Điều hành giá xăng dầu: Trách nhiệm thuộc cả 2 bộ
02:06 SA @ Thứ Tư - 16 Tháng Ba, 2016

Đại diện Bộ Công thương cho rằng, chỉ điều hành giá xăng, còn chuyện điều hành thuế, phí thuộc về Bộ Tài chính.

Luật sư Nguyễn Đức Toàn.
Luật sư Nguyễn Đức Toàn.

Xung quanh câu chuyện áp thuế nhập khẩu đối với xăng dầu, nhiều chuyên gia pháp lý khẳng định, đây là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của cả 2 bộ trên. PV Tiền Phong trao đổi với luật sư Nguyễn Đức Toàn (Giám đốc Cty Luật Vimax Asia, Đoàn luật sư Hà Nội).

Công tác quản lý xăng dầu hiện nay thuộc về cơ quan chức năng nào, thưa luật sư?

Căn cứ Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh xăng dầu cho thấy, tại Điều 38 của văn bản này quy định giá bán xăng dầu được điều tiết theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đầu mối được quyền quyết định giá bán buôn. Doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp phân phối xăng dầu được điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo nguyên tắc, trình tự quy định tại điều luật này.

Doanh nghiệp đầu mối có trách nhiệm tham gia bình ổn giá theo quy định của pháp luật hiện hành và được nhà nước bù đắp lại những chi phí hợp lý khi tham gia bình ổn giá. Bên cạnh đó, tại Điều 39 của Nghị định đã nêu rõ, ở hoạt động công khai, minh bạch trong điều hành giá và kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính thực hiện điều hành giá công khai, minh bạch, đúng quy định tại Điều 38 Nghị định này. Nghĩa là, ở đây có sự tham gia của 2 bộ Công Thương, Tài chính.

Trong cùng một lĩnh vực áp thuế xăng dầu, nhưng có nhiều văn bản điều chỉnh, vậy phải xử lý như thế nào, thưa luật sư?

Điều 36 của Nghị định 83/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu quy định, thuế nhập khẩu xăng dầu căn cứ khung thuế suất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, các cam kết quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên, các chỉ tiêu cân đối vĩ mô và dự báo giá xăng dầu thế giới. Từ những căn cứ trên, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ổn định đối với từng chủng loại xăng dầu, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Trong cùng một lĩnh vực điều chỉnh, nếu có nhiều văn bản do cùng cấp, cùng cơ quan ban hành thì về nguyên tắc văn bản nào ban hành sau thì dùng văn bản đó. Tuy nhiên, trong văn bản sau phải nêu rõ nội dung hủy bỏ văn bản trước đó, khi cùng điều chỉnh chung một vấn đề.

Nguồn: