Trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh thời gian qua, giá dầu trên thị trường châu Á cuối giờ chiều 6-1 chỉ còn 48,67 USD/thùng.
Nhiều chuyên gia cho rằng nên xem xét dự trữ dầu, nhưng vẫn có ý kiến bày tỏ lo ngại rủi ro do nguy cơ giá tiếp tục giảm sâu.
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 29-12-2014, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã đề xuất tăng cường mua dầu để dự trữ trong bối cảnh giá loại nhiên liệu này giảm mạnh.
Lo vốn, kho và lo giá còn giảm
Quy hoạch dự trữ dầu thô của VN Ngày 31-7-2009, Chính phủ đã có quyết định 1139/QĐ-TTg về quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu đến năm 2015, tầm nhìn năm 2025. Theo đó, bắt đầu từ năm 2015, tổng dự trữ dầu thô và xăng dầu của VN cần đạt tối thiểu 90 ngày nhập ròng. Về dự trữ thương mại, từ năm 2009-2025 tối thiểu ổn định ở mức 30 ngày nhu cầu. Về sản xuất, dự trữ khoảng 1,3 triệu tấn dầu thô và 0,6 triệu tấn sản phẩm xăng dầu, tương ứng 56 ngày nhập ròng vào năm 2015; khoảng 1,5 triệu tấn dầu thô và 0,7 triệu tấn sản phẩm xăng dầu vào năm 2025. |
PGS.TS Nguyễn Hồng Nga, phó khoa kinh tế đại học Kinh tế - luật TP.HCM, cho rằng việc trong kinh tế, mua hàng hóa khi giá giảm và bán ra khi giá tăng là chuyện bình thường. Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả thì việc phân tích, đánh giá và dự báo diễn biến giá là hết sức quan trọng.
Theo ông Nga, việc mua dự trữ dầu thô đạt hiệu quả khi chúng ta có đủ nguồn lực tài chính và có các công cụ kỹ thuật để dự trữ. TS Ngô Trí Long cũng cho rằng chuyện xây hạ tầng dự trữ không phải có thể thực hiện ngày một ngày hai và đòi hỏi nguồn lực tài chính rất lớn.
“Muốn mua thì trước hết phải xem kỹ nguồn tài chính để mua và chi phí xây hạ tầng dự trữ” - ông Long cho biết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí VN cho biết đang theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và sẽ xem xét mua dầu thô khi giá xuống đến mức nhận định là thấp nhất.
Tuy nhiên, khối lượng mua sẽ phải phụ thuộc vào sức chứa của kho và diễn biến thị trường. Một lãnh đạo Petrolimex cũng thừa nhận việc mua dầu dự trữ trong bối cảnh giá dầu ở mức thấp cũng là một hướng cần tính đến.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng khi muốn mua dầu dự trữ là mua về cất ở đâu, không thể mua rồi bảo họ dự trữ hộ. Trong khi hệ thống kho của Petrolimex chỉ có sức chứa khoảng 1,4 triệu tấn. Hầu hết doanh nghiệp đầu mối đều có kho chứa xấp xỉ với tổng lượng xăng dầu phải dự trữ lưu thông. Việc đầu tư mở rộng cần thời gian dài và vốn lớn. Nên muốn mua dự trữ sẽ phải tìm nơi chứa...
Đại diện Hiệp hội Xăng dầu VN cũng cho rằng việc mua dầu dự trữ hiện nay chưa được doanh nghiệp thực hiện bởi có nhiều yếu tố khác rất quan trọng. Thứ nhất là vốn. Hầu hết doanh nghiệp phải đi vay, nên nếu mua dự trữ mà sau vài tháng giá dầu vẫn không tăng thì rủi ro lớn, đó là chưa kể khả năng tỉ giá biến động.
Thứ hai là khi mua dầu dự trữ, cùng cơ hội khi giá lên sẽ phải đối diện rủi ro giá tiếp tục xuống hoặc đi ngang trong thời gian dài. Vì vậy nên có nghiên cứu nghiêm túc, cụ thể với bài toán tổng thể. Các bộ ngành cần vào cuộc để nếu cần làm các phương án trình Thủ tướng quyết định.
Còn thực tế, theo đại diện Hiệp hội Xăng dầu, các doanh nghiệp khi nhận thấy giá dầu bắt đầu có xu hướng đi lên, khi đó họ tập trung mua sẽ cho hiệu quả cao hơn, chứ không phải cứ thấy giá thấp là mua.
Tổn thất ngắn hạn sẽ cao
Theo TS Nga, nếu nhập khẩu dầu thô dự trữ thì đồng thời phải ngừng hoặc giảm ít nhất 50% sản lượng khai thác. Giả định giảm 50% sản lượng, hậu quả ngắn hạn là khá lớn. Ước tính thu ngân sách giảm khoảng 50.000 tỉ đồng, GDP giảm khoảng 5 tỉ USD, tương ứng 105.000 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, chi phí xây bể dự trữ rất cao, vào khoảng 1,7 tỉ USD cho bể dưới biển với sức chứa 1,5 triệu tấn dầu thô. Xây trên cạn rẻ hơn nhưng không dưới 500 triệu USD cho 1,5 triệu tấn dầu thô dự trữ (quy hoạch của Chính phủ về dự trữ dầu thô đến năm 2015 là trên 2,2 triệu tấn).
