Doanh nghiệp hàng hải Việt cần làm gì khi Quy định giới hạn lưu huỳnh IMO 2020 cận kề?
06:34 SA @ Thứ Hai - 18 Tháng Mười Một, 2019

Từ ngày 1/1/2020, theo quy định của Tổ chức Hàng hải thế giới (IMO), tất cả các tàu phải sử dụng nhiên liệu hàng hải với hàm lượng lưu huỳnh tối đa 0,5% so với mức giới hạn hiện nay là 3,5%. Điều này kéo theo hàng loạt sự thay đổi trong nguồn cung nguyên liệu, chi phí... khiến các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam đứng ngồi không yên...

doanh nghiep hang hai viet can lam gi khi quy dinh gioi han luu huynh imo 2020 can ke

Ông Simon Neo, Giám đốc điều hành SDE International

Để làm rõ hơn những vấn đề xung quanh việc thay đổi hàm lượng quy định trong nguyên liệu hàng hải này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Simon Neo, Giám đốc điều hành SDE International (công ty chuyên về tư vấn nguyên liệu hàng hải có trụ sở tại Singapore).

Xin chào ông Simon Neo, xin ông cho biết quy định giới hạn lưu huỳnh IMO 2020 sẽ ảnh hưởng thế nào tới các doanh nghiệp Việt Nam?

Quy định giới hạn lưu huỳnh IMO 2020 sẽ làm tăng chi phí vận hành do chi phí nguyên liệu tăng. Quy định này có thể làm tăng chi phí nhiên liệu lên đến 50%.

Tôi có thể cho các bạn 1 ví dụ, nếu các bạn theo dõi bảng giá nhiên liệu trên các sàn giao dịch dầu khí tương lai (oil futures trading), thì giá thành loại nhiên liệu có hàm lượng lưuhuỳnh cao đang ở mức 241.6 USD/tấn, trong khi giá thành nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp đang ở mức 551 USD/tấn, cao gấp hơn 2 lần.

Trong bối cảnh Việt Nam là một quốc gia thiên về xuất khẩu, những quy định này sẽ ảnh hưởng đáng kể tới các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải, cũng như các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ vốn có tiềm lực tài chính hạn chế.

Theo ông, các chủ tàu Việt Nam cần phải làm gì để chuẩn bị sẵn sàng cho quy định này, trong bối cảnh giới hạn lưu huỳnh IMO 2020 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020?

Các chủ tàu Việt Nam cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho quy định mới và phải chấp nhận thực tế rằng sẽ không có bất ngờ nào cả. Quy định giới hạn lưu huỳnh IMO 2020 đã được thông báo rộng rãi và đến đúng ngày giờ sẽ có hiệu lực đối với tất cả các loại tàu, trên tất cả các cảng biển trên toàn thế giới. Ngoài ra, IMO cũng sẽ khá mạnh tay với các doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận hoặc lách luật. Chẳng hạn, tôi được biết, một số chủ tàu có dự định đối phó quy định này bằng cách sử dụng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh cao khi tàu của họ hoạt động trong hải phận quốc tế.

Quy định giới hạn lưu huỳnh IMO 2020 sẽ tác động đến các loại tàu thuyền nào, tàu container hay tàu đánh cá..., thưa ông?

Quy định giới hạn lưu huỳnh IMO 2020 là quy định toàn cầu, áp dụng cho tất cả các loại tàu và tất cả các cảng biển. Tuy nhiên các tàu đánh cá sẽ không bị ảnh hưởng nhiều lắm vì họ thường sử dụng gas, vốn có hàm lượng lưu huỳnh thấp. Quy định này chủ yếu sẽ ảnh hưởng tới các loại tàu lớn như tàu container, tàu chở hàng lỏng, tàu chở hàng rời...

Lời khuyên cho các chủ tàu Việt Nam bị ảnh hưởng của quy định giới hạn lưu huỳnh IMO 2020 là gì?

Theo tôi, các chủ tàu Việt Nam cần phải cẩn trọng khi mua nhiên liệu. Họ cần mua đúng loại nhiên liệu đáp ứng quy định giới hạn lưu huỳnh IMO 2020, và mua từ nhà cung cấp phù hợp để tự bảo vệ chính mình. Khi làm hợp đồng, các chủ tàu Việt Nam cần làm chặt và thật chi tiết. Ví dụ, các chủ tàu có thể ghi rõ trong hợp đồng là loại nhiên liệu cung cấp cần có chất lượng đạt chuẩn ISO 8217:2017 hoặc PAS 23739, là các chuẩn tương thích với giới hạn lưu huỳnh IMO 2020.

Ngoài ra, khi giao nhận nhiên liệu thì các chủ tàu cũng cần lấy mẫu nhiên liệu để tránh trường hợp bị đánh tráo nhiên liệu, hoặc bị thay thế bằng loại nhiên liệu kém chất lượng.

Điều quan trọng là chúng ta cần phải mua nhiên liệu từ các nguồn, các nhà cung cấp uy tín. Hiện tại, tất cả các nhà máy lọc dầu và các nhà cung cấp dầu đều đã nắm rõ và đã sẵn sàng cho quy định mới của IMO. Rất nhiều các nước và khu vực như Singapore, Trung Quốc, châu Âu đã chuẩn bị rất kỹ và gần như đã sẵn sàng cho quy định mới này. Cho nên, dù là bên mua hay bán nhiên liệu, chúng ta cũng cần soạn thảo hợp đồng thật chặt chẽ và chi tiết - bạn cần ghi rõ loại nhiên liệu cũng như các thông số kỹ thuật để tránh các hệ lụy đáng tiếc sau này. Ngoài ra trong hợp đồng chúng ta nên nêu rõ hàm lượng lưu huỳnh chúng ta có thể chấp nhận được là bao nhiêu.

Hiện nay đội tàu Việt Nam chủ yếu có tuổi đời 15 năm trở lên và với thiết kế cũ có thể không dùng được các loại nhiên liệu mới đạt chuẩn. Trong trường hợp đó, họ sẽ phải làm gì, thưa ông?

Những tàu cũ vẫn có thể hoạt động trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, nếu các cơ quan chức năng của Việt Nam cho phép. Nhưng nếu muốn hoạt động ngoài vùng lãnh thổ Việt Nam thì họ sẽ cần phải tuân thủ quy định giới hạn lưu huỳnh của IMO. Điều này đồng nghĩa với việc họ phải có một số thay đổi, ví dụ như thay đổi kết cấu động cơ, hoặc sử dụng loại dầu nhờn (lubricating oil) phù hợp, để khi đốt nhiên liệu đạt chuẩn thì động cơ được cung cấp đủ chất bôi trơn để hoạt động tốt. Rất nhiều loại tàu cũ với tuổi thọ 10-15 năm vẫn có thể tiếp tục hoạt động và sử dụng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp, đạt chuẩn giới hạn lưu huỳnh IMO 2020 sau khi thực hiện các thay đổi kỹ thuật này (chỉnh sửa lại động cơ và thay đổi loại dầu nhờn phù hợp).

Trân trọng cảm ơn ông.

Nguồn: