​Giá dầu giảm không hẳn đã khó khăn
03:17 SA @ Thứ Ba - 09 Tháng Mười Hai, 2014

Giá dầu thô giảm khoảng 40%, còn hơn 60 USD/thùng trong vòng chưa đầy nửa năm qua. Giá dầu thô bình quân giảm cứ 1 USD thì ngân sách sẽ hụt thu khoảng 1.000 tỉ đồng.

Ảnh: Nguyễn Khánh

Cũng phải tính toán đến việc tranh thủ cơ hội giá dầu thấp thì tích trữ. Kể cả nhập dầu thô và xăng dầu tùy theo khả năng tài chính và kho dự trữ nhân giá thấp thay vì sau này phải nhập giá cao. Để làm việc này phải đánh giá khả năng dự trữ của Việt Nam và xác định thời điểm nào để mua vào.

TS VŨ ĐÌNH ÁNH

Tuy nhiên, TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia tài chính - cho rằng giá dầu thô giảm không chắc đã khó khăn. Ông Ánh nói:

- Giá dầu xuống tác động cả tích cực và tiêu cực. Nhưng xét về tổng thể phát triển kinh tế thì tác động cực kỳ tích cực. Còn xét về tiêu cực thì có nhiều điểm nhưng điểm lớn nhất là khả năng hụt thu.

Giá dầu thô giảm, theo đó giá xăng dầu giảm tác động tích cực tới sự phục hồi kinh tế của nước ta. Qua đó, thu ngân sách nhà nước từ hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu có thể bù đắp cho khoản hụt thu từ khai thác và xuất khẩu dầu thô cũng như từ nhập khẩu xăng dầu thành phẩm.

Thậm chí, việc thu ngân sách nhà nước còn thuận lợi nhờ lạm phát có xu hướng giảm nên tỉ lệ thu ngân sách nhà nước trong cơ cấu giá cả nhiều hàng hóa dịch vụ có điều kiện tăng lên.

Rất nhiều thuận lợi

* Ngoài thu ngân sách, còn thuận lợi gì khác cho nền kinh tế?

- Có rất nhiều thuận lợi. Lạm phát lên, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khó khăn do chi phí năng lượng cao trong bối cảnh mình sử dụng năng lượng chưa tiết kiệm và hiệu quả. Bây giờ giá xăng dầu giảm không phải lo lắng nhiều đến kiềm chế lạm phát mà tập trung vào lo tăng trưởng.

Doanh nghiệp và người dân cũng được lợi do giảm chi tiêu khi giá xăng dầu giảm, nhờ đó tiêu dùng trong nhân dân có thể sẽ tăng lên. Các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ lên vùn vụt. Số doanh nghiệp phá sản có khi giảm mạnh. Triển vọng kinh tế rất thuận lợi.

Như thế là cực tốt, thuận lợi cả phần vĩ mô và vi mô.

Điều quan trọng là Nhà nước phải đưa ra các chính sách phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp phát triển, tạo ra nhiều lợi nhuận.

* Ngân sách năm sau sẽ bị ảnh hưởng thế nào nếu giá dầu thô không tăng lên?

- Rõ ràng giá dầu thô sụt giảm mạnh không ảnh hưởng tới thu ngân sách nhà nước năm 2014 mà sẽ tác động mạnh tới khả năng thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2015, thậm chí gây ra thay đổi lớn trong cơ cấu thu ngân sách nhà nước một cách bị động.

Do thu từ dầu thô gồm thuế tài nguyên và thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn chiếm tỉ lệ không nhỏ như dự toán năm nay là 11%.

Đó là chưa kể các khoản thu thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường vốn chịu tác động mạnh của giá xăng dầu nhập khẩu cũng chiếm tới gần 20% tổng dự toán thu ngân sách năm 2014.

Giả định xấu nhất là giá dầu thô bình quân năm 2015 chỉ còn 40 USD/thùng nếu dự báo của một số nhà kinh tế là chính xác thì ngân sách nhà nước hụt thu từ dầu thô khoảng 60.000 tỉ đồng, nghĩa là trên dưới 10% tổng dự toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Đây là còn chưa tính cả khoản hụt thu từ giảm giá nhập khẩu và tiêu thụ xăng dầu.

Nghiên cứu giảm khai thác dầu

* Nên có giải pháp gì để đảm bảo bù đắp nguồn thu?

- Theo tôi, trước hết Bộ Tài chính cần lập các phương án quy mô hụt thu khác nhau tương ứng với từng giả định về giá dầu thô và giá xăng dầu năm 2015, cả giá bình quân cũng như giá cho từng giai đoạn theo tháng và theo quý.

Thứ hai, Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan có liên quan phân tích, đánh giá toàn diện tác động của từng phương án giá dầu thô và cả giá xăng dầu đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, tới hoạt động xuất nhập khẩu, tới tiêu dùng trong nước để xây dựng các phương án thu ngân sách nhà nước dựa trên dự báo tổng nguồn thu và chuyển dịch cơ cấu nguồn thu.

Thứ ba, trên cơ sở dự báo quy mô và tiến độ hụt thu càng chính xác càng tốt, Bộ Tài chính cần chủ động đề xuất phương án bù đắp thiếu hụt nguồn thu tạm thời và không tạm thời từ khai thác các nguồn thu khác, kể cả tăng cường chống thất thu ngân sách nhà nước, đồng thời điều chỉnh tiến độ chi ngân sách nhà nước cho phù hợp.

Thứ tư, Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan chức năng tính toán khả năng không những không đẩy mạnh khai thác và xuất khẩu dầu thô cũng như tăng nhập khẩu xăng dầu nhằm lấy tăng lượng bù cho giảm giá đảm bảo thu đủ ngân sách nhà nước, mà ngược lại phải lấy lợi ích quốc gia làm trọng thông qua giảm sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu thô.

Nhất là tại những địa điểm có chi phí khai thác cao hơn so với giá xuất khẩu để tránh bán rẻ nguồn tài nguyên quý giá không thể tái tạo của đất nước.

* Theo ông, thu khó khăn thì nên giảm chi?

- Quan điểm của tôi là không giảm chi. Vì giá dầu thô giảm, như tôi nói ở trên, không chắc đã là khó khăn. Do đó, mọi nhiệm vụ chi vẫn phải thực hiện, không thể bỏ được. Bộ Tài chính phải tìm nguồn để hoàn thành nhiệm vụ thu.

Điều quan trọng là phải đặt ra thu từ cái gì và việc điều hành thu cần gắn với tiến độ chi. Như thu từ sản xuất phát triển kinh doanh là thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng theo quy định ba tháng thu một lần.

Hơn nữa, thu từ sản xuất kinh doanh trong nước không phải đùng một cái mà doanh nghiệp làm ăn có lợi nhuận ngay để nộp thuế.

Trong trường hợp này, Bộ Tài chính có định vay tạm bên Ngân hàng Nhà nước hay phát hành trái phiếu, tín phiếu kho bạc? Mặt khác, người ta không thể bảo là quý đầu không thu được thì nợ lương và mấy tháng sau thu được sẽ trả. Không thể như thế được.

Tăng thu từ xăng dầu

* Liệu chúng ta có nên vay về để chi?

- Làm gì thì làm nhưng không được làm tăng nợ công. Nhưng lo ngại nhất là việc giá dầu giảm mà áp dụng giải pháp đẩy mạnh sản lượng khai thác dầu thô lên, dù khai thác không dễ. Bởi điều nguy hiểm là chi phí khai thác dầu thô của VN dao động rất lớn, từ 35-70 USD/thùng.

Nên giả định giá dầu thô dưới 60 USD/thùng thì nên dừng lại vì khai thác là hết. Gốc của câu chuyện là khai thác sẽ chẳng được lợi gì, toàn bộ phần thuế thu nhập doanh nghiệp không thu được vì doanh nghiệp lỗ.

* Liệu Bộ Tài chính có tăng thuế xuất khẩu và nhập khẩu đối với dầu thô, xăng dầu và thuế các sản phẩm khác?

- Tỉ lệ thu trong giá xăng dầu thông thường cỡ khoảng 30%, nhưng với giá xăng dầu giảm hoàn toàn có thể điều chỉnh tỉ lệ này lên 50-55% như đã từng làm. Bằng chứng là cuối tuần rồi Bộ Tài chính đã nâng thuế nhập khẩu xăng từ 18% lên mức 27%, thuế các loại dầu diesel 23-26%. Ước tính, một lít xăng dầu giá 20.000 đồng người dân phải nộp Nhà nước 10.000 đồng tiền các loại thuế và phí.

Còn rất khó có thể tìm ra là sẽ tăng thuế ở chỗ nào khi suốt mấy năm qua cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn. Bình quân mỗi năm hàng chục ngàn doanh nghiệp buộc phải phá sản, ngưng hoạt động.

Với những điều phân tích ở trên, nói tóm lại rất khó có thể đoán được giá dầu thô sẽ như thế nào. Song chúng ta phải chủ động. Đáng ra phương án điều hành ngân sách ứng với diễn biến về giá dầu thô phải được nghiên cứu và đặt ra từ trước rồi.

Nhìn sang Nhật Bản, đứng trước một vấn đề gì, bao giờ người Nhật cũng đưa ra khoảng 10 phương án, tùy theo biến động của vấn đề đó mà phương án nào cũng có.

Ảnh: V.Dũng

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 7-12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết giải pháp để đảm bảo nhiệm vụ thu ngân sách trong năm 2015 là Bộ Tài chính tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu lâu dài.

Đó là giải pháp căn cơ. Cụ thể, một trong những giải pháp sẽ tiếp tục thực hiện là rà soát thủ tục hành chính, minh bạch chính sách nhằm giảm thời gian nộp thuế, thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp.

Mặt khác, cũng theo ông Dũng, giá dầu giảm sẽ giúp chi phí sản xuất kinh doanh giảm theo. Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo cơ quan thuế kiểm tra, rà soát kê khai thuế của các doanh nghiệp để xác định chi phí đầu ra, chi phí bán hàng, chi phí lưu thông... qua đó kịp thời phát hiện các trường hợp tăng giá bán, tăng chi phí sản xuất kinh doanh không hợp lý.

“Một nội dung nữa mà tôi cho rất quan trọng là Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các ngành để tham mưu cho Chính phủ xem xét đẩy nhanh lộ trình quản lý giá các mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường. Đơn cử như giá điện, giá khí trong bao tiêu, giá các sản phẩm dịch vụ công ích, dịch vụ công...” - ông Dũng nói