Nga hết sức chịu đựng giá dầu: Niềm tin vào Mỹ
02:27 SA @ Thứ Năm - 04 Tháng Hai, 2016

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nếu xét đơn phương từng chủ thể lớn, chỉ có Mỹ có khả năng cắt giảm sản lượng dầu mỏ.

Giới hạn chịu đựng

Nga vừa tuyên bố sẵn sàng tổ chức một cuộc gặp với các thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu mỏ để trao đổi về sản lượng trong bối cảnh giá dầu đang lao dốc.

Trước đó, tại cuộc họp giữa các lãnh đạo công ty dầu khí và các quan chức chính phủ tại Moscow ngày 26/1 cũng đã đi đến thống nhất việc thương thảo với OPEC là cần thiết để có thể đẩy cao thêm giá dầu.

Nga het suc chiu dung gia dau:Niem tin vao My
Liệu có xảy ra khả năng Nga-OPEC bắt tay cứu giá dầu?

Lý giải về động thái của Nga, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, Khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) cho rằng, hiện nay có 3 chủ thể chi phối thị trường dầu mỏ, đó là Mỹ, OPEC và Nga. Mỹ là quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới và họ cũng đã tăng sản lượng khai thác nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Bằng chứng là nước này vẫn tiếp tục tăng lượng dầu dự trữ của mình lên và Mỹ cũng chỉ mới cho phép xuất khẩu dầu. Do đó, nếu Nga bắt tay với Mỹ để cắt giảm sản lượng thì không hiệu quả.

Ngoài ra, cú bắt tay nga-Mỹ khó xảy ra một phần vì các lệnh cấm vận trừng phạt ngày càng nặng nề khiến hố sâu ngăn cách giữa hai quốc gia ngày càng lớn. Mỹ vẫn là nước mua dầu lớn và họ mong muốn giá dầu thấp hơn. Khi ấy, ngành khai thác dầu của Mỹ bị thiệt hại, thậm chí là thiệt hại lớn nhưng xét về tổng thể nền kinh tế, Mỹ lại được lợi.

Nga thì khác. Họ là người chuyên bán dầu cùng với OPEC. Hiện nay giá dầu đã xuống rất thấp so với giá thành khai thác, vì thế các nhà sản xuất dầu đều bị thiệt hại, đặc biệt đối với Nga, đất nước có nguồn thu ngân sách phụ thuộc rất lớn vào sản xuất dầu mỏ. Trong thời gian ngắn trước đây, phía Saudi Arabia nghĩ rằng họ có thể đẩy mạnh khai thác dầu để giữ vững thị phần nhưng cuộc chiến giá dầu kéo dài khiến tất cả các bên đều hao tổn, thua lỗ. Dường như đã đến lúc Nga và Saudi Arabia nhận ra rằng, sức chịu đựng đã đến một giới hạn nhất định và các bên có thể bàn bạc để thống nhất cắt giảm sản lượng dầu, nâng giá dầu lên.

"Nhiều doanh nghiệp khai thác dầu với chi phí cao ở Nga, Mỹ và nhiều nước OPEC đã phải ngừng sản xuất. Đàm phán vào thời điểm này có thể sẽ có được bước tiến và Nga cho rằng đã đến lúc phải có người lên tiếng kết nối những người bán dầu để cùng chung tay nâng giá dầu, giảm sản lượng một cách hợp lý", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, Nga sẽ không thể một mình hành động bởi nếu như vậy lập tức OPEC sẽ chiếm ngay thị phần của Nga. Vì thế, Nga cần có sự cam kết của OPEC để những nước bán dầu chủ chốt trên thế giới đều phải giảm sản lượng.

"Từ trước đến nay OPEC, đặc biệt Saudi Arabia luôn kiên quyết giữ vững sản lượng khai thác, thậm chí còn tăng. Thế nhưng giá dầu đã giảm một thời gian tương đối dài, các doanh nghiệp dầu lửa đã ngấm đòn, các bên đều đã mỏi mệt vì chịu đựng. Một số quốc gia thành viên OPEC chịu thiệt hại nặng nề vì giá dầu giảm sâu và Saudi Arabia thậm chí còn có động thái bù đắp chi phí cho các quốc gia thành viên có quan hệ thân thiết. Nhưng sự bù trì này không thể kéo dài được mãi, một khi các nước kêu mãi thì OPEC sẽ phải xem xét lại.

Do đó, nếu có người nào đó đứng ra đàm phán, kết nối các chủ thể để giảm sản lượng thì có thể các nước sẽ nghe. Và một khi có cú bắt tay Nga-OPEC để cắt giảm sản lượng dầu, giá dầu sẽ lên", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.

Dù vậy, ông lưu ý, nếu cuộc chiến giá dầu thời gian qua chỉ đơn thuần là vấn đề kinh tế thì các nước có thể đi tới thống nhất cắt giảm sản lượng, nhưng nếu đằng sau đó còn có những toan tính chính trị hay ý đồ khác thì sẽ rất khó.

Mỹ mới là nước có khả năng cứu giá dầu

Trước câu hỏi ai sẽ được lợi nếu Nga-OPEC bắt tay cắt giảm sản lượng dầu, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, nếu nói Mỹ sẽ đẩy sản lượng vào phần Nga-OPEC cắt giảm thì cũng không quá nhiều vì bản thân Mỹ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Một khi Nga-OPEC bắt tay cắt giảm sản lượng dầu thì bản thân nền sản xuất thế giới sẽ được hưởng lợi vì giá dầu thấp mãi sẽ dẫn đến sự phá sản trong ngành dầu mỏ và để phục hồi lại thì rất khó và mất nhiều thời gian. Và khi giá dầu cao trở lại, chi phí sản xuất của các ngành nghề khác cũng sẽ ảnh hưởng đến nền sản xuất chung của thế giới.

Đối tượng được hưởng lợi trực tiếp chính là các nhà sản xuất dầu vì sản lượng dầu có thể giảm nhưng giá dầu lên, kéo theo lợi nhuận của các doanh nghiệp này tăng.

Đánh giá về 3 chủ thể lớn, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, từng chủ thể sẽ rất khó tự mình cắt giảm sản lượng.

"Nếu như đơn phương có nước nào có khả năng đứng ra giải cứu giá dầu thì chỉ có thể là Mỹ. Mỹ có đồng tiền mạnh mang tính quyết định, không chỉ trong lĩnh vực dầu mỏ mà trong tất cả các giao thương quốc tế. Sự lên xuống của đồng USD đều tác động đến giá dầu.

Mặt khác, Mỹ là nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, nếu ngành này đổ vỡ sẽ kéo theo sự đổ vỡ của các ngành khác. Thế nên các nhà tài phiệt dầu lửa có ảnh hưởng lớn đến Quốc hội, Chính phủ Mỹ, họ có điều kiện để lobby các nhà làm chính sách.

Với chi phí khai thác dầu, kể cả dầu đá phiến vẫn khá cao, nếu Mỹ cắt giảm sản lượng và mua dầu trên thị trường thế giới với giá rẻ thì một mặt Mỹ vừa giữ được tài nguyên dầu mỏ, mặt khác kinh tế Mỹ được cung ứng và dự trữ dầu mỏ từ bên ngoài với giá rẻ.

Do đó, về nguyên tắc chỉ nước Mỹ cứu được giá dầu nếu như Nga-OPEC không bắt tay với nhau được", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Nguồn: