Chậm giảm thuế nhập khẩu, giá xăng có thể tăng
02:33 SA @ Thứ Năm - 09 Tháng Tư, 2015

Dù đại diện Bộ Tài chính đã khẳng định, thuế bảo vệ môi trường tăng 300% từ ngày 1-5 sẽ không làm tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước, song các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu giá dầu thế giới biến động mạnh thì việc tăng thuế sẽ tác động tới giá bán lẻ.

Mất cơ hội được giảm giá

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: “Bộ đang chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện thuế bảo vệ môi trường với tinh thần khi áp thuế thì cơ bản vẫn giữ giá bán lẻ xăng dầu, không cho phép tăng đột biến. Để làm được việc này, Bộ Tài chính phải điều hành các công cụ về thuế nhập khẩu xăng dầu cũng như sử dụng quỹ bình ổn giá”.

Giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp giữ giá xăng dầu

Theo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nếu Bộ Tài chính sử dụng kịp thời công cụ là quỹ bình ổn giá và điều chỉnh thuế nhập khẩu thì việc tăng thuế bảo vệ môi trường từ ngày 1-5 sẽ không làm tăng giá bán lẻ xăng dầu. “Tuy nhiên, người tiêu dùng sẽ mất đi cơ hội giảm giá xăng, nhất là khi giá xăng trên thế giới dao động theo xu hướng giảm nhẹ. Nếu giá dầu thế giới giảm mạnh thì mức giảm trong nước sẽ thấp hơn kỳ vọng. Ngược lại, nếu giá xăng tăng mạnh, người tiêu dùng có thể phải chịu thêm chi phí” - đại diện doanh nghiệp xăng dầu nói.

Chuyên gia kinh tế Phạm Minh Thụy (Viện Kinh tế - Tài chính, Bộ Tài chính) cũng chỉ ra tác động của việc tăng thuế bảo vệ môi trường: “Thuế bảo vệ môi trường tăng 300% nhưng không phải đổ tất cả vào giá bán lẻ mà Bộ Tài chính đã chia ra bằng cách sử dụng quỹ bình ổn giá và giảm thuế nhập khẩu. Vì vậy, trong điều kiện bình thường, giá xăng dầu biến động ít, thuế bảo vệ môi trường tăng sẽ không làm tăng giá bán lẻ. Tuy nhiên, khi giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, chắc chắn việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ tác động trực tiếp đến giá bán lẻ mặt hàng này”.

Theo ông Phạm Minh Thụy, tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ làm cho khoản quỹ bảo vệ môi trường được tách bạch, rõ ràng hơn. “Đây cũng là một yêu cầu khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập vào cuối năm 2015. Nếu đợi đến thời điểm cuối năm mới quyết tăng thuế bảo vệ môi trường có thể gây ra tác động kép không mong muốn và doanh nghiệp sẽ khó thích nghi” - vị chuyên gia kinh tế phân tích.

Cần xem xét giảm thuế nhập khẩu trước

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, kim ngạch nhập khẩu xăng dầu trong quý I-2015 từ các nước có ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam mới chỉ ở mức 0,08% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này. Bộ Tài chính dự báo, nếu không điều chỉnh thuế nhập khẩu phù hợp, chắc chắn doanh nghiệp sẽ chuyển từ nhập khẩu theo biểu thuế MFN sang biểu thuế nhập khẩu có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để được hưởng thuế suất thấp hơn.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, rất khó để có được giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Bởi đối với phía doanh nghiệp xuất khẩu thì vai trò của C/O là không lớn, họ phải thực hiện rất nhiều thủ tục để xin C/O. Nếu muốn có C/O thì doanh nghiệp nhập khẩu phải chấp nhận nâng giá hàng hóa, khi đó chỉ doanh nghiệp nước ngoài là có lợi.

Thống nhất với việc tăng thuế bảo vệ môi trường và giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo cam kết quốc tế nhưng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cho rằng, việc thay đổi chính sách thuế tại cùng một thời điểm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả kinh doanh.

Chia sẻ với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, đại diện một doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, khí đốt tại TP.HCM cho biết: “Bộ Tài chính cần nghiên cứu giảm thuế nhập khẩu trước khi tăng thuế bảo vệ môi trường (ngày 1-5) để tránh tình trạng xăng dầu của doanh nghiệp khi bán ra phải chịu 2 loại thuế cùng một lúc. Tuy nhiên, việc lựa chọn thời điểm giảm thuế nhập khẩu cũng cần tính toán hài hòa”.

“Nếu giảm trước khá xa, có thể xảy ra khả năng doanh nghiệp nhập hàng về bán nhanh để vừa được giảm thuế nhập khẩu lại vừa tránh chưa phải nộp thuế bảo vệ môi trường. Mặt khác, nếu thời gian giảm thuế nhập khẩu quá ngắn trước khi tăng thuế bảo vệ môi trường thì doanh nghiệp nhập khẩu với số lượng nhiều, tồn kho lớn sẽ chịu thiệt vì vừa phải nộp thuế nhập khẩu lại vừa phải nộp thuế bảo vệ môi trường theo mức mới”, vị đại diện doanh nghiệp này phân tích.

Nguồn: