Trả lời câu hỏi của báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 21-3 về việc cơ quan quản lý nhà nước có biết sớm hay không việc chênh lệch mức thuế xăng dầu do công thức tính giá cơ sở, ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội khẳng định: “Sự việc chỉ rõ ràng khi xem xét quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp”.
ĐB Bùi Đức Thụ: Cần sửa ngay các văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ điều hành giá bán xăng dầu trong nước.
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp thực hiện quyết toán sau 6 tháng và cả năm, không phải thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định ở từng thời điểm. Do đó, sau mỗi chu kỳ tính thuế mới biết được lợi nhuận của doanh nghiệp đó như thế nào. Tôi cho rằng, việc phát hiện các khiếm khuyết trong xác định giá cơ sở đối với xăng dầu như vừa qua là kịp thời.
Thuế xăng dầu nhập khẩu phụ thuộc vào các hiệp định. Khi mình đã ký hiệp định với các nước, mình phải thực hiện theo những hiệp định đó. Điều này cũng là bình thường. Vấn đề là cơ sở để xác định của giá xăng dầu thế nào cho hợp lý để làm căn cứ điều hành chính sách xăng dầu đối với thị trường trong nước.
Vậy theo ông, hướng giải quyết cần như thế nào?
Trước mắt tôi cho rằng cần sửa ngay các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là văn bản trong việc xác định giá xăng dầu cơ sở để làm căn cứ điều hành thị trường giá bán xăng dầu trong nước cho phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người dân.
Vừa qua, đúng là cơ chế có những bất cập so với thực tiễn. Tôi cho rằng, đối với phần lợi nhuận của doanh nghiệp cao lên, trước hết cứ thực thi theo pháp luật là phần thuế thu nhập doanh nghiệp doanh nghiệp phải nộp vào ngân sách, khối lượng lợi nhuận cao lên thì phần nộp vào ngân sách cũng phải tăng theo.
Vấn đề thứ hai là phần lợi nhuận thu được mà do cơ chế đem lại cần xem xét cơ sở pháp lý để tính toán đưa lợi nhuận này vào Quỹ bình ổn xăng dầu, cái đó để đảm bảo hài hòa lợi ích các bên. Cùng với đó, Chính phủ cần xác lập cơ sở pháp lý để điều hành giá xăng dầu cơ sở trong tương lai phù hợp với tình hình thực tiễn, tránh tình trạng đem lại những lợi ích không dựa trên tăng năng suất lao động cá biệt của doanh nghiệp, điều đó là không phù hợp.
Có ý kiến cho rằng, mỗi người dân hiện đang chịu giá xăng dầu với mức thuế phí cao. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Trong 2 năm gần đây giá dầu thô trên thế giới giảm mạnh, kéo giá xăng dầu giảm nhưng giá xăng dầu bán ra trong nước ít giảm theo tỷ lệ giảm của giá xăng dầu cũng như giá dầu thô trên thị trường thế giới. Điều này do nhiều nguyên nhân. Ngoài cung cầu về xuất nhập khẩu xăng dầu còn có một nguyên nhân là Việt Nam có sự điều chỉnh một số loại thuế, đặc biệt là chúng ta có thuế bảo vệ môi trường để điều tiết một phần do hụt thu từ dầu thô và hụt thu ngân sách. Việc nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn xăng dầu hằng năm là để đảm bảo hỗ trợ cân đối ngân sách Nhà nước nhưng vẫn đảm bảo giá xăng dầu ở mức hợp lý để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Bộ Tài chính cũng vừa ban hành Thông tư 48/2016/TT-BTC về việc sửa đổi biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng dầu. Theo đó, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng dầu đã được giảm xuống so với quy định trước đó theo Thông tư 78/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính. Việc giảm thuế nhập khẩu ưu đãi với dầu sẽ giúp giảm chi phí trong cơ cấu giá cơ sở của mặt hàng này. Việc điều chỉnh thuế đối với xăng dầu phải tính toán toàn diện, không cứ anh này ở mức này thì anh kia phải ở mức kia, mà phải căn cứ vào nhiều mục tiêu quản lý nhà nước.
Xin cảm ơn ông!
TIN KHÁC
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu: VCCI vạch ra nhiều bất cập(31/07/2024)