Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tỏ ra không mấy tin tưởng kinh tế cả năm nay sẽ đạt mức tăng trưởng 6,2% nếu không khai thác thêm dầu.
Một lần nữa, khai thác dầu thô lại được sử dụng như công cụ để đảm bảo tăng trưởng. Ảnh: Triệu Trùng Điệp
“Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2015 thì lượng dầu thô khai thác phải đạt 16 triệu tấn, tăng 400.000 tấn so với năm ngoái”, ông báo cáo tại phiên họp Chính phủ tổ chức đầu tuần này. Ông Vinh cũng đã từng nói rằng không hề cảm thấy “vui mừng gì” khi tăng trưởng phải dựa vào khai thác dầu thô và các tài nguyên khác.
Lo ngại của Bộ trưởng Vinh được người đồng nhiệm Vũ Huy Hoàng chia sẻ. Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng phát biểu: “Nếu tiếp tục giữ sản lượng khai thác theo kế hoạch đã đề ra, chắc chắn sẽ ảnh hưởng mục tiêu tăng trưởng 6,2% trong năm nay”. Ông Hoàng giải thích, mức tăng trưởng 6,2% được tính toán hồi tháng 9 năm ngoái trên nền tảng phải khai thác được 14,74 triệu tấn dầu thô với mức giá 100 đô la Mỹ/thùng. Nay, tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được chỉ đạo khai thác thêm hơn 1 triệu tấn so với kế hoạch 14,74 triệu tấn.
Có vẻ như chỉ tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đã ấn định như một pháp lệnh đang gây ám ảnh cho các nhà hoạch định chính sách, nhất là trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ. Một lần nữa, khai thác dầu thô lại được sử dụng như công cụ để đảm bảo tăng trưởng.
Câu hỏi đặt ra là vì sao các bộ trưởng lại không tự tin với mức tăng trưởng của nửa cuối năm nay. Theo số liệu mới được công bố, tăng trưởng kinh tế sáu tháng đầu năm nay đạt 6,28%, là mức cao nhất từ 2011 trở lại đây.
Ông Vinh là người có vị trí nhìn thấy rõ nhất điều này. Ông giải thích: “Có hai khu vực tăng mạnh, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng GDP nửa đầu năm. Thứ nhất là khu vực chế biến chế tạo, năm nay tăng hơn 9% so với 6 tháng cùng kỳ. Thứ hai là khai thác dầu khí được 8,3 triệu tấn, giá bán trên thị trường bình quân là 60 đô la Mỹ/thùng đóng góp nhiều vào tăng trưởng GDP đầu năm”.
Liệu tăng trưởng có tiếp tục cao trong bối cảnh những yếu tố then chốt khác thậm chí còn trở nên xấu đi?
Đó là, chưa bao giờ sản lượng và giá sản phẩm nông nghiệp giảm mạnh như gần đây. Nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng vỏn vẹn 2,36% trong nửa đầu năm nay, giảm mạnh so với mức tăng 2,9% của cùng kỳ năm ngoái, theo Tổng cục Thống kê. Rõ ràng, tình trạng hạn hán trên diện rộng đã ảnh hưởng lớn. Cùng với đó là nhiều mặt hàng thủy sản, nông sản không xuất khẩu được. Vấn đề của ngành nông nghiệp cần phải được mổ xẻ, phân tích để tìm ra giải pháp.
Thứ hai, trong sáu tháng đầu năm nay nhập siêu ước tính 3,7 tỉ đô la Mỹ, tương đương 4,8% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, gần chạm ngưỡng chỉ tiêu 5% mà Quốc hội đặt ra. Nhập siêu vượt quá sẽ tạo thêm rủi ro làm mất cân bằng cán cân thanh toán ngoại tệ, gây áp lực lớn hơn lên tỷ giá vốn đã rất mong manh.
Còn hàng loạt những nghịch lý tăng trưởng khác. Chẳng hạn, vì sao chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp chỉ 0,86% mà lãi suất của nhiều khoản vay vẫn cao ngất ngưởng hơn 10%? Vì sao đà phá sản của doanh nghiệp vẫn không bị chặn lại? Vì sao tăng trưởng mà số lượng việc làm mới không tăng?...
Dù sao thì dầu thô đã góp phần “cứu” tăng trưởng. Trong nửa đầu năm nay, lượng dầu thô khai thác đạt 8,3 triệu tấn, tăng tới 11% so cùng kỳ, song thu từ dầu thô chỉ là 32.600 tỉ đồng, bằng 35% kế hoạch. Một báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, với giá dầu ước tính 60 đô la Mỹ/thùng thì giảm thu từ dầu thô theo kế hoạch sẽ vào khoảng 20.000-30.000 tỉ đồng.
“Phải dùng thu nội địa bù lại thì mới đảm bảo thu ngân sách. Tinh thần là thu nội địa phải tăng trên 10%, đặc biệt là thu ngân sách trung ương”, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng “ép” Tổng cục Thuế tại phiên họp tổng kết ngành mới đây, dù ngành thuế chỉ “dám” cam kết vượt thu nội địa 8%.
Liệu những nỗ lực cải cách thể chế có thực sự tạo dấu ấn lên tăng trưởng? Câu trả lời không khó khi mà có tới 13 bộ, ngành, và 51 tỉnh thành chưa có kế hoạch hành động theo yêu cầu của Nghị quyết 19, văn bản quan trọng nhất trong điều hành của Chính phủ trong hai năm nay.
TIN KHÁC
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu: VCCI vạch ra nhiều bất cập(31/07/2024)