Đồng loạt thay thế xăng A92 bằng xăng E5 ở miền Trung: Khuyến khích hay bắt buộc?
04:33 SA @ Thứ Tư - 01 Tháng Mười, 2014

Sau Quảng Ngãi và Đà Nẵng, Quảng Nam mới đây cùng Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ký cam kết phân phối xăng E5 thay thế cho xăng Mogas 92 kể từ tháng 11.2014.

Nhà máy cồn Đại Tân, Quảng Nam bỏ hoang phế vì không tìm được đầu ra.

Việc Bộ Công thương và chính quyền các địa phương “loại bỏ” xăng Mogas 92 ra khỏi thị trường, đồng nghĩa với việc buộc người dân phải sử dụng xăng E5 mà không có thêm quyền lựa chọn khác. Trong khi cho đến thời điểm này, chưa hề có quyết định nào của Chính phủ mang tính mệnh lệnh hành chính ràng buộc về vấn đề này.

Người dân không có lựa chọn thứ 2

Việc sử dụng xăng E5 giảm sức ép phải nhập khẩu xăng Mogas 92, giúp tiêu thụ 10 triệu tấn sắn của bà con nông dân, xăng E5 thích hợp với hầu hết các loại động cơ và sử dụng xăng E5 làm tăng khả năng chống kích nổ của động cơ, tăng tuổi thọ động cơ và giảm khí thải cacbonic, quá trình sử dụng xăng E5 cũng không cần phải điều chỉnh thay thế bất kỳ thiết bị nào của động cơ… Đó là những tuyên bố mà Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí đưa ra khi triển khai việc phân phối xăng sinh học tại các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên thực tế vẫn còn nhiều luồng dư luận trái ngược từ người tiêu dùng. Trong đó có việc sử dụng xăng E5 sẽ tiêu tốn nhiên liệu hơn xăng Mogas 92, một số biểu hiện trục trặc động cơ, những băn khoăn về an toàn cháy nổ…

Đây cũng chính là lý do mà trong tất cả các quyết định của Chính phủ, từ Quyết định 177/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” cho đến Quyết định 53/2012/QĐ-TTg ngày 22.11.2012 và lộ trình phân phối xăng sinh học E5 trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố đầu tiên cả nước… đều quy định phân phối xăng E5 và khuyến khích sử dụng chứ không buộc thay thế ngay 100% xăng A92.

Thế nhưng, đồng loạt các tỉnh miền Trung từ Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi vội vã loại xăng A92 ra khỏi thị trường, thay thế 100% sản phẩm truyền thống bằng xăng E5. Thậm chí, TP.Đà Nẵng còn “hăng hái” ra mệnh lệnh hành chính, áp đặt các cơ sở kinh doanh phải thực hiện việc bán xăng E5 thay thế xăng A92 ngay từ 1.11.2014 với lời “đe doạ” sẽ tước giấy phép kinh doanh nếu phát hiện không chấp hành. Quảng Nam thì áp dụng trước lộ trình của Chính phủ hơn 1 năm…

Với những quyết định mang tính mệnh lệnh hành chính của các địa phương, người tiêu dùng mặc nhiên không còn sự lựa chọn nào khác là phải dùng xăng E5.

Quy hoạch mất kiểm soát?

Đón đầu lộ trình sản xuất, sử dụng nhiên liệu sinh học thay thế xăng dầu truyền thống theo “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” của Chính phủ, từ năm 2007, tại Quảng Nam đã đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất cồn nhiên liệu Đại Tân lớn nhất nước. Đây cũng là 1 trong 3 nhà máy lớn nhất khu vực Đông Nam Á với công suất 100.000 tấn/năm, tương đương 125 triệu lít/năm. Ngày khánh thành, đưa vào sản xuất, Cty Đồng Xanh là chủ dự án tuyên bố chỉ cần 30% năng suất nhà máy là đủ cung ứng cồn để pha trộn xăng sinh học và cung ứng cho cả nước theo lộ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, chưa sản xuất được bao lâu, Cty Đồng Xanh viện lý do không có đầu ra sản phẩm và quyết định ngừng hoạt động nhà máy. Hệ luỵ vỡ nợ ngân hàng, làm điêu đứng hàng vạn nông dân miền Trung, Tây Nguyên - vùng nguyên liệu sắn của nhà máy, khiến 300 công nhân nhà máy mất lương, mất việc…

Trong khi mọi nỗ lực để “giải cứu” nhà máy còn dang dở, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, hiện đã đầu tư 3 nhà máy nhiên liệu sinh học khác, trong đó riêng Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất đã đi vào vận hành với công suất 100 triệu lít ethanol/năm, đủ để pha 2 triệu tấn xăng E5/năm. Năng lực sản xuất của nhà máy này đủ để pha trộn xăng E5 cung ứng cho toàn bộ khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng như cung cấp cho các khu vực khác như miền Bắc và miền Nam. Điều này cho thấy Nhà máy cồn Đại Tân khó còn cơ hội để cứu vãn.

Nguồn: