡ hụt thu ngân sách. Khoản thu từ dầu thô và thu nội địa chiếm khoảng 25%-30%, thu từ dầu thô giảm thì trông vào thu xuất nhập khẩu, thu nội địa” - TS Ánh cho biết.
Giá dầu giảm, nhiều thị trường quốc tế có cơ hội tăng trưởng thì nhu cầu nhập khẩu hàng sẽ tăng lên - cơ hội cho Việt Nam tăng xuất khẩu hàng hóa. Để tăng xuất khẩu thì phải tăng nhập khẩu nhiên liệu, như vậy cũng làm tăng thuế xuất nhập khẩu cho ngân sách. Đây có thể coi là một nguồn bù cho hụt thu từ dầu thô.
Đối với thu nội địa (gồm thu từ thuế GTGT, thu nhập DN, thu nhập cá nhân), triển vọng giá dầu giảm thì kinh tế tốt lên, tác động làm tăng nguồn thu. Khoản thu khác là đất đai cũng có thể cải thiện do Quốc hội vừa thông qua Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, cho phép người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam.
Về khả năng giảm chi, TS Vũ Đình Ánh cho biết có 3 khoản chi ngân sách gồm chi thường xuyên (chiếm 70%), chi trả nợ và chi đầu tư. Trong đó, chi trả nợ không thể cắt giảm; chi thường xuyên lớn về tỉ trọng nhưng mức chi lại rất thấp, khó điều chỉnh giảm, lại gắn với chi có tính chất lương và chi để duy trì bộ máy. Năm 2015, cân nhắc kỹ mới bố trí được nguồn tăng lương 8%, nếu có thể thì phải tăng lên 10%. Về nguyên tắc có thể cắt được nhưng liên quan đến vấn đề rất khó khăn là tinh giản bộ máy hoặc tiết kiệm đối với các chế độ chi công vụ. Nếu điều chỉnh giảm chi thường xuyên sẽ tác động đến hàng triệu người. Dư địa lớn nhất là cắt giảm đầu tư.
Cơ hội cho cả nền kinh tế
“Tôi thấy khó nhưng đây lại là một trong những điều kiện để Việt Nam buộc phải tính toán lại căn bản chi tiêu ngân sách. Chiến lược là sẽ phải chuyển sang hệ thống ngân sách cứng, mạnh mẽ, quyết liệt thay cho ngân sách mềm như hiện nay. Có thể nói đây là thời điểm tư duy lại cách sử dụng nguồn lực công để phát triển hiệu quả nhất” - PGS-TS Trần Đình Thiên nhìn nhận.
Trong khi đó, TS Vũ Đình Ánh cho rằng thất thu ngân sách là vấn đề buộc Bộ Tài chính phải tính toán bù đắp song về cơ bản, nền kinh tế sẽ được hưởng lợi. Giá xăng dầu giảm thì không có lý do gì để giá hàng hóa, dịch vụ tăng, mà xăng dầu lại là đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Đây là cơ hội rất tốt để các mặt hàng sử dụng xăng dầu giảm chi phí nhằm phục hồi sản xuất, có tăng trưởng, có tiền chi vào hoạt động khác. Xét về vấn đề hỗ trợ phát triển kinh tế thì giá dầu giảm mạnh là rất tốt, chỉ hụt thu đối với ngân sách còn mọi thành phần kinh tế khác đều có lợi.
DN đường mừng ít, lo nhiều Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Biên Hòa, nếu giá dầu thô giảm, nhiều DN khác mừng nhưng DN sản xuất đường lại lo đối mặt với dư thừa cung. “Sản phẩm chế biến từ cây mía gồm cồn nguyên liệu và đường. Nước có sản lượng mía lớn như Brazil chủ yếu sản xuất cồn nhiên liệu. Nếu giá năng lượng giảm, họ sẽ giảm sản lượng cồn và dồn sang sản xuất đường. Như thế, họ sẽ đẩy ra lượng đường rất lớn khiến nguồn cung dư thừa, thị trường không chịu nổi sẽ có xu hướng giảm giá đường và ảnh hưởng đến sản xuất mặt hàng này của các nước khác, trong đó có Việt Nam. Tất nhiên, ảnh hưởng này không phải đến ngay lập tức mà phải là quá trình giảm giá dầu thô trong thời gian đủ dài. Khi đó, giới đầu cơ sẽ nhìn thấy cơ hội và thị trường sẽ có những biến chuyển khó lường” - ông Lộc lý giải. |
kkkkk
Ngành thép: Chi phí sản xuất giảm nhẹ Ông Phạm Thế Trân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thép Bluescope Việt Nam, cho biết với ngành sản xuất thép, chi phí lớn nhất là năng lượng. Giá dầu thô giảm cũng có thể có tác động đến chi phí năng lượng của ngành thép. “DN thép sử dụng nhiều điện thì có thể được hưởng lợi từ việc giảm giá xăng dầu, nếu sử dụng gas thì không chịu tác động. Xăng dầu cũng là chi phí vận chuyển sản phẩm thép. Tùy vào chất lượng sản phẩm mà chi phí vận chuyển chiếm tỉ lệ khác nhau. Nếu thép có giá thành 1.600-1.800 USD/tấn thì chi phí vận chuyển chiếm khoảng 60 USD/tấn, nếu thép phẩm cấp thấp giá thành chỉ 800-900 USD/tấn thì chi phí vận chuyển là 30 USD/tấn. Như vậy, chi phí vận chuyển chiếm khoảng 2% chi phí sản xuất của DN thép, nếu giá xăng dầu giảm thì chi phí này cũng giảm nhẹ” - ông Trân phân tích. |
kkkkk
Tác động dây chuyền giúp giảm giá hàng hóa Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nếu dầu thô đứng ở mức khoảng 70 USD/thùng trong thời gian dài thì dễ thở hơn rất nhiều, vì như vậy có nghĩa là giá bán lẻ xăng dầu sẽ giảm. Xăng dầu là chi phí đầu vào rất quan trọng của đa số ngành sản xuất. Tiêu dùng xăng dầu của các hộ gia đình cũng chiếm chi phí không nhỏ. “Tôi cho rằng giá xăng dầu giảm khoảng 9.000 đồng/lít thì các ngành sản xuất sẽ giảm được tới 20% chi phí nguyên liệu đầu vào, tác động dây chuyền làm giảm giá hàng hóa, sức cầu vì thế cũng được đẩy lên. Từ đó, thu thuế GTGT hàng tiêu dùng cũng tăng lên, bù đắp một phần vào hụt thu ngân sách do giảm giá dầu thô. Tất nhiên, để có được phản ứng tích cực như vậy thì phải quyết liệt kiểm tra giá vận tải, đặc biệt là vận tải hàng hóa. Tôi cho rằng giá dầu thô giảm có thể gây khó khăn cho ngân sách nhưng đó chỉ là ngắn hạn, còn lợi ích đối với nền kinh tế thì lớn hơn rất nhiều. Nếu Việt Nam chủ động được nhiều hơn sản lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước thì sẽ có lợi nhiều hơn” - ông Phú nhận xét. |
TIN KHÁC
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu: VCCI vạch ra nhiều bất cập(31/07/2024)