Như vậy nếu VN mua khoảng 5 triệu tấn dầu thô (tức bằng mức giảm sản lượng khai thác xuất khẩu), tính chi phí xây dựng ba bể trên cạn là 500 triệu x 3 = 1,5 tỉ USD, chi phí bảo quản 2 USD/tấn/năm, nên tổng chi phí bảo quản là 10 triệu USD.
Nguồn ngoại tệ giảm đi 5 tỉ USD. Như vậy tổng chi phí vào khoảng 6,51 tỉ USD (gồm 5 tỉ USD mua dầu thô cộng với 1,5 tỉ xây bể cộng 10 triệu phí bảo quản hằng năm), chiếm gần 20% dự trữ ngoại tệ của VN.
Vậy VN được gì khi mua dầu dự trữ? Nga, Mỹ và Trung Quốc đều là những nước có kho dự trữ đủ lớn và tiềm lực tài chính đủ mạnh để có thể tác động tới giá cả thị trường quốc tế. VN không đủ điều kiện làm điều đó nên chúng ta chỉ được lợi từ chênh lệch giá, tức mua xong sẽ chỉ được lợi một khi giá tăng.
TS Nga giả định VN mua được dầu ở giá 50 USD/thùng, nếu giá tăng 1 USD chúng ta lãi 7 USD/tấn. Trừ chi phí 2 USD, VN còn lãi 5 USD/tấn. 5 triệu tấn lãi 25 triệu USD. Nếu tăng 10 USD lãi 250 triệu USD. “Nhưng nếu giá giảm thì hiệu ứng ngược lại”.
Ông Ngô Trí Long cũng dẫn ví dụ các đơn vị nhập khẩu xăng dầu như Petrolimex vừa qua đã thiệt hại do mua dầu ở mức giá cao để cảnh báo.
Theo ông Long, nếu VN muốn mua dầu dự trữ, phải tính toán cả kinh tế lẫn kỹ thuật để dự án có lời. Đề xuất mua dầu dự trữ do vậy sẽ hợp lý trong trường hợp coi đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia là mục tiêu số 1.
“Việc mua lúc giá thấp là đúng đắn, có thể được lợi khi giá tăng, song cần cân nhắc ba điều kiện tối quan trọng: nguồn lực tài chính, cơ sở hạ tầng và khả năng dự báo giá của chúng ta. Nếu dự báo kém, thiệt hại sẽ khôn lường khi giá thế giới giảm” - ông Long nói.
Thêm sức ép giảm giá xăng dầu Ngày 6-1, liên bộ Công thương - Tài chính đã có văn bản điều hành, yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối giảm giá từ 201-361 đồng/lít. Theo đó, từ 16g30 ngày 6-1, giá bán xăng tối đa là 17.574 đồng/lít (giảm 307 đồng/lít), dầu diesel 0,05S còn 16.638 đồng/lít (giảm 361 đồng/lít), dầu hỏa giảm còn 17.114 đồng/lít (giảm 286 đồng/lít), dầu mazut còn 12.934 đồng/kg (giảm 201 đồng/kg). Cũng theo văn bản này, quỹ bình ổn xăng dầu sẽ điều chỉnh giảm từ 800 đồng/lít xuống còn 500 đồng/lít với tất cả chủng loại xăng dầu. Theo Bộ Công thương, mức giảm giá trên là kết quả của giá thế giới giảm và việc Bộ Tài chính quyết định tăng thuế nhập khẩu xăng dầu, các mặt hàng đều chịu thuế từ 30-35%. Cụ thể, xăng sẽ chịu mức thuế nhập khẩu 35% (từ mức 27%), dầu diesel tăng thuế từ 23% lên mức 30%, dầu hỏa tăng từ 26% lên mức 35%, dầu mazut thuế cũng tăng từ 24% lên 35%. * Đến cuối giờ chiều 6-1 trên thị trường châu Á, dầu tiếp tục giảm 1,37 USD/thùng, tương đương 2,74%, xuống chỉ còn 48,67 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 4-2009, theo số liệu từ Market Watch. Theo Bloomberg, sản lượng khai thác của Nga tháng 12-2014 đã tăng lên mức 10,667 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ thời hậu Xô viết. Trong khi đó, Bộ Dầu mỏ Iraq cho biết sẽ tăng sản lượng trong năm 2015 lên mức 3,3 triệu thùng/ngày, từ mức 2,94 triệu thùng/ngày hiện tại. Dự trữ Mỹ tuần qua cũng tăng thêm 750.000 thùng lên mức 386,2 triệu thùng. Dưới sức ép từ nguồn cung lớn, phiên vừa qua trên thị trường New York, giá dầu giao tháng 2 có lúc giảm tới 5,5% xuống còn 49,77 USD/thùng. Chốt phiên, giá dầu mất 2,65 USD/thùng, tương đương 5%, đứng ở mức 50,04 USD/thùng. Chưa dừng lại ở đó, đến cuối giờ chiều cùng ngày trên thị trường châu Á, dầu tiếp tục giảm 1,37 USD/thùng, tương đương 2,74%, xuống chỉ còn 48,67 USD/thùng. Đây là mức giá thấp nhất kể từ tháng 4-2009, theo số liệu từ Market Watch. Dầu giảm giá khiến cổ phiếu các hãng năng lượng khắp thế giới giảm mạnh, kéo các chỉ số chứng khoán từ Mỹ qua châu Âu tới châu Á đồng loạt giảm theo. |
TIN KHÁC
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu: VCCI vạch ra nhiều bất cập(31/07/2024)