Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã nghiên cứu bài “Xăng dầu chưa thể hướng tới thị trường thực sự” của tác giả Trâm Anh đăng trên báo Kinh tế Đô thịngày 25/5/2015. Với tư cách là đại diện của các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xăng dầu và là cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước và người tiêu dùng, Hiệp hội xin có một số trao đổi về nội dung bài viết trên:
Ảnh: Chiến Công - Báo Kinh tế Đô thị
Chuyên gia Ngô Trí Long: “…Vấn đề là ở chỗ, với đặc thù thị trường xăng dầu hiện do một vài DN đầu mối chi phối thì việc lý giải của các cơ quan chức năng là giá xăng tăng do diễn biến thị trường thế giới liệu đã đủ sức thuyết phục hay chưa? Không có cạnh tranh thì lấy đâu ra giá thị trường?...”
Hiệp hội Xăng dầu: Hiện nay cả nước có 25 doanh nghiệp đầu mối, theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP thì Nhà nước vẫn quản lý giá cơ sở và các doanh nghiệp thực hiện theo chỉ đạo điều hành giá của Nhà nước, do vậy không thể nói một vài doanh nghiệp đầu mối chi phối giá xăng dầu.
Chuyên gia Ngô Trí Long: “…Nói giảm thuế nhập khẩu và tăng thuế bảo vệ môi trường không ảnh hưởng đến giá xăng là chưa hợp lý vì xét trên thực tế một lít xăng thì mức tăng này lớn hơn mức giảm…”
Hiệp hội Xăng dầu: So với thời điểm trước khi thay đổi hai loại thuế là thuế nhập khẩu giảm từ 35% về 20% với xăng và tăng 2.000 đồng thuế bảo vệ môi trường thì giá xăng chỉ tăng 162 đồng, tương đương 0,8% giá xăng hiện nay (20.430 đồng). Như vậy, có thể nói việc tăng thuế môi trường làm giá xăng biến động không đáng kể. Đối với các loại dầu, người tiêu dùng (doanh nghiệp sản xuất kinh doanh) thậm chí còn được hưởng lợi so với trước khi điều chỉnh thuế bởi mức tăng thuế bảo vệ môi trường (1.000đ/l) nhỏ hơn rất nhiều so với mức giảm thuế nhập khẩu (trên 2.000đ/l).
Chuyên gia Ngô Trí Long: “…Liên Bộ Tài chính – Công Thương so sánh giá xăng của Việt Nam với Lào và Campuchia. Giá bán lẻ của mỗi nước có sự khác nhau phụ thuộc vào các chi phí cấu thành giá cơ sở như thuế và phí. Nếu so sánh giá với các nước khác, liên Bộ nên lấy giá xăng dầu trên thị trường Mỹ để làm đối sánh. Bởi hiện tại giá xăng ở Mỹ dao động chỉ vào khoảng 16.000 đồng/lít, trong khi đây là thị trường có sức cạnh tranh thực sự…”
Hiệp hội Xăng dầu: Mọi sự so sánh đều để chúng ta có cách nhìn nhận cho đúng. Thực tế, Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia đang phát triển, tương tự như Lào và Campuchia. Lượng xăng dầu tiêu thụ ở cả ba nước chủ yếu là nhờ nguồn nhập khẩu. Mỹ là một nước phát triển, nhu cầu xăng dầu tiêu thụ tại quốc gia này được đáp ứng bởi các nhà máy lọc dầu trong nước. Vậy nên, nếu muốn so sánh giá dầu tại Việt Nam, chúng ta nên so sánh với những quốc gia tương đồng có chung đường biên giới như Lào và Campuchia mà không nên so với Mỹ; so giá xăng dầu của Việt Nam với Mỹ chẳng khác gì so sánh giá gạo của Việt Nam với các nước châu Phi.
Chuyên gia Ngô Trí Long: “…Lần điều chỉnh này, liên Bộ quyết định giảm mức chi Quỹ bình ổn giá vì sợ Quỹ bị âm. Cách điều hành giữ thuế xăng, giảm xả Quỹ bình ổn dường như chỉ đem lại lợi ích cho Nhà nước, DN xăng dầu mà chưa vì người tiêu dùng…”
Hiệp hội Xăng dầu: Nhận định này không chuẩn, vì khi doanh nghiệp nhập khẩu về chưa bán đã phải nộp thuế nhập khẩu 100% và quỹ Bình ổn giá của một số doanh nghiệp bị âm khiến doanh nghiệp phải vay chịu lãi. Như vậy các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng đã chia sẻ với người tiêu dùng trên cơ sở chấp hành sự điều hành của Nhà nước vì Nhà nước phải đưa ra cách điều hành để đảm bảo hài hòa lợi ích cho các bên và người tiêu dùng cũng nên chia sẻ với các doanh nghiệp xăng dầu. Có thế, thị trường xăng dầu Việt Nam mới ổn định, thực hiện điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
TIN KHÁC
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu: VCCI vạch ra nhiều bất cập(31/07/2024)