Người tiêu dùng có thể giám sát giá xăng dầu
02:40 SA @ Thứ Sáu - 27 Tháng Ba, 2015

“Điều hành xăng dầu đã linh hoạt, minh bạch hơn”. Đó là đánh giá của một số chuyên gia kinh tế về việc điều hành giá xăng dầu thời gian vừa qua. Nhờ sự linh hoạt này, giá xăng dầu trong nước đã không còn gây “sốc” cho người tiêu dùng.

Giá xăng dầu giảm tác động tích cực đến sản xuất, kinh doanh

Bám sát giá thế giới

Ngày 26-3, liên bộ Công Thương - Tài chính đã có văn bản về việc điều hành giá xăng dầu, áp dụng từ 15h cùng ngày. Theo đó, giữ nguyên giá bán lẻ mặt hàng xăng Ron 92, ở mức 17.286 đồng/lít; xăng sinh học E5 vẫn ổn định ở mức 16.956 đồng/lít. Giá bán lẻ các mặt hàng dầu giảm nhẹ so với kỳ điều hành ngày 11-3-2015.

Theo Bộ Công Thương, trong 15 ngày vừa qua, giá xăng dầu thế giới biến động khá mạnh, khiến giá cơ sở giữa hai kỳ công bố (ngày 11-3 và ngày 26-3) chênh lệch 832 đồng/lít xăng Ron 92 và xăng E5. Giá dầu chênh lệch từ 883 đồng/lít đến 1.087 đồng/lít (kg). Tuy nhiên, để hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - doanh nghiệp và người tiêu dùng, liên bộ đã quyết định giữ ổn định giá bán. Đồng thời, giảm chi quỹ bình ổn xăng dầu đến 1.020 đồng/lít xăng. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc điều hành giá xăng dầu trong nước gần đây đã khá linh hoạt, nhịp nhàng. “Nếu giá thế giới giảm 60% thì giá xăng dầu trong nước giảm 40-50%. Như vậy là hợp lý”- ông Nguyễn Minh Phong nói.

Trước đó, cũng bám sát giá thế giới nên ngày 11-3, giá xăng tăng hơn 1.600 đồng/lít, trong khi các doanh nghiệp xăng dầu đã lỗ hơn 2.400 đồng/lít xăng tại thời điểm kể trên, đồng thời tăng mức chi xả quỹ xăng dầu để tránh tăng giá cao đột ngột, gây tác động tiêu cực đến doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ông Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Động thái điều hành lên xuống giá xăng dầu, trích xả quỹ thời gian qua linh hoạt. Giá giữa các kỳ được công khai để người tiêu dùng được biết. Chu kỳ điều hành 15 ngày cũng không làm giá xăng dầu “lội ngược dòng” so với giá thế giới”.

Đánh giá về việc điều hành giá xăng dầu của liên bộ Công Thương - Tài chính, đại diện một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phía Nam cho hay, trên thực tế, giá dầu thế giới gần đây vẫn có những biến động lớn. Các phương tiện truyền thông đại chúng thông tin hàng ngày, hàng giờ nên không chỉ những người có chuyên môn mà cả người tiêu dùng bình thường cũng dự báo được xu hướng điều chỉnh giá xăng dầu kỳ tới.

Nên bỏ quỹ bình ổn giá?

Đồng tình với đánh giá “giá xăng dầu trong nước đã lên xuống nhịp nhàng” hơn, song một chuyên gia kinh tế cho rằng, nên bỏ quỹ bình ổn xăng dầu bởi đây là “sản phẩm lịch sử”. “Việc trích lập quỹ sẽ khiến giá xăng dầu trong nước tăng lên. Ngược lại, khi xả quỹ, giá xăng dầu sẽ giảm xuống. Khi đó, việc điều hành sẽ đi ngược với quan điểm đưa giá xăng dầu theo thị trường. Nên để giá bán lẻ tự điều tiết theo thị trường”- vị chuyên gia này nói.

Tại cuộc tọa đàm về đưa giá xăng theo thị trường gần đây, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: “70% xăng dầu tiêu thụ trong nước phải nhập khẩu nên có thể so sánh giá xăng dầu trong nước với giá thế giới”. Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng có thể giám sát giá bán trong nước khi căn cứ vào giá thế giới để đồng thuận, chia sẻ với doanh nghiệp mà không quá “sốc” hay bất ngờ. Khi giá xăng dầu minh bạch, chất lượng xăng dầu đảm bảo, đo lường đầy đủ và chu kỳ điều chỉnh 15 ngày/lần, người dân sẽ ít phản đối hơn.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc giảm chi quỹ sử dụng xăng dầu theo kỳ điều hành ngày 26-3 chính là điểm bất hợp lý của quỹ bình ổn xăng dầu. Mặc dù không tiết lộ cụ thể số dư quỹ bình ổn, nhưng phía doanh nghiệp đầu mối cho biết: “Quỹ bình ổn còn có thể sử dụng đến đầu tháng 5-2015”.

“Cơ quan quản lý thay vì giảm giá để chia sẻ quyền lợi với người tiêu dùng thì lại giảm mức xả quỹ, tức là bảo vệ cho quỹ này. Trong khi đó, người tiêu dùng xăng dầu không chỉ là các cá nhân, mà gồm cả doanh nghiệp lớn. Các đối tượng này cũng cần được hỗ trợ để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh” - một chuyên gia kinh tế nói.

Nguồn: