“Nhà nước cần xử phạt hành chính”
02:44 SA @ Thứ Tư - 09 Tháng Chín, 2015

Những ngày qua, dư luận xã hội rất bất bình đối với việc giá cước vận tải ô tô không điều chỉnh giảm hợp lý theo giá xăng dầu.

Để hiểu rõ về cơ chế quản lý giá cước vận tải cũng như đảm bảo quyền lợi người dân, phóng viên báo Tin tức có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Thỏa , Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam.


Ông Nguyễn Tiến Thỏa

Hai tháng gần đây, giá xăng A92 đã giảm tổng cộng 3.380 đồng/lít, dầu điêden giảm 2.760 đồng/lít. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn “lặng thinh” và mới đây, chỉ lác đác hãng taxi mới công bố kế hoạch giảm cước. Ông đánh giá thế nào về ứng xử của các doanh nghiệp vận tải?

+Giá cước vận tải là một loại “đầu vào” không thể thiếu đối với sản xuất và đời sống nên có tác động lan tỏa mạnh trong nền kinh tế; làm tăng hoặc giảm chi tiêu của người tiêu dùng hay chi phí sản xuất, giá thành, giá cả hàng hóa, dịch vụ. Từ đầu năm đến nay, khi giá xăng dầu tăng thì doanh nghiệp tăng giá, khi giá xăng dầu giảm thì doanh nghiệp lại không giảm. Tôi cho rằng, đó là hành vi ứng xử không công bằng với người tiêu dùng.

Phía doanh nghiệp vận tải ô tô đã đưa ra nhiều lý do cho việc chưa hoặc không giảm là do giá cước vận tải đã vận hành theo cơ chế giá thị trường nên để thị trường quyết định; tổng mức tăng giá xăng dầu qua các lần điều chỉnh tăng vẫn cao hơn tổng mức giảm. Đối với taxi, mỗi lần điều chỉnh giá phải mất thời gian, tốn kém do phải cài lại đồng hồ đo đếm; với phương tiện khác phải tốn thời gian in lại hóa đơn.

Nếu so với mức giá trước ngày 4/7 thì xăng đã giảm 16,3%, dầu điêden giảm là 17,21%. Như vậy, khi xăng dầu giảm mà các yếu tố cấu thành giá khác trong khoảng 2 tháng qua không có biến động tăng như khấu hao, tiền lương, chi phí khác…thì giá cước vận tải sẽ được giảm như sau: Đối với xe chạy xăng (chi phí xăng chiếm 25- 35%), giá cước vận tải sẽ giảm được 4,1 - 5,7%, tùy loại xe. Ở Hà Nội, nếu giá cước taxi khoảng 11.000 - 12.000 đồng/km thì sẽ giảm được khoảng 448 - 685 đồng/km. Ở TP Hồ Chí Minh, nếu giá cước taxi khoảng 14.500 – 15.500 đồng/km thì sẽ giảm được khoảng 591- 888 đồng/km.

Đối với xe chạy dầu (chi phí dầu chiếm khoảng 35 - 45%), giá cước vận tải sẽ giảm được 6 - 7,75%. Ví dụ: Nếu giá cước vận tải hành khách hiện khoảng 550 đồng/km thì sẽ giảm được khoảng 33.17 - 42,64 đồng/km. Với tuyến đường khoảng 150km, với giá vé khoảng: 82.500 đồng/vé sẽ giảm được 4.975 - 6.397 đồng/vé.

Thưa ông, nếu doanh nghiệp không giảm giá thì có vi phạm pháp luật về giá không?

Giá cước vận tải đã được thực hiện theo cơ chế giá thị trường cần để thị trường quyết định, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào việc định giá của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ chế thị trường ấy không phải doanh nghiệp “muốn làm gì cũng được”, tách rời sự điều tiết của Nhà nước.

Đối với giá cước vận tải, Nhà nước không điều tiết bằng mệnh lệnh hành chính mà bằng cơ chế, nguyên tắc nhưng vẫn tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp không tuân thủ, Nhà nước phải can thiệp để bình ổn thị trường. Theo đó, “Doanh nghiệp áp dụng nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá do Nhà nước quy định để đánh giá hàng hóa, dịch vụ” (Khoản 4, Điều 11, Luật Giá) và “Điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất kinh doanh phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá” (Khoản 5, Điều 11, Luật Giá).

Như vậy, cơ chế thị trường cho phép doanh nghiệp tự định giá theo các tín hiệu khách quan của thị trường, tức là phải có lên, có xuống khi các yếu tố hình thành giá thay đổi. Doanh nghiệp không giảm giá kịp thời theo tín hiệu xăng dầu, vừa không thực hiện đúng yêu cầu của cơ chế thị trường vừa không thực hiện đúng quy định của Luật Giá.

Ông có khuyến nghị ra sao đối với cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các tổ chức, cá nhân khác?

Nhà nước cần xử phạt hành chính đối với các doanh nghiệp không thực hiện yêu cầu kê khai lại giá; phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan Trung ương với Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính, Cục Thuế…ở các địa phương thực hiện kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định; thúc đẩy cạnh tranh trong ngành về giá và chất lượng vận tải, thông qua cơ chế quản lý hợp lý, phát triển thị trường, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia thị trường. Đối với khách hàng có các hợp đồng vận tải lớn, khi ký kết hợp đồng cần thảo luận và thống nhất điều khoản linh hoạt về giá cước vận tải.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam:

Để đem lại công bằng giữa người sử dụng và người cung ứng dịch vụ vận tải, rõ ràng không thể phó thác cho cơ chế thị trường, thậm chí không loại trừ khả năng bắt tay làm giá giữa các nhà kinh doanh, vì vậy rất cần sự can thiệp của Nhà nước bằng các biện pháp hành chính; sự lên tiếng mạnh mẽ của công luận và người tiêu dùng, kể cả biện pháp tẩy chay những đơn vị cố tình chây ỳ. Cơ quan quản lý cần kiến tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải; có chính sách khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới vào lĩnh vực dịch vụ vận tải nhằm giảm thiểu sự lãng phí xăng dầu, qua đó có điều kiện giảm giá cước, tiết kiệm chi phí đi lại của người tiêu dùng.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long:

Thị trường vận tải đang hoạt động theo hình thức cạnh tranh nên Nhà nước không thể định giá. Nhưng cơ quan chức năng có thể kiểm tra một số doanh nghiệp vận tải lớn. Nếu doanh nghiệp kê khai sai thì yêu cầu điều chỉnh hoặc phát hiện các doanh nghiệp có hiện tượng “bắt tay nhau” giữ giá cước thì phải có chế tài xử lý.

Nguồn: