Theo PGS. TS Bùi Xuân Hồi (Đại học Bách khoa Hà Nội), giá dầu chắc chắn sẽ vào chu kỳ giá thấp sau một chu kỳ giá cao kéo dài. Năm 2016, rất khó có một kịch bản giá dầu tăng trong bối cảnh kinh tế, địa chính trị thế giới, hiện trạng thị trường dầu mỏ như hiện nay.
Giá dầu thô trên thị trường thế giới đã theo đà giảm sâu trong suốt (gần như hầu hết thời gian) năm 2015, dao động quanh ngưỡng 40 USD/thùng. Những ngày cuối năm 2015 này, giá dầu thậm chí đã rơi xuống ngưỡng dưới 35 USD/thùng.
Trong khi đa số các chuyên gia nhận định giá dầu chỉ giảm sâu ở những tháng đầu năm và sẽ quay đầu tăng trở lại - và ổn định ở mức 60-70 USD/thùng ở những tháng cuối năm 2015 - thì vẫn có những nghiên cứu, phân tích khẳng định giá dầu sẽ tiếp tục giảm sâu, thậm chí rơi xuống dưới ngưỡng 30 USD/thùng.
Và, trong số ít người đưa ra nhận định này có PGS. TS Bùi Xuân Hồi - Giảng viên Bộ môn Kinh tế Công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
- Thưa PGS. TS Bùi Xuân Hồi, ông là một trong số ít người đã nhận định giá dầu trong năm 2015 ở mức giảm sâu, thậm chí ở mức chỉ 30 USD/thùng. Cho đến lúc này cũng chỉ còn ít ngày là kết thúc năm 2015, có thể khẳng định nhận định này của ông đã đúng. Xin được hỏi ông đã dựa vào cơ sở nào để đưa ra dự báo này ?
PGS. TS Bùi Xuân Hồi: Với tư cách là người trực tiếp giảng dạy, nghiên cứu các vấn đề về giá năng lượng nói chung và giá dầu quốc tế nói riêng, tôi cho rằng năm 2015, việc giá dầu quốc tế được dự báo sẽ giảm sâu về mức 35USD là hoàn toàn có cơ sở khoa học và thực tiễn.
Khi phân tích giá dầu, cần phân biệt rõ ràng các yếu tố giải thích dao động của giá dầu trong ngắn hạn và dài hạn là rất khác nhau.
Nếu trong ngắn hạn, đặc trưng cung cầu ít co giãn của dầu mỏ so với sự thay đổi của giá, ảnh hưởng từ cơ chế thương mại trên các thị trường vật lý và thị trường chứng khoán làm cho giá dầu vô cùng nhạy cảm và biến động mạnh thì trong dài hạn, yếu tố quyết định mức giá sẽ là chi phí sản xuất và cung ứng.
Vì sao lại như vậy: Nếu như giá dầu cao hơn rất nhiều so với chi phí sản xuất và kéo dài: các hiệu ứng tiết kiệm và hiệu ứng thay thế từ phía cầu sẽ làm lượng cầu giảm, hiệu ứng đầu tư và hiệu ứng chi phí (hiệu ứng đầu tư đượchiểu là giá cao sẽ hấp dẫn đầu tư, hiệu ứng chi phí được hiểu là giá cao những mỏ dầu trước đây không khai thác kinh tế trở thành khai thác kinh tế) từ phía cung sẽ làm cho lượng cung tăng, và như thế giá sẽ giảm về gần chi phí.
Tương tự như vậy nếu giá dầu thấp hơn chi phí và kéo dài, các hiệu ứng này sẽ tác động theo chiều ngược lại làm cho lượng cầu tăng và lượng cung giảm giá sẽ tăng lên. Nói cách khác, trong dài hạn, giá dầu vận động theo chu kỳ cao, thấp xung quanh chi phí sản xuất.
Chúng ta dễ dàng quan sát các chu kỳ giá đặc biệt là từ khủng hoảng dầu lửa lần thứ nhất năm 1973.
Với các căn cứ này, trở lại với giá dầu của năm 2015, các bạn nhớ rằng chúng ta đã sống với giá dầu tăng cao từ năm 2004 cho đến năm 2014 tức là 10 năm, giá tăng liên tục từ mức 50 USD/thùng, thậm chí trong 4 năm trở lại đây từ 2011-2014 giá dầu bình quân luôn ở mức trên 100 USD/thùng.
Giá dầu tăng cao liên tục lại duy trì trong một thời gian dài làm cho các hiệu ứng cung cầu đủ thời gian để có hiệu lực.
Các bạn quan sát từ phía cầu với xu hướng thiết kế các động cơ tiết kiệm và hiệu quả năng lượng (lượng cầu giảm), phía cung hiệu ứng đầu tư mà nổi bật nhất là thành công trong đầu tư vào công nghệ sản xuất dầu từ đá phiến (mà người ta gọi là shale oil) đã làm cho lượng cung tăng một cách rõ rệt.
Cung tăng và cầu giảm thì không ngạc nhiên khi giá dầu giảm xuống.
Đặc biệt hơn năm 2015 với các vấn đề địa chính trị hết sực nhạy cảm tại các khu vực dầu mỏ như: Nga, khu vực Trung đông, Mỹ càng làm cho lượng cung vốn dĩ đã dư thừa càng dư thừa hơn, giá dầu vào chu kỳ giá thấp lại càng giảm sâu nên nó xuống tới mức 35US$ như các bạn đã thấy, điều mà tôi đã dự báo từ đầu năm 2015.
PGS. TS. Bùi Xuân Hồi: Năm 2016 rất khó có một kịch bản giá dầu tăng.
- Ông dự báo thế nào về giá dầu của năm 2016 ? Liệu có tăng lên, hay vẫn tiếp tục đà giảm sâu?
PGS. TS Bùi Xuân Hồi: Tôi cho rằng dự báo mãi sẽ vẫn là dự báo vì có rất nhiều yếu tố bất định diễn ra sau đó.
Tuy nhiên về mặt logic, tôi cho rằng giá dầu chắc chắn sẽ vào chu kỳ giá thấp sau một chu kỳ giá cao kéo dài.
Mà đã gọi là chu kỳ của các sản phẩm đặc thù như dầu mỏ thì không thể là 6 tháng hay 1 năm. Các bạn quan sát lịch sử dầu mỏ sẽ thấy, chu kỳ giá thấp từ năm 1986 đã kéo dài tới tận những năm 2000.
Vì thế năm 2016, rất khó có một kịch bản giá dầu tăng trong bối cảnh kinh tế, địa chính trị thế giới, hiện trạng thị trường dầu mỏ như hiện nay.
Với lượng cung đủ đảm bảo đáp ứng lượng cầu dầu mỏ thế giới ở mức chi phí 20-35 USD/Thùng, thì khoảng dao động giá dầu sẽ chỉ từ 25-40USD/thùng cho năm 2016 mà thôi.
Với tôi, kịch bản này là khá lạc quan vì với thái độ của OPEC như hiện nay (tức là không cắt giảm lượng cung) thậm chí giá dầu về ngưỡng 25 USD là điều hoàn toàn có thể.
- Thưa ông, ông có nhận xét/ đánh giá như thế nào khi nhìn lại những tác động từ giá dầu giảm đến nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015, khi Việt Nam vẫn đang là một nước xuất khẩu dầu thô với khối lượng khá lớn/GDP ?
PGS. TS Bùi Xuân Hồi: Tất nhiên đứng trên quan điểm là nước xuất khẩu dầu thô và doanh thu dầu thô luôn chiếm từ 10 đến 20% tổng thu ngân sách nhà nước, với việc giá dầu giảm mạnh ngành dầu khí sẽ phải gánh chịu những thiệt hại trực tiếp từ việc giảm sút của doanh thu.
Vì vậy nếu dự báo về giá dầu để lập kế hoạch thu ngân sách 2015 mà lạc quan hơn so với thực tế xảy ra thì chắc chắn ngân sách nhà nước năm 2015 sẽ khó đạt kế hoạch.
