Trao đổi với báo chí bên lề của cuộc họp Liên Bộ về quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô chiều tối ngày 22/1, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định “cái được của nền kinh tế khi giá dầu thô giảm sâu là phát triển kinh tế ít phụ thuộc vào dầu mỏ và tài nguyên”.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết hiện giá xăng dầu của Việt Nam đang thấp hơn nhiều nước trong khu vực, vì vậy rất có thể Việt Nam sẽ xảy ra tình trạng tuồn xăng dầu lậu sang các nước bên cạnh.
PV: Được biết Tổ điều hành kinh tế vĩ mô vừa công bố 3 kịch bản phát triển kinh tế theo dầu thô, với kịch bản giá dầu giảm xuống chỉ còn 40 USD/thùng, sẽ ảnh hưởng như thế nào đến an ninh xăng dầu của Việt Nam?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Hiện nay giá xăng Việt Nam đang thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như: Campuchia, Lào, Trung Quốc, Thái Lan và chỉ cao hơn Singapore và Malaysia là 2 nước có trợ giá về xăng dầu. Như vậy chúng ta cũng phải xem xét nếu giá xăng dầu cứ giảm liên tục thì chúng ta có giảm tiếp không vì nếu tiếp tục giảm giá xăng dầu thấp xuống thì sẽ tạo nhiều bất lợi cho kinh tế Việt nam. Có thể lợi đầu vào cho sản phẩm nhưng quản lý xăng dầu sẽ rất có vấn đề.
Tổ điều hành đang kiến nghị, cân nhắc giảm giá xăng dầu phù hợp so với các nước khu vực để phòng trường hợp tuồn xăng dầu lậu sang các nước bên cạnh. Chúng ta không nên tự biến mình thành điểm cung cấp xăng dầu giá rẻ cho các nước bên cạnh.
PV: Được biết phía Tổ điều hành đã tính toán lại mức hụt thu ngân sách do giá dầu giảm. Bộ trưởng có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh:Theo kịch bản giá dầu giảm thì cứ giảm 1 USD/thùng thì mất gần 1.000 tỷ đồng. Nếu giảm tới mức còn 40 USD thì giảm gần 70.000 tỷ đồng. Tuy nhiên theo tính toán của Bộ KHĐT thì giá dầu giảm 6% chúng ta chỉ hụt thu 1.500 tỷ đồng thôi. Kịch bản 50 USD thì chỉ hụt 9.500 tỷ đồng, kịch bản 40 USD hụt thu 11.500 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng tính toán nếu giá dầu ở mức 50 USD/thùng thì không hụt thu vì hụt thu trực tiếp từ dầu nhưng bù lại gái trị sản xuất tăng trưởng, thu nội địa nhiều hơn nên ảnh hưởng ngân sách không phải quá lớn. Tuy nhiên chúng ta phải tạo điều kiện cho sản xuất phát triển, khi mà giảm giá xăng dầu thì kèm theo giảm cước vận tải, giá cả hàng hóa, dịch vụ…chứ không phải là không giảm được.
Bù lại thu do hụt thu giá dầu thì có thể hụt ngân sách không đáng kể và cái được rất lớn. Đó là chúng ta dần dần tạo nền kinh tế ít phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ hơn và chi tiêu dần dần tiết kiệm hơn.
PV: Giá xăng hiện nay chỉ còn 15.670 đồng/lít, tính từ tháng 7/2014 đến nay giá xăng đã giảm tổng cộng hơn 10.000 đồng. Tuy nhiên, thực tế giá cước vận tải vẫn giảm rất nhỏ giọt. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh:Các ngành quản lý về giá phải xem xét cơ cấu giá thành xăng dầu chiếm tỉ trọng bao nhiêu phần trăm trong giá cước vận tải và như vậy giá xăng dầu đã giảm rất nhiều thời gian qua thì chắc chắn giá thành vận tải phải giảm.
Nếu giảm giá vận tải theo giá xăng dầu thì tác động rất tốt đến nền kinh tế. Theo tính toán của chúng tôi, nếu như giá xăng dầu ở 60 USD thì sẽ thúc đẩy kinh tế thông qua đầu vào giảm, giá trị của các ngành sản xuất tăng lên, từ đó GDP tăng 0,27%. Nếu giá dầu xuống 50 USD thì GDP tăng tới 0,31%. Còn kịch bản giá dầu xuống 40 USD GDP sẽ tăng 0,43%.Nên giá dầu thấp sẽ tác động 2 chiều đến kinh tế Việt Nam, một nước vừa xuất khẩu vừa nhập khẩu dầu thô.
PV: Phương án giảm giá cước vận tải sẽ ra sao thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh:Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ tài chính cùng Bộ GTVT rà soát lại giá cước của các doanh nghiệp vận tải để tính toán xem trong điều kiện giá xăng dầu nhà nước đã công bố giảm vậy sẽ phải giảm tương ứng giá cước vận tải, cố gắng càng sớm càng tốt và giảm trước Tết. Đây là chỉ đạo nhưng phụ thuộc rất nhiều vào các Hiệp hội vận tải cũng như các doanh nghiệp.
Xin cám ơn Bộ trưởng!
TIN KHÁC
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu: VCCI vạch ra nhiều bất cập(31/07/2024)