Nhìn từ góc độ này, biến động trực tiếp về qui mô và cơ cấu thu NSNN năm 2015 do ảnh hưởng giá dầu thô giảm sâu hơn dự kiến sẽ gây hậu quả xấu trong bối cảnh các nhiệm vụ chi theo dự toán đều không thể trì hoãn đó là chưa kể nhu cầu chi vẫn tăng lên: cả chi đầu tư phát triển lẫn chi thường xuyên và chi trả nợ.
Và khi đó muốn đảm bảo các nhiệm vụ chi NSNN theo dự toán năm 2015, đồng thời không làm tăng qui mô thâm hụt NSNN đã được Quốc hội phê duyệt thì gánh nặng khai thác nguồn thu khác đủ bù đắp khoản hụt thu do giảm giá dầu được đặt lên vai Chính phủ và Bộ Tài chính, đó thực sự là một bài toán hết sức nặng nề về cơ cấu lại nguồn thu NSNN cũng như các giải pháp ứng phó.
Ngoài ra, cũng phải nói rằng giá dầu giảm mạnh cũng gây ra những ảnh rất xấu đến Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt nam không chỉ ở phương giảm doanh thu, chỉ nói đơn giản là một loạt các dự án của Tập đoàn cần sẽ phải xem xét lại, thậm chí phải hủy bỏ khi giá dầu rơi vào chu kỳ giá thấp.
Những thiệt hại này là không nhỏ cho ngành và cho nhà nước nói chung thậm chí cực đoan nhất là Tập đoàn phải điều chỉnh chiến lược phát triển trong viễn cảnh như thế này.
- Khi Việt Nam đang nhập khẩu một lượng lớn xăng dầu thành phẩm (với hơn 70% lượng xăng dầu phụ thuộc từ nhập khẩu?
PGS. TS Bùi Xuân Hồi: Ở phương diện này, rõ ràng là nước nổi bèo nổi. Giá dầu giảm mạnh, giá các sản phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới phải giảm theo và như chị nói chúng ta nhập khẩu tới trên 70% sản phẩm xăng dầu thì chắc chắn việc đó sẽ làm giảm nhẹ hóa đơn xăng dầu của người tiêu dùng Việt nam.
Và như chúng ta đã biết, cùng với việc giá dầu giảm trên thị trường thế giới, trên thị trường nội địa chúng ta cũng nhận được các đợt điều chỉnh giảm liên tục giá các sản phẩm xăng dầu từ điều hành của nhà nước.
Một khi chi tiêu cho xăng dầu giảm thì tức là thu nhập khả dụng của người tiêu dùng Việt nam còn lại cho các sản phẩm hàng hóa khác sẽ tăng lên và sự gia tăng sức mua cho người dân trong nước sẽ góp phần làm tăng GDP.
Đó là chưa kể các hiệu ứng tích cực khác của việc giá dầu giảm tới kinh tế vĩ mô của đất nước như việc hỗ trợ tích cực cho việc kiểm soát lạm phát, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước khi chi phí xăng dầu giảm vv.
Tuy vậy một cách khách quan, tôi có cảm giác chúng ta chưa thực sự chủ động trong việc khai thác hiệu ứng giá dầu giảm, xăng dầu là đầu vào của rất nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh như: sản xuất điện hay trong giao thông, chúng ta chưa nhìn thấy những điều chỉnh đối với các nhóm hàng hóa dịch vụ sử dụng xăng dầu là yếu tố đầu vào: giá điện điều chỉnh tăng, giá taxi không giảm, dường như “giá xăng dầu giảm cho phát triển kinh tế” chưa được thực sự quan tâm và tận dung hết các khía cạnh tích cực của nó
Tóm lại, không thể nói giá dầu giảm là hoàn toàn tiêu cực, nhưng đúng là mặt tích cực của nó cần phải được khai thác triệt để hơn nữa, chúng tôi sẽ có những đánh giá tác động ròng của việc giảm giá dầu cho năm 2015 khi các dữ liệu được thu thập một cách hoàn chỉnh./.
Còn nữa…
TIN KHÁC
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu: VCCI vạch ra nhiều bất cập(31/07/2